Triển khai Thông tư 22: Hiệu quả hơn trong đánh giá học sinh

GD&TĐ - Kết thúc năm học 2021 - 2022 cũng đánh dấu một năm triển khai quy định mới về kiểm tra, đánh giá với giáo dục trung học theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT.

Phát triển năng lực học sinh thông qua Chương trình giáo dục mới. Ảnh minh họa
Phát triển năng lực học sinh thông qua Chương trình giáo dục mới. Ảnh minh họa

Năm đầu tiên triển khai có khó khăn, thuận lợi; nhưng đánh giá trên bình diện chung, thực hiện đánh giá theo Thông tư 22 là phù hợp, hiệu quả. 

Đánh giá sát thực, nhiều chiều

Là giáo viên (GV) Ngữ văn, Tổ trưởng chuyên môn Trường THCS Ban Mai - Hà Đông (Hà Nội), cô Trần Thị Thảo đánh giá: Nhìn tổng thể, Thông tư 22 đang đi đúng hướng và hiệu quả hơn trong công tác kiểm tra, đánh giá học sinh (HS).

Sau 1 năm thực hiện cho thấy, Thông tư này có nhiều điểm mới, nhân văn, phù hợp. Trong đó, đáng chú ý là không phân biệt môn chính, môn phụ khi đánh giá; đánh giá quá trình học tập và rèn luyện của HS theo 4 mức độ: Tốt - Khá - Đạt - Chưa đạt (bỏ mức độ Trung bình, Yếu kém); cách dùng từ ngữ và nhìn nhận quá trình giáo dục nhân văn hơn. Khen thưởng HS theo 3 mức độ: Xuất sắc - Giỏi - Hoàn thành (bỏ khen thưởng HS tiên tiến, không phân biệt HS trung bình).

Giảm số lượng đầu điểm kiểm tra thường xuyên giúp giảm áp lực về hồ sơ, đầu điểm cho GV, đặc biệt với những bộ môn nhiều giờ (trên 70 tiết/học kỳ như Ngữ văn). Thông tư cũng chỉ ra vai trò của từng cấp, đối tượng trong giáo dục, hỗ trợ HS; đề cao vai trò gia đình phối kết hợp nhà trường. Điều này tạo sự kết nối, chia sẻ, phối hợp tốt hơn giữa gia đình - nhà trường trong giáo dục, đồng hành với HS.

Ở góc độ quản lý, sau 1 năm triển khai, thầy Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ái Mộ (quận Long Biên, Hà Nội) nhận định: Thông tư 22 có nhiều điểm linh hoạt, đánh giá sát thực theo nhiều chiều với người học, phù hợp với việc triển khai Chương trình GDPT 2018. Thông tư không giới hạn số lần kiểm tra thường xuyên; chỉ quy định số đầu điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên được ghi nhận kết quả đối với từng môn học. Việc đánh giá thường xuyên được áp dụng linh hoạt thông qua hỏi đáp, viết thuyết trình, thực hành thí nghiệm, sản phẩm học tập. Do đó, HS được đánh giá nhiều góc độ, phù hợp với định hướng phát triển năng lực.

Với Trường THCS Quản Cơ Thành (huyện Châu Thành, An Giang), việc triển khai Thông tư 22 trong năm đầu tiên có cả thuận lợi và khó khăn. Chia sẻ của cô Hiệu trưởng Lê Thị Ngọc Dung, thuận lợi là nhà trường đã triển khai, quán triệt Thông 22 đến tập thể GV vào đầu năm học.

Lãnh đạo thường xuyên quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn tổ trưởng chuyên môn, GV thực hiện kiểm tra, đánh giá theo đúng tinh thần Thông tư. Về cơ bản, GV đã hiểu đúng tinh thần Thông tư 22 về vai trò, ý nghĩa của việc kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất HS. Nhà trường đã tổ chức kiểm tra, đánh giá HS kết hợp làm bài trên giấy và trên máy tính. HS từng bước thích ứng việc kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học. Các em có ý thức, tích cực học tập hơn.

Tuy nhiên, dù được lãnh đạo nhà trường triển khai, quán triệt, nhưng ở từng môn học/hoạt động giáo dục, GV chưa được tập huấn kỹ về kiểm tra, đánh giá HS theo Thông tư 22 cho phù hợp từng đặc trưng bộ môn. Những môn học số tiết/tuần ít, GV phải dạy nhiều lớp, số lượng HS đông, thời gian quan sát, tiếp xúc với HS không nhiều nên GV không thể biết rõ từng em gây khó khăn cho việc đánh giá bằng nhận xét.

Mặt khác, GV còn lúng túng khi ghi nhận xét HS. Một số thầy cô chưa mạnh dạn sử dụng các loại bài kiểm tra, đánh giá mới theo tinh thần Thông tư như thuyết trình, sản phẩm học tập, dự án học tập… mà chỉ chú trọng sử dụng phương thức truyền thống như hỏi - đáp, viết. Còn nhiều HS chưa tích cực, tự giác học tập, gây khó khăn cho việc kiểm tra, đánh giá theo Thông tư 22.

“Nhìn chung, việc kiểm tra, đánh giá theo theo Thông tư 22 phù hợp, hiệu quả. HS dần hình thành ý thức, thói quen trong tổ chức, hợp tác điều hành, giao tiếp, chia sẻ trong học tập. Các em cũng có kỹ năng tự nhận xét, nhận xét bạn. Thông tư 22 giúp tăng tính khách quan, tạo điều kiện để đánh giá một cách chính xác, toàn diện nhất.

Để có thể đánh giá, GV phải thông qua quá trình học tập lâu dài của HS. Thông tư mới cũng quy định lại cách đánh giá thường xuyên; các phương thức đánh giá được thay đổi để tạo động lực cho HS chăm chỉ hơn trong quá trình học tập. Danh hiệu HS tiên tiến bị loại bỏ, chỉ công nhận thành tích  HS loại giỏi và xuất sắc; qua đó, HS cảm thấy được công nhận hơn, có thêm động lực hơn trong học tập.

Tuy nhiên, việc đánh giá bằng nhận xét và ghi nhận xét vào sổ (đối với những môn học kết hợp đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số) GV thực hiện chưa được hiệu quả, còn lúng túng; trong khi đó Thông tư 22 chưa hướng dẫn kỹ về công việc này” - cô Lê Thị Ngọc Dung chia sẻ.

Học sinh được phát triển toàn diện thông qua phương thức đánh giá năng lực thực tế.
 Học sinh được phát triển toàn diện thông qua phương thức đánh giá năng lực thực tế.

Bài học kinh nghiệm cho những năm sau

Từ kinh nghiệm triển khai Thông tư 22 trong năm học 2021 - 2022, cô Lê Thị Ngọc Dung cho rằng: Cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nội dung đánh giá của Thông tư đến cán bộ, GV, HS bằng nhiều hình thức: Lồng ghép trong sinh hoạt chào cờ đầu tuần; sinh hoạt chủ nhiệm; tổ chức chuyên đề cấp trường về kiểm tra, đánh giá theo Thông tư 22... Tăng cường quản lý, hướng dẫn GV sử dụng các bài kiểm tra, đánh giá mới, như thuyết trình, sản phẩm học tập, bài thực hành, dự án học tập...

Lãnh đạo nhà trường có thể quy định cụ thể mỗi lần kiểm tra thường xuyên là loại bài khác nhau. Ví dụ, môn học có 3 cột điểm thường xuyên thì cột thứ nhất là bài kiểm tra hỏi - đáp, cột thứ hai là chấm sản phẩm học tập, cột thứ ba là bài thuyết trình… Quán triệt đến GV tuyệt đối không được so sánh HS này với HS khác; không chỉ trích lỗi sai của HS mà phải nhẹ nhàng, khéo léo chọn từ ngữ phù hợp để nhắc nhở, động viên các em sửa chữa.

Còn theo thầy Nguyễn Ngọc Sơn, để triển khai hiệu quả Thông tư 22 trong những năm tiếp theo, đầu năm học cần triển khai chi tiết, cụ thể đến từng tổ nhóm chuyên môn về các quy định kiểm tra, đánh giá. Tổ nhóm chuyên môn thảo luận thống nhất các nội dung, hình thức, sản phẩm kiểm tra, đánh giá, bảo đảm phù hợp với đặc trưng bộ môn, điều kiện thực hiện của nhà trường trong tình hình dịch bệnh Covid-19 còn ảnh hưởng. Cùng với đó, tăng cường đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá; ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, đánh giá; xây dựng kho học liệu điện tử, ngân hàng dữ liệu, nền tảng LMS đáp ứng nội dung Thông tư 09 của Bộ GD&ĐT.

Ông Nguyễn Minh Nhiên, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT Bắc Ninh thì cho rằng: Cần tăng cường công tác tập huấn, sinh hoạt chuyên môn để mỗi nhà trường có đội ngũ cán bộ quản lý, GV cốt cán nắm chắc thông tư và sẵn sàng hỗ trợ để GV toàn trường hiểu rõ, thành thạo cách đánh giá theo quy định mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa hoa cải thường rơi vào khoảng giữa tháng 11 đến tháng 12…

Rực rỡ hoa cải vàng khoe sắc bên sông

GD&TĐ - Mùa này, những cánh đồng cải vàng ven dòng sông Đuống, ở các thôn: Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm (xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội), đang bung nở rực rỡ.

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.