Cái gật đầu của Mỹ có giúp chiến sự đổi chiều?

GD&TĐ - Theo CNN, dù Ukraine được phép dùng vũ khí Mỹ cung cấp tấn công bên trong lãnh thổ Nga là bước tiến nhưng nó khó có thể khiến chiến sự đổi chiều.

Hệ thống pháo phản lực HIMARS.
Hệ thống pháo phản lực HIMARS.

Theo quyết định được Tổng thống Joe Biden đưa ra ngày 30/5, Ukraine giờ đây dùng vũ khí Mỹ để phản công, nhắm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga đang đe dọa tỉnh đông bắc Kharkov.

Tổng thống Ukraine Zelensky ca ngợi đây là "bước tiến quan trọng", sẽ giúp lực lượng Ukraine phòng thủ tốt hơn không chỉ tại Kharkov.

Quyết định của Mỹ cho phép Ukraine được khai hỏa các vũ khí như pháo phản lực HIMARS sử dụng rocket phóng loạt dẫn đường (GMLRS), tầm bắn khoảng 70 km, để tấn công đội hình quân Nga tập trung gần biên giới Kharkov.

Kiev cũng có thể dùng các tổ hợp phòng không do Mỹ cung cấp, như hệ thống Patriot, bắn hạ máy bay Nga đang chuẩn bị phóng tên lửa, thả bom lượn vào tỉnh đông bắc Ukraine.

Mykola Bielieskov, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Ukraine ở Kiev, nói: "Điều này có thể giúp ổn định tiền tuyến, tạo điều kiện để Ukraine đẩy lùi lực lượng Nga khỏi Kharkov trước khi họ củng cố vững chắc chỗ đứng chân".

Philip Ingram, cựu sĩ quan tình báo quân đội Anh, cũng cho rằng quyết định của Tổng thống Biden sẽ giúp Ukraine không phải rút nhiều lực lượng ở vùng Donbass để tới phòng thủ tại Kharkov.

"Lực lượng Nga giờ đây sẽ gặp tình thế bất lợi hơn và phải suy nghĩ kỹ về chiến thuật mà họ từng sử dụng để tấn công Kharkov", ông Ingram cho biết.

Nhưng các chuyên gia phân tích quân sự không kỳ vọng việc Ukraine được "nới vòng kim cô" sẽ tạo ra thay đổi mang tính bước ngoặt trên chiến trường, phần nào bởi Washington vẫn giữ nguyên chính sách cấm Kiev sử dụng ATACMS, loại tên lửa đạn đạo tầm bắn 300 km có thể được phóng bằng pháo HIMARS, để tập kích mục tiêu sâu hơn trong lãnh thổ Nga.

Kateryna Stepanenko, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) trụ sở Washington, cho rằng điều này khiến Ukraine không thể chạm tới phần lớn nơi tập kết của binh sĩ Nga.

Bà Stephanenko nhận định: "Chính sách của Mỹ vẫn giữ cho hậu phương Nga an toàn. Những thay đổi ở khu vực Kharkov chưa đủ để tạo ra bước ngoặt trong cuộc chiến.

Ukraine đặc biệt cần năng lực tập kích sâu vào lãnh thổ Nga để loại bỏ các mối đe dọa, bởi nhiều vị trí hỗ trợ Nga tấn công Ukraine nằm ngoài tầm bắn của rocket GMLRS".

Franz-Stefan Gady, nhà nghiên cứu tại Viện Quốc tế về Nghiên cứu Chiến lược (IISS) trụ sở Anh, cho rằng:

"Với rocket GMLRS, Ukraine chỉ có thể tập kích một số sở chỉ huy, đội hình Nga ở gần biên giới, khiến họ khó phát động chiến dịch vào Kharkov hơn, nhưng không thể chặn đà tấn công của đối phương.

Nga cũng có thể tăng cường các biện pháp tác chiến điện tử để đối phó rocket Mỹ. Chúng ta cần phải thực tế trong kỳ vọng từ sự thay đổi chính sách này, do lực lượng Nga đã quen đối phó các hệ thống rocket dẫn đường của Mỹ", ông nói.

Mathieu Boulegue, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu, đánh giá Ukraine hiện "có thể đẩy lùi các đợt tấn công của Nga một cách hiệu quả hơn", nhưng cũng cho rằng đây không phải yếu tố giúp cục diện chiến trường đổi chiều theo hướng có lợi cho Ukraine.

"Nó giống như biện pháp bổ sung, chất kích thích giúp Ukraine tăng cường phòng vệ", chuyên gia Boulegue nói.

Chuyên gia Zheng Runyu tại Trung tâm Nghiên cứu về Nga, Đại học Sư phạm Hoa Đông, Thượng Hải, Trung Quốc, lưu ý việc cho phép Ukraine dùng vũ khí phương Tây tập kích Nga sẽ khiến xung đột leo thang hơn nữa và đàm phán hòa bình là bất khả thi.

Theo học giả này, cục diện chiến trường đang có lợi cho Nga và phương Tây không muốn đàm phán hòa bình diễn ra với cán cân như vậy. Ông Zheng cũng cho rằng động thái "bật đèn xanh" của Mỹ khó giúp Ukraine thay đổi tình hình, bởi Kiev không có đủ nguồn lực để giành ưu thế trên chiến trường.

Clip pháo binh Nga tấn công lực lượng Ukraine ở đồng bằng Dnepr hôm 2/6.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bức tranh giành giải Nhất của Nguyễn Hoàng Phúc An (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Bình Thanh.

Nét vẽ trẻ thơ lay thức mẹ cha

GD&TĐ - Những bức tranh kể chuyện về gia đình được vẽ bằng nét cọ trẻ thơ vừa được Nhã Nam trưng bày tại Lotte Mall West Lake Hanoi.