(GD&TĐ) - Là người luôn bận tâm, suy tính cho vận mệnh nước nhà ở hiện tại và cả tương lai, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tất cả tình cảm và tấm lòng mình cho sự nghiệp trồng người, thể hiện qua các bức tâm thư mà Người gửi nhân ngày khai trường.
Bác Hồ và các cháu thiếu nhi - Ảnh tư liệu |
Thật bồi hồi, xúc động khi được đọc lại những bức thư của Bác gửi cho các cháu học sinh, sinh viên, các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên ngành giáo dục nhân dịp bắt đầu năm học mới.
Với tình cảm thiết tha, gần gũi của Bác Hồ dành cho giáo dục và thế hệ trẻ Việt Nam, nhân dịp khai giảng năm học 1968 - 1969 (năm học thứ tư chống Mỹ cứu nước), Bác Hồ gửi bức thư cho Ngành giáo dục, không ngờ đó lại là bức tâm thư cuối cùng, dừng lại ở một ngày lịch sử đáng nhớ: Ngày 15/10/1968. Thời điểm này sức khỏe của Bác đã yếu đi rất nhiều bởi Bác lo rất nhiều cho vận nước nhưng Bác vẫn đặc biệt quan tâm và tự hào về thành tựu của ngành Giáo dục.
Thư Bác viết: “Trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, sự nghiệp giáo dục của chúng ta vẫn phát triển nhanh, mạnh hơn bao giờ hết... miền Bắc nước ta đã có một vạn hai nghìn trường phổ thông, mỗi xã đều có trường cấp một, nhiều xã đã có trường cấp hai, các huyện đều có ít nhất một trường cấp 3. Số người đi học đã hơn 6 triệu... Số người vào học các trường đại học và trung học chuyên nghiệp tăng gấp 3 lần so với trước chiến tranh chống Mỹ. Hơn 30 trường đại học và 200 trường trung học chuyên nghiệp...”.
Đây là lời khen có cơ sở xác đáng, là lời khích lệ, là nguồn động viên kịp thời nhất mà Bác dành cho toàn quân đội, nhân dân, thầy và trò cả nước bấy giờ, khiến cho ai ai cũng nức lòng phấn chấn.
Đọc lại bức thư cuối cùng Bác gửi cho các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên cũng như đọc lại những bức tâm thư của Bác gửi cho ngành Giáo dục, ở thư nào Bác cũng thăm hỏi, chúc mừng, khen ngợi, và rồi Bác không quên căn dặn, chỉ dẫn, định hướng, mong mỏi, yêu cầu đối với giáo dục trong việc đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau là việc cần thiết.
Bác đặt ra nhiệm vụ đối với thầy và trò, đó là: "Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho". Bác căn dặn: "Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt ".
Đó là những tình cảm sâu sắc, cháy bỏng và mong muốn tột bậc của Bác, thể hiện nhiều triết lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục mang đậm chất nhân văn của Người nhưng được trình bày một cách dễ hiểu và đơn giản.
Bức thư cuối cùng Bác gửi cho ngành Giáo dục không dài, gói gọn trên một mặt giấy với chưa đầy 800 chữ, hàm súc. Ngôn ngữ đại chúng mộc mạc, giản dị, dễ hiểu, xúc động. Lời xưng hô thân mật, gần gũi, chân tình. Giọng thư ân cần, tha thiết, sâu lắng. Bức thư mang đậm phong cách Hồ Chí Minh đã thực sự truyền cảm và lay động trái tim người tiếp nhận.
Những lời tâm thư của Bác từ bức thư đầu tiên (9/1945) cho tới bức thư cuối cùng (10/1968) vẫn còn nguyên tính thời sự, là di sản vô giá, là báu vật thiêng liêng của dân tộc ta, đất nước ta nói chung và của ngành Giáo dục nói riêng.
Năm học 2013 - 2014, càng thấm nhuần lời dạy, tình cảm, tư tưởng của Bác , để xứng đáng với sự quan tâm đặc biệt và lòng mong mỏi thiết tha, lớn lao của Người, càng quyết tâm biến nhận thức thành hành động cụ thể, vừa khắc ghi vừa nỗ lực thực hiện bổn phận, trách nhiệm của mình với tinh thần “Dù khó khăn đến đâu cũng phải ra sức thi đua dạy tốt học tốt” phụng sự sứ mệnh cao cả “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” góp phần thắng lợi cho “sự nghiệp giáo dục có những bước phát triển mới” theo tư tưởng và triết lý về giáo dục đậm chất nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Có thể vận dụng các triết lý giáo dục mang đậm chất nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Lời tâm thư vì thế có ý nghĩa thực tiễn vô cùng sâu sắc, là phương châm, là ngọn đèn soi rọi dẫn đường cho những người làm công tác giáo dục hôm qua, hôm nay và mai sau. |
Phan Lê
TIN LIÊN QUAN |
---|