“Kỷ luật” học sinh nên dùng tình thương và trách nhiệm

GD&TĐ - Dạy dỗ học sinh cá tính ở mọi cấp học chưa bao giờ dễ dàng. Thế nhưng, cô Phạm Thị Nga (Trường Tiểu học Đô thị Việt Hưng, Hà Nội) đã thành công trong việc cảm hóa học trò bằng phương pháp đặc biệt, với trái tim bao dung và chia sẻ.

Cô Nga trong giờ dạy tại lớp 3A2 - trường Tiểu học Đô thị Việt Hưng do cô làm chủ nhiệm (Ảnh: NVCC)
Cô Nga trong giờ dạy tại lớp 3A2 - trường Tiểu học Đô thị Việt Hưng do cô làm chủ nhiệm (Ảnh: NVCC)

Cô giáo là mẹ ở trường

Hơn 20 năm đứng trên bục giảng, cô Phạm Thị Nga gắn bó với các lứa học sinh tiểu học, những cô cậu học trò tuổi nhi đồng hồn nhiên, trong trẻo nhưng cũng là giai đoạn “nổi loạn đáng yêu”.

Do vậy, song song với việc dạy học, cô luôn dành thời gian để tìm hiểu và nắm bắt tâm lý học sinh, từ đó, gần gũi, chia sẻ, cùng các em giải quyết những vấn đề khó khăn, hỗ trợ các em xây dựng kế hoạch học tập, hình thành tính tự giác và khả năng tự học.

Nhờ sự thấu hiểu học sinh mà suốt hành trình “gõ đầu trẻ” của mình, cô Nga chưa thấy có “học sinh hư” mà chỉ thấy có những “học sinh cá tính”. Chính sự nhìn nhận này đã giúp quá trình dạy dỗ học trò của cô trở nên nhẹ nhàng và bớt áp lực. Những câu chuyện và kỷ niệm về học trò cứ nối dài theo mỗi chuyến đò chở từng lứa học sinh qua sông. 

Chia sẻ câu chuyện về cậu học trò từng để lại nhiều ấn tượng trong suốt những năm tháng dạy học, cô Nga kể, có những học trò rất hiếu động, thậm chí nghịch ngợm, phá phách, đánh nhau…. Tuy nhiên, nếu gần gũi và lắng nghe sẽ thấy các bạn ấy ngoan và đáng yêu. “Đối với học sinh tiểu học, cô giáo phải như mẹ của các con thì việc giáo dục mới trở nên hiệu quả”, cô Nga tâm niệm.

Trong con mắt trẻ thơ của học trò, cô Nga là một giáo viên nghiêm khắc nhưng không “đáng sợ” vì cô luôn công bằng, thưởng phạt phân minh. Tuy làm việc với trẻ cấp tiểu học nhưng cô Nga luôn có thái độ tôn trọng đối với học trò. Khi trẻ mắc lỗi, cô bình tĩnh, kiên nhẫn phân tích, giảng giải để trẻ hiểu đúng sai và cải biến.

Theo cô Nga, để đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện cho học sinh, song song với việc truyền đạt kiến thức, việc cảm hóa - hướng thiện cho các em cũng chính là sứ mệnh của người giáo viên. Tuổi tiểu học là giai đoạn quan trọng hình thành nhân cách một con người nên cần chú tâm gieo trồng và vun xới những điều đẹp đẽ, nhân ái, bao dung cho những tâm hồn trong trẻo.

Học trò cũ về lại trường Tiểu học chúc mừng cô giáo Nga nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (Ảnh: NVCC)
Học trò cũ về lại trường Tiểu học chúc mừng cô giáo Nga nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (Ảnh: NVCC)

Không hình thức kỷ luật nào mạnh hơn tình thương

Một trong những nguyên tắc giáo dục mà cô Nga áp dụng đối với các học trò của mình là: Luôn bao dung nhưng luôn nghiêm khắc.

Cô thường khích lệ kịp thời học sinh của mình khi các em làm được một việc tốt hay có sự tiến bộ trong học tập. Phần thưởng mà các học trò đều mong chờ được nhận là những lời khen tặng, động viên nhẹ nhàng, những lá bài đồ chơi hay đôi khi chỉ là chiếc kẹo nhỏ.

Còn khi học trò mắc lỗi, cô Nga không ưu tiên quát mắng hay trách phạt, ngược lại cô luôn ân cần giảng giải, phân tích để các em hiểu ra những lỗi sai và biết cách sửa sai.

 Đôi khi những biểu hiện bề nổi như lếu láo, văng tục, không chịu nghe lời… chỉ để che giấu tình cảm sâu kín hơn trong tâm hồn các em. Đó có thể là những tổn thương do gia đình mang lại, là nỗi cô đơn của những đứa trẻ thiếu sự quan tâm...

Nếu giáo viên chỉ sử dụng biện pháp mạnh mà không chịu thấu hiểu sẽ dẫn đến những tổn thương lớn hơn, khiến các em có những phản kháng tiêu cực. Tôi nghĩ, giáo viên không chỉ là người thầy cung cấp tri thức mà nên gần gũi học sinh như một người bạn, tình cảm như một người mẹ, để các em tin tưởng, tâm sự khi cảm thấy hoang mang trước cuộc sống.
Cô Phạm Thị Nga

Cách cô "kỷ luật" học sinh cũng rất độc đáo. Để học sinh không tái phạm, cô thường yêu cầu học sinh mắc lỗi chép phạt chính những lời căn dặn của cô từ 20 đến 40 lần tùy theo mức sai phạm; yêu cầu ngừng chơi trò yêu thích trong khoảng thời gian chấp hành kỷ luật,....

Tình cảm chân thành luôn hàm chứa sức cảm hóa mạnh mẽ đối với học sinh, nhất là những học sinh đặc biệt và cá tính. Cô giáo Nga đã kiên trì theo quan điểm giáo dục nhân văn, khơi gợi tình cảm tốt đẹp trong sâu thẳm tâm hồn mỗi học trò.

Quả thật, sự hiểu biết về tâm lý học sinh sẽ giúp các thầy cô phân tích, phân loại hành vi, suy nghĩ của các em, tìm ra nguyên nhân. Từ đó, có thể đưa ra những quyết định đúng và trúng trong việc giáo dục và định hướng cho các em. Đặc biệt, đối với học sinh lứa tuổi tiểu học thì đó là cả một nghệ thuật. Do vậy, giáo viên cần coi học sinh như người thân của mình, yêu thương các em như con, để gần gũi và chia sẻ với chúng nhiều hơn.

“Sự trưởng thành của các thế hệ học trò chính là nguồn động viên to lớn nhất đối với tôi. Đó chính là động lực để tôi nuôi dưỡng đam mê và tâm huyết với nghề, truyền đạt tri thức và kinh nghiệm sống cho các em. Sau nhiều năm đứng trên bục giảng, tình cảm của học trò là điều mà tôi trân trọng nhất, tôi nhớ mọi gương mặt học trò nhưng những học trò cá tính sẽ khiến tôi dành quan tâm và dõi theo đến tận lúc trưởng thành”, cô Nga chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.