Không trường lớp nào có thể dạy cho giáo viên mọi tình huống sư phạm

GD&TĐ - Đó là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Hoa Lê, giáo viên môn Ngữ văn hệ GDTX tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX Hà Trung (Thanh Hóa). Với gần 20 năm kinh nghiệm dạy các học trò "cá tính", cô Hoa Lê chia sẻ bí quyết để cảm hóa những tính cách bị tổn thương.

Cô giáo Nguyễn Thị Hoa Lê (áo dài hoa) cùng các học trò của mình
Cô giáo Nguyễn Thị Hoa Lê (áo dài hoa) cùng các học trò của mình

Chuyện kỷ luật trong giáo dục

Cô Hoa Lê cho rằng, giáo dục học sinh (HS) đương nhiên cần có kỷ luật và kỷ luật là cần thiết. Nó giống như ranh giới, giới hạn, ngưỡng để HS hiểu mình phải làm gì, được làm gì và làm thế nào cho đúng.

Hình phạt cũng cần thiết, giống như điều luật, quy định. Khi bạn mắc lỗi, bạn phải chịu trách nhiệm với việc làm của mình. Hình phạt nếu đúng mức sẽ có tác dụng tích cực, tạo động lực, giúp HS nhận thức được việc làm sai và biết sửa sai. Còn ngược lại, sẽ phản GD, tạo tâm lý không tốt cho HS, thậm chí gây phản ứng tiêu cực, có thể kéo theo nhiều hệ lụy.

Tuy nhiên, giáo viên (GV) nên tùy cấp học, mức độ vi phạm mà đưa ra hình phạt với HS. Tôi lấy ví dụ: một HS hay hát trong lớp…tôi có thể yêu cầu và tạo điều kiện phù hợp để em lên trước lớp hát lấy điểm, hát thoải mái…

"Học sinh vào trường tôi là những HS còn sót lại sau kì thi vào cấp 3, hoặc HS không thi, hay người vừa học vừa làm. Vì vậy, đa phần HS yếu cả về năng lực, kĩ năng cũng như đạo đức, thiệt thòi về hoàn cảnh gia đình. Chuyện các em mắc lỗi xảy ra khá thường xuyên. Trong môi trường giáo dục nói chung, mọi chuyện đều bất ngờ, bất thình lình và vì vậy đồi hỏi giáo viên phải luôn bình tĩnh để ứng xử phù hợp trong mỗi tình huống cụ thể" - cô Hoa Lê cho hay.

Các thuật ngữ “HS cá biệt”, “HS cá tính”, “HS hư” là những thuật ngữ mà lâu nay nhiều GV thường dùng để gọi các HS chưa kỉ luật. Theo tôi, những thuật ngữ này có sự khác nhau về mức độ vi phạm kỉ luật của HS. Và nếu được lựa chọn thì tôi muốn gọi các em bằng danh từ chung là "HS cá tính" khi các em vi phạm kỉ luật. Đó cũng là cách giáo viên gửi thông điệp và mong muốn học sinh trở nên chăm ngoan, kỷ luật hơn.

Sự tận tâm của cô giáo Nguyễn Thị Hoa Lê đã cảm hóa được nhiều học trò đặc biệt
 Sự tận tâm của cô giáo Nguyễn Thị Hoa Lê đã cảm hóa được nhiều học trò đặc biệt
 Giáo viên là nghề đòi hỏi không chỉ tri thức, đạo đức mà cả tâm huyết nữa. Người thầy giáo đồng thời cũng phải là nhà tâm lí học, cần có nhiều kĩ năng, kĩ xảo ứng biến với những tình huống sư phạm. Và trước mọi tình huống dù là xấu nhất phải luôn nghĩ mình là nhà giáo, học trò dù thế nào chúng vẫn chỉ là học trò của mình. 
Cô giáo Nguyễn Thị Hoa Lê

Cách nào cảm hóa học sinh cá tính?

Là GV ra trường 18 năm, dạy ở một ngôi trường có thể nói là đặc thù, cô Hoa Lê liên tục được phân công làm GVCN. Cô cho rằng, sự quan tâm, tình yêu thương và nghiêm khắc…là những điều không thể thiếu được với mỗi người thầy ở bất cứ ngôi trường nào, nhất là khi làm việc với những HS đặc biệt.

Theo cô Hoa Lê, không một trường sư phạm nào có thể dạy hết được cho sinh viên những tình huống, cũng như kĩ năng ứng xử các tình huống sư phạm vì thực tế giảng dạy là muôn màu muôn vẻ và chứa đựng quá nhiều những bất ngờ.

Trong những tình huống chứng kiến, hoặc nghe HS khác phản ánh về hành vi không đúng mực của HS, cô Hoa Lê thường lắng nghe từ nhiều phía, xem xét tường tận sự việc, tìm hiểu nguyên nhân; sau đó phân tích đúng-sai cho HS.

Sau nữa tôi sẽ tâm sự riêng với HS. Việc này tôi đặc biệt lưu tâm vì HS của tôi đang ở lứa tuổi tâm sinh lý có nhiều thay đổi bất thường. Khi giáo viên tâm sự với học sinh sẽ giúp các em sẽ thấy được giá trị của mình, thấy mình được quan tâm... sẽ thoải mái nói mọi điều với giáo viên. Và việc các em ý hiểu ra lẽ phải, nghe lời sẽ nằm trong tầm tay của bạn.

"Chúng ta hãy luôn luôn đặt mình vào vị trí của các em để thấu hiểu, chia sẻ. Đừng lấy quyền là thầy để cho mình là đúng nhất. Cũng cần xây dựng mối liên hệ chặt chẽ với phụ huynh HS để họ hiểu việc mình làm, phương pháp mình GD và nhất là hiểu con họ thế nào! Và đương nhiên, nhà giáo phải luôn “giữ lửa” tình yêu với nghề, để vượt mọi khó khăn, truyền lửa niềm tin cho các học trò." - cô Hoa Lê nhắn nhủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...