Cầm cân nảy mực

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Năm học 2022 - 2023, các trường THPT đồng thời thực hiện hai quy định về đánh giá học sinh.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Theo đó, học sinh lớp 10 sẽ lần đầu áp dụng Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT (dành cho học sinh THCS, THPT học Chương trình GDPT 2018); học sinh lớp 11, lớp 12 tiếp tục thực hiện theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT và Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Thông tư 58 (dành cho học sinh THCS, THPT học Chương trình GDPT 2006). Trước đó, Thông tư 22 đã được áp dụng với học sinh lớp 6 từ năm học 2021 - 2022.

Mục đích đánh giá theo Thông tư 22 nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện, học tập của học sinh theo yêu cầu cần đạt quy định trong Chương trình GDPT; trong khi Thông tư 58 và 26 là đánh giá chất lượng giáo dục đối với học sinh sau mỗi học kỳ, năm học nhằm thúc đẩy việc rèn luyện, học tập.

Thông tư 22 đánh giá kết quả rèn luyện, học tập của học sinh; với Thông tư 58, Thông tư 26 là đánh giá hạnh kiểm và học lực. Thông tư 22 không tính điểm trung bình các môn học; kết quả rèn luyện của học sinh trong từng học kỳ và cả năm học được đánh giá theo 1 trong 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt. Thông tư 58, Thông tư 26 đánh giá hạnh kiểm, học lực theo 4 mức: Tốt, Khá, Trung bình, Yếu.

Nếu như Thông tư 58 còn khá nhiều tồn tại, hạn chế (nhiều môn học chỉ có hình thức đánh giá bằng bài kiểm tra và cho điểm; việc đánh giá còn nặng về kiến thức, tổng kết; hình thức kiểm tra, đánh giá vẫn chủ yếu bằng bài kiểm tra trên giấy hoặc máy tính…), thì đến Thông tư 26, nhiều hạn chế đã được khắc phục.

Cụ thể, Thông tư 26 đã tiệm cận Thông tư 22 với việc quy định đánh giá bằng nhận xét; kết hợp đánh giá bằng nhận xét và bằng điểm số; không giới hạn số lần kiểm tra đánh giá thường xuyên; đa dạng hình thức đánh giá thường xuyên và định kỳ. Việc triển khai Thông tư 26 từ năm học 2020 - 2021 là bước chuyển cần thiết giúp cho các nhà trường không bỡ ngỡ, lúng túng khi bắt tay vào thực hiện Thông tư 22 đối với lớp 10 từ năm học tới.

Cùng với đó, triển khai Chương trình GDPT 2018, Bộ GD&ĐT đã xây dựng, tổ chức tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục với 54 mô-đun; trong đó, mô-đun 3 về bồi dưỡng, kiểm tra, đánh giá được tập huấn đại trà trên toàn quốc từ năm 2020 đến nay. Bộ GD&ĐT đồng thời có văn bản hướng dẫn thực hiện việc kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học triển khai Chương trình GDPT 2018 với Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020.

Tuy nhiên, khó khăn khi lần đầu tiên trường THPT phải triển khai song song hai quy định về đánh giá đối với học sinh là khó tránh khỏi, ở cả khâu quản lý nhà trường và thực hiện của giáo viên, nhất là những giáo viên vừa phải dạy lớp 10 và lớp 11 hoặc 12.

Giải pháp của nhiều trường, bên cạnh sớm cập nhật để đội ngũ tìm hiểu, nắm chắc quy định mới còn là ưu tiên lựa chọn giáo viên vững chuyên môn, tâm huyết để dạy học lớp 10; xếp thời khóa biểu để thầy cô trong một ngày (hay một buổi) chỉ dạy một chương trình nhằm có sự tập trung cao nhất; thường xuyên tổ chức trao đổi, chia sẻ, rút kinh nghiệm trong đánh giá học sinh…

Vai trò của lãnh đạo nhà trường trong động viên, khích lệ, định hướng, đôn đốc, theo dõi quá trình đánh giá của giáo viên, đặc biệt trong giai đoạn ban đầu rất có ý nghĩa.

Nhưng quan trọng nhất vẫn là tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của mỗi giáo viên với việc nghiên cứu kỹ để hiểu sâu quy định đánh giá mới, tham gia tập huấn hiệu quả; đặc biệt là tự bồi dưỡng, đầu tư tìm tòi để thực sự vận dụng được đa dạng, chất lượng, các hình thức tổ chức đánh giá. Quy định tiến bộ, nhưng học sinh được thụ hưởng sự tiến độ đó đến mức độ nào phụ thuộc vào chính những người trực tiếp giảng dạy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ