"Cẩm nang" từ A đến Z du học New Zealand

"Cẩm nang" từ A đến Z du học New Zealand

Ngày nay, du học là sự lựa chọn của nhiều học sinh và phụ huynh với mong muốn tiếp nhận nền giáo dục tiên tiến từ những quốc gia phát triển cũng như khám phá những điều mới mẻ, tích lũy kiến thức cho tương lai.

New Zealand là một trong những quốc gia được nhiều học sinh lựa chọn là điểm đến cho hành trình du học từ bậc trung học đến bậc đại học và sau đại học. 

Vũ Minh Huyền, hiện đang làm việc tại trường University of Western Australia đã chia sẻ nhiều thông tin bổ ích cho các bạn trẻ Việt đang có ý định du học New Zealand.

?ọc phổ thông tại New Zealand (NZ) 

Môn học

Ngày đầu tiên đi học, mình được mẹ và cô homestay dẫn đến trường. Vì mới 16 tuổi, mẹ mình chưa yên tâm nên cũng sang cùng mình mấy tuần đầu để xem xét môi trường và cuộc sống của mình bên này. Mình được chào đón rất nhiệt tình từ ban quốc tế của trường. 

Là một ngôi trường nổi tiếng phía Tây Auckland, trường có số lượng học sinh quốc tế lớn nên dịch vụ chăm sóc học sinh rất chuyên nghiệp. Sau màn chào hỏi, cô cho mình vào phòng riêng làm bài kiểm tra Tiếng Anh và Toán, sau đó dựa vào điểm mình đạt được, bên trường sắp xếp cho mình vào lớp phù hợp với trình độ.

Khi có điểm, cô ngồi xuống cùng mình chọn môn học và sắp xếp thời khóa biểu. Mình thực sự rất thích thú khi được cô nghe cô giải thích về chương trình học bên này khi học sinh chỉ cần tập trung vào 6 môn học. Ngoài những môn bắt buộc như Toán, Tiếng Anh, cô còn động viên chọn những môn mình thích. Vì bố mẹ làm doanh nghiệp nên mình vẫn luôn thích những môn liên quan đến Business, vậy là ngay từ năm lớp 11 mình đã học các môn như Kế Toán, Kinh Tế và Quản Trị Doanh Nghiệp.

Ăn ở Homestay

Theo luật của NZ, du học sinh dưới 18 tuổi sẽ cần có người bảo trợ chính vì vậy hầu hết các bạn đều ở với homestay. Mình được trường sắp xếp ở cùng với homestay Kiwi. Nhà cô chú cách trường khoảng 10 phút đi bộ, cô chú khá thân thiện, không có con cái mà chỉ nuôi một chú chó tên Eva. 

Ở cùng mình còn có một chị người Thái xinh xắn và nói đặc giọng Kiwi vì chị đã đi du học ở NZ từ năm 6 tuổi. Mặc dù nhà cửa, trường học rất tốt và được sắp xếp chu đáo tuy nhiên mình lại rất kén ăn. Sáng ra ăn ngũ cốc với sữa và buổi trưa ăn sandwich là một cực hình. Mới sang có vài tuần mà gầy đi trông thấy, mẹ nhìn mình thấy thương nên quyết định thay đổi kế hoạch.

Bên ngoại mình cũng có gia đình bên NZ nên mẹ chuyển mình về một trường khác gần nhà người thân hơn mặc dù chấp nhận mất đi khoản học phí 6 tháng đã đóng trước. Vậy là trong vòng 5 tuần mình đã chuyển sang trường mới. Tuy nhiên, tất cả các môn mình chọn đều y nguyên như ban đầu nên không có gì là lạ lẫm. Ở trường mới, tuy không to, hoành tráng như trường cũ nhưng chất lượng giảng dạy cũng không thua kém, mà lại ấm áp tình người. Những người bạn thời trung học của mình giờ vẫn chơi rất thân với nhau như chị em ruột thịt.

Hoạt động ngoại khóa

Ở NZ, khi học trung học, ngoài giờ học chính trên trường các bạn sẽ được trường khuyến khích tham gia các hoạt động thể thao, văn hóa – thường thứ 4 hàng tuần sẽ có buổi sport activity. Bạn có thể tham gia các môn thể thao bạn thích tại trường hoặc đi thi đấu cùng các trường khác trong khu vực. Hàng năm, trường cũng có ngày hội văn hóa để các học sinh và thầy cô giáo trong trường có dịp học hỏi về những nền văn hóa khác nhau – các bạn nữ khi đi du học nhớ mang theo một bộ áo dài nhé.

Một trong những hoạt động được chờ đón nhất trong thời gian học trung học đó là khi đi dạ hội (School Ball/Prom). Đây là dịp để các chị em được xúng xính lên đồ như lọ lem được hóa công chúa. Mình nhớ ngay sau khi trường thông báo chủ đề dạ hội năm đó là gì, các bạn trong trường đã ríu rít chuẩn bị trang phục sao cho phù hợp từ mấy tháng trước luôn. Đây cũng là dịp các đôi tình yêu chích bông có dịp ngỏ lời và mời partner đi dự dạ hội cùng. Dù có date hay không thì đây cũng là dịp học sinh cả trường cùng nhảy múa, hát ca thay vì chỉ có đi học như thông thường và là một kỷ niệm đáng nhớ trong thời học sinh.

Làm thêm khi đang học trung học 

Khi đang học trung học, bạn vẫn có thể đi làm thêm nếu trường và phụ huynh đồng ý. Chính vì vậy, sau 6 tháng làm quen với môi trường, chương trình học và tiếng Anh đã tiến bộ hơn, mình đã đăng ký visa xin thêm điều kiện để đi làm thêm.

Tuy được phép làm việc 20h/tuần, nhưng mình chỉ dành một buổi thứ 7 đi làm thêm để đảm bảo thời gian cho học tập và nghỉ ngơi. Công việc làm thêm này đã giúp mình nâng cao trình độ giao tiếp lên trông thấy vì làm cashier của một tiệm bánh nên được giao tiếp với rất nhiều khách hàng và cũng học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ các cô chú trong tiệm. Đây cũng là một nền tảng vững chắc cho mình để xin những công việc làm thêm sau này.

Làm thêm và tham gia tình nguyện khi đang học đại học 

Vì đã có kinh nghiệm là việc từ lúc học phổ thông, khi mình chuyển xuống Christchurch cũng không quá khó khăn để xin công việc làm thêm đầu tiên. Mình làm waitress cho nhà hàng Kiwi. Làm ở đó hơn một năm, mình bắt đầu xin vào những vị trí khác ‘việc nhẹ lương cao’ – như làm trong văn phòng của trường. Mình đăng ký vào công việc của ban Alumni của trường, công việc chính là gọi điện cho các cựu sinh viên của trường, hỏi thăm các anh chị và nếu có điều kiện anh chị có thể đóng góp cho trường. 

Vì đã có kinh nghiệm làm customer service và cũng được đào tạo bài bản khi bắt đầu công việc nên công việc không quá khó. Mình nhớ lương trung bình hồi đó là $12/giờ trong khi làm việc ở trường mình đã được trả $18/giờ. Ngoài việc lương cao hơn, mình cũng học hỏi được rất nhiều ví dụ như cách nói chuyện điện thoại chuyên nghiệp, dẫn dắt câu chuyện, đặt vấn đề xin donation, v.v.

Dù học hành vất vả và bận bịu công việc nhưng mình vẫn luôn dành thời gian giao lưu với bạn bè vì tính khá ham chơi và party nào mà sắp xếp thời gian được là sẽ không thiếu mặt. Ngoài ra, phòng Gym ở trường cũng miễn phí cho sinh viên nên mình luôn sắp xếp thời gian để có thể đi tập thể dục và dành ra ít nhất một tiếng cho bản thân mà không phải suy nghĩ vấn đề học tập, công việc, v.v

Ngoài công việc làm thêm ra, mình cũng luôn hăng say tham gia các hoạt động tình nguyện cho trường và các dự án giáo dục mà lúc đó nhiều bạn bè hỏi tại sao làm nhiều thế? Đối với mình lúc đó và ngay cả bây giờ mình chỉ biết mình muốn tham gia các hoạt động đó vì mình thực sự thích. Đến năm cuối đại học, những hoạt động ngoại khóa không còn chỉ đơn giản là giúp đỡ các sinh viên quốc tế nữa mà trường bắt đầu cử mình đi các thành phố khác cùng các anh chị bên Ban Quan Hệ Quốc Tế của trường để quảng bá trường Đại học. Thế rồi cơ hội bất ngờ tới khi bên trường đặt vấn đề muốn mình làm việc lâu dài cho trường – mình nhận ngay và luôn vì đó thực sự là công việc mình yêu thích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.