Đa dạng hình thức đánh giá thường xuyên để đánh giá sát năng lực học sinh

GD&TĐ - Việc chỉ sử dụng kiểm tra đầu giờ (kiểm tra miệng) trong đánh giá thường xuyên không còn phù hợp với đòi hỏi đổi mới kiểm tra, đánh giá.

Cô trò Trường THCS Ban Mai - Hà Đông (Hà Nội) trong giờ học.
Cô trò Trường THCS Ban Mai - Hà Đông (Hà Nội) trong giờ học.

Tuy nhiên, để thực hiện đúng tinh thần đổi mới, đặt ra yêu cầu cao hơn, đòi hỏi thầy cô phải đầu tư và nỗ lực nhiều hơn.

Nhàn thầy cô, thiệt học trò

Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá HS THCS và THPT được thực hiện theo lộ trình từ năm học 2021 - 2022 đối với lớp 6; năm học 2022 - 2023 đối với lớp 7, lớp 10; từ năm học 2023 - 2024 với lớp 8, lớp 1 và từ năm học 2024 - 2025 với lớp 9, lớp 12. Theo Thông tư này, ngoài đánh giá định kỳ, HS được đánh giá thường xuyên thông qua nhiều hình thức đa dạng: Hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập.

Đây là hoạt động đánh giá kết quả rèn luyện, học tập của HS diễn ra trong quá trình thực hiện hoạt động dạy học theo yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông; cung cấp thông tin phản hồi cho GV, HS để kịp thời điều chỉnh trong quá trình dạy học; hỗ trợ, thúc đẩy sự tiến bộ của HS; xác nhận kết quả đạt được của HS trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ rèn luyện và học tập.

Ngày 6/4, trong báo cáo tại cuộc làm việc với đoàn công tác của Bộ GD&ĐT, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La thừa nhận việc đổi mới kiểm tra, đánh giá ở nhiều đơn vị trên địa bàn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Lấy điểm thường xuyên chủ yếu căn cứ vào việc kiểm tra bài cũ đầu giờ, các hình thức kiểm tra thường xuyên chưa đa dạng theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT…

Từ thực tế dạy học, thầy Trang Minh Thiên, GV Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (Cần Thơ) cũng cho rằng: Còn không ít GV vẫn đánh giá HS để lấy điểm thường xuyên qua kiểm tra bài cũ đầu giờ. Cách làm này dù “nhàn” cho thầy cô nhưng sẽ không đánh giá hết năng lực của HS, bởi chỉ cần học thuộc bài mà không phát triển được các kỹ năng khác. Chưa kể, đa phần các em nghĩ đã trả bài và có điểm cao rồi thì ít khi phải trả bài lại nên có thể dẫn tới chểnh mảng trong các bài tiếp theo.

Cô Vũ Thị Anh, GV Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) thì nhấn mạnh quan điểm: Đến thời điểm này nếu thầy cô vẫn chủ yếu đánh giá thường xuyên theo hình thức kiểm tra bài cũ đầu giờ là chậm đổi mới, ngại đổi mới, chưa tiếp thu quan điểm chỉ đạo theo tinh thần đổi mới của Bộ GD&ĐT.

Theo cô Trần Huỳnh Nhị, GV Trường THPT Hòa Ninh (Vĩnh Long), những lợi ích của việc đổi mới đánh giá thường xuyên. Cụ thể là đánh giá đa dạng, toàn diện năng lực HS; đánh giá quá trình nhằm công nhận sự tham gia học tập của người học, tránh áp lực điểm số; sản phẩm học tập là kết quả của việc vận dụng những gì đã học, không nghiêng về thuộc lòng bài lý thuyết.

Cô Trần Huỳnh Nhị cho rằng: Hoạt động đánh giá HS đã có nhiều đổi mới. Theo đó, thầy cô đã chú trọng đầu tư thực hiện đánh giá thường xuyên bằng nhiều hình thức: Đối thoại trực tiếp, chấm sản phẩm học tập cá nhân, sản phẩm nhóm, kiểm tra viết tự luận ngắn, viết luận thành đoạn. Với những GV chưa đổi mới, nguyên nhân do việc triển khai tại trường chưa hiệu quả, chỉ đạo của lãnh đạo chưa quyết liệt, công tác tập huấn hỗ trợ GV hạn chế, ý thức đổi mới của GV còn chậm… 

Ảnh minh họa/ INT
Ảnh minh họa/ INT

Đánh giá nhiều lần, vì sự tiến bộ của người học

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai, cô Lê Thị Thu Hồng, GV Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên - Huế), cho biết mình và đồng nghiệp trong trường thực hiện đánh giá thường xuyên trong cả quá trình dạy học; có thể thực hiện kiểm tra đồng loạt cả lớp, hoặc kiểm tra lần lượt với từng HS, nhóm HS. Các phương pháp, hình thức đánh giá thường xuyên cũng đa dạng, như: Hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập và có thể tiến hành trực tuyến hoặc trực tiếp.

Cô Lê Thị Thu Hồng đưa ví dụ khi giao nhiệm vụ cho một nhóm HS về nhà tìm hiểu một nội dung của bài mới thông qua phiếu học tập. Trong tiết học sau đó, đại diện nhóm HS lên trả lời phần chuẩn bị ở nhà của cả nhóm; các nhóm khác có nhiệm vụ đặt câu hỏi đánh giá, phản biện. GV đánh giá điểm nhóm thông qua bài thuyết trình, sản phẩm học tập đã chuẩn bị, khả năng trả lời các câu hỏi phản biện… tùy theo mức độ đóng góp, tìm hiểu của các thành viên trong nhóm để cho điểm đánh giá thường xuyên. Trong quá trình giảng dạy kiến thức trên lớp, GV cũng dễ dàng đánh giá thường xuyên HS thông qua hệ thống câu hỏi nêu vấn đề, câu hỏi củng cố. Qua đó, tùy theo mức độ giải quyết vấn đề của HS, GV có thể cho điểm tốt (điểm cộng), hoặc cho điểm kiểm tra thường xuyên.

“Mục đích của chúng tôi trong đánh giá thường xuyên để HS thấy được khả năng của mình trong quá trình học tập; từ đó khuyến khích các em nỗ lực học tập để tiến bộ. Do đó, chúng tôi đánh giá thường xuyên nhiều lần trong một học kỳ. Lần đầu, nếu HS thực hiện chưa tốt thì có thể cố gắng khắc phục trong lần sau. Đánh giá thường xuyên cũng giúp GV thấy được những khó khăn trong quá trình tiếp thu kiến thức của học trò, từ đó điều chỉnh hoạt động dạy và học sao cho tốt nhất”.  -

Cho biết điều này, cô Lê Thị Thu Hồng chia sẻ kinh nghiệm đổi mới đánh giá thường xuyên với việc đa dạng các hình thức dạy học (dạy học trên lớp, học tập ở nhà, tham quan học tập, hoạt động nhóm, thảo luận, thực hành thí nghiệm). Khi đó, GV mới có nhiều sản phẩm học tập, nhiều hình thức để đánh giá thường xuyên đối với HS; lấy HS làm trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em tiếp thu cũng như trình bày kiến thức mình có được.

Với thầy Trang Minh Thiên, cách đánh giá thường xuyên được thầy áp dụng là đánh giá quá trình học tập của HS trong suốt học kỳ, ghi nhận sự tiến bộ và cố gắng của HS khi tham gia các hoạt động học trên lớp; đánh giá qua các sản phẩm học tập (sản phẩm của dự án STEM, bài thuyết trình…); khuyến khích trò dành thời gian tham gia các khóa học online về những chủ đề có liên quan đến môn học và tóm tắt lại nội dung để chia sẻ cho lớp...

Để thực hiện hiệu quả các giải pháp này, thầy Thiên cho rằng: Đánh giá quá trình đòi hỏi GV phải có sự quan sát, ghi nhận tỉ mỉ để không đánh giá sai năng lực và bảo đảm công bằng khách quan cho HS. Đánh giá qua các sản phẩm học tập, GV phải có thời gian đầu tư soạn giảng, xây dựng các dự án học tập và phương án đánh giá phù hợp với từng đối tượng. Bên cạnh đó, thầy cô cần có sự chuẩn bị và trao đổi thật kỹ để các em có thể quan sát, nhận xét các bạn thật sự chính xác và cùng nhau thúc đẩy việc học. Cuối cùng, để HS dành thời gian tham gia các khóa học online về chủ đề liên quan đến môn học, trước hết GV phải là người tiên phong tự học, bồi dưỡng để có thể nắm bắt, thấu hiểu được những nội dung nào là cần thiết và phù hợp với HS của mình.

“Thực hiện sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học cũng là giải pháp để thực hiện hiệu quả đổi mới kiểm tra, đánh giá. Cùng với đó, thầy cô cần không ngừng tự học, bồi dưỡng chuyên môn. Việc đặt mình vào HS, dựa trên việc phát triển năng lực của HS cũng sẽ giúp thầy cô đưa ra hình thức đánh giá phù hợp” - cô Trần Huỳnh Nhị chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.