Cảm hóa học trò bằng trái tim người thầy

GD&TĐ - Cảm hóa, giáo dục học sinh bằng tình thương yêu thực sự, bằng sự độ lượng, bao dung sẽ có kết quả bền lâu hơn là giáo dục bằng mệnh lệnh, bằng sự bắt buộc. Đó là chia sẻ của các thầy cô giáo trong quá trình giáo dục học sinh cá biệt.

Giáo dục học sinh bằng tình thương yêu (ảnh minh họa -nguồn internet)
Giáo dục học sinh bằng tình thương yêu (ảnh minh họa -nguồn internet)

“Lạt mềm buộc chặt”

Nhiều năm làm GV chủ nhiệm, cô giáo Nguyễn Thị Tuyết, Trường THPT Hoài Đức A (Hà Nội) không ít lần gặp những học sinh nghịch ngợm, khó bảo. Nhiều em chuyện học hành lại trễ nải, có thái độ lười biếng trong học tập, thường xuyên trốn học đi chơi (game, cà phê, hay la cà quán xá đánh bài, tán gẫu,…), sao nhãng công việc của tập thể (lao động)…

Cô Tuyết cho biết, nhiệm vụ của giáo dục không chỉ “dạy” mà còn là “dỗ”. Thay vì chửi mắng, trách móc, cô cảm hóa HS bằng cách gần gũi với các em hơn, đặt mình ở vai trò là người bạn để có điều kiện gần gũi, quan tâm, sẻ chia hơn để hiểu các em đang nghĩ gì, cần gì và mong muốn điều gì. Nhờ đó, đến nay đã có khá nhiều HS hư được giúp đỡ trở lại trường và học tập tiến bộ, nhiều em thi đỗ vào trường cao đẳng, thậm chí đậu đại học với số điểm cao.

Cô giáo Nguyễn Thị Hằng, giáo viên môn Văn, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Đống Đa (Hà Nội), chia sẻ câu chuyện về những người học trò gây xúc động trong cuộc đời. Nhiều học sinh ở trung tâm rất lười học, quậy nghịch, mất căn bản về kiến thức. Có em chán nản, bỏ học triền miên đi chơi game.

Cô Hằng âm thầm tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, thì được biết ba mẹ em đã ly dị. Cú sốc đó khiến tâm lý và tính cách em bị ảnh hưởng. Biết em thiếu thốn tình cảm, cô Hằng đã hết sức quan tâm, động viên, không bao giờ chê bai hay quát mắng, không bao giờ nói em là học sinh hư.

(Ảnh minh họa -nguồn internet)
(Ảnh minh họa -nguồn internet) 

Dường như hiểu được tấm lòng của cô Hằng, em đã rất nỗ lực, học hành dần tiến bộ, được lên lớp và tốt nghiệp. Từ đó, không có ngày 20/11 nào là em không về thăm cô. Điều đó khiến cô hạnh phúc và tiếp tục giúp những học sinh khác trở nên tốt hơn.

Yêu thương đúng cách

Thực tế, trong quá trình giảng dạy, có vô vàn tình huống sư phạm giáo viên phải đối mặt hàng ngày, đòi hỏi các thầy cô phải thật khéo léo, mềm dẻo nhưng quyết đoán. Làm một người thầy không phải là công việc đơn thuần như bao công việc khác mà đó là cả một trách nhiệm to lớn để giáo dục, định hướng và bảo vệ thế hệ trẻ.

Ngoài vai trò giảng dạy, giáo viên còn chăm lo đến đời sống tinh thần cho các em. Một cái cây non nớt muốn phát triển khỏe mạnh không chỉ cần nước và dinh dưỡng mà còn cần ánh nắng ấm áp từ phía mặt trời.

Cô Trịnh Thị Phương, GV Trường tiểu học Quảng Hùng (Thanh Hóa) cho rằng, trong giáo dục trẻ nhỏ, điều quan trọng nhất là phải yêu trẻ. Giáo viên tiểu học cũng vậy, họ chỉ dạy trẻ thành công khi họ hiểu trẻ, yêu trẻ. Trình độ cao sẽ giúp người ta ứng xử nhanh, linh hoạt hơn, nhưng nó không thay thế được tình yêu, sự tâm huyết dành cho trẻ. Kiến thức bậc tiểu học thì có gì nhiều, vấn đề chỉ là phải tìm được một cách thức tổ chức hoạt động dạy học phù hợp với trẻ nhỏ. Muốn như vậy phải gần gũi trẻ, phải hiểu trẻ yêu gì, ghét gì, mong muốn gì.

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được xây dựng theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học. Phương pháp dạy học cũng phải được đổi mới theo hướng lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm, giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, hướng dẫn, tạo cơ hội để học sinh phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo; khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, rèn luyện,… để tự phát hiện và chiếm lĩnh tri thức.

Từ những yêu cầu trên, đòi hỏi giáo viên nói chung và giáo viên tiểu học nói riêng cần phải được cập nhật và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Theo thầy Nguyễn Văn Hoà – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho rằng, năng lực nghiệp vụ sư phạm, năng lực nghiệp vụ chưa tốt thì có thể tập huấn, bồi dưỡng là cần thiết nhưng điều quan trọng là giáo viên phải tự thay đổi, tự đổi mới mình, giác ngộ được nhiệm vụ. Chính giáo viên thay đổi thì mới làm thay đổi được học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Lạc quan xây hạnh phúc

GD&TĐ - Chị đang lúi húi dưới bếp chuẩn bị bữa cơm chiều, nghe tiếng gọi hoảng hốt của mấy đứa nhỏ đang chơi ngoài ngõ vội chạy ra.