Tung đòn tấn công hỗn hợp sau tuyên bố của Litva

GD&TĐ - Bộ Quốc phòng Nga thông báo Không quân Nga và Belarus đã thực hiện các cuộc không kích vào các mục tiêu trong cuộc tập trận chiến thuật chung.

Lực lượng Nga Belarus trong một cuộc tập trận chung.
Lực lượng Nga Belarus trong một cuộc tập trận chung.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết: "Các máy bay chiến đấu đa năng Su-30SM, máy bay ném bom tiền tuyến Su-24, trực thăng Mi-24, trực thăng Mi-8 của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã tham gia cuộc tập trận chiến thuật chung với lực lượng phòng không của Quân đội Cộng hòa Belarus.

Trong tập trận, các phi hành đoàn đã triển khai các phương tiện hàng không và vũ khí chính xác tấn công tiêu tiêu diệt các mục tiêu đã định".

Lực lượng không quân Belarus và Nga vừa kết thúc cuộc tập trận đường không chiến thuật chung trên lãnh thổ Belarus hôm 31 tháng 5 bằng màn bắn đạn thật chính xác vào một loạt mục tiêu.

Những nỗ lực chính trong cuộc tập trận là nhằm giải quyết các nhiệm vụ bảo vệ các cơ sở nhà nước và quân sự trước các cuộc tấn công trên không từ bên ngoài.

Màn bắn đạn thật của Không quân Nga và Belarus diễn ra gần như ngay sau tuyên bố của Litva cho rằng Ukraine có quyền tập kích cơ sở quân sự Nga trên lãnh thổ Belarus, đồng thời ủng hộ NATO đưa cố vấn quân sự đến Kiev.

"Ukraine có quyền tự vệ. Nếu cơ sở quân sự Nga được bố trí tại lãnh thổ nước khác để tránh bị tập kích, tôi cho rằng Ukraine được quyền điều chỉnh mục tiêu cho phù hợp", Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis nói hôm 31 tháng 5 khi trả lời truyền thông Mỹ về khả năng Ukraine tấn công mục tiêu Nga tại Belarus.

Belarus là đồng minh thân cận của Nga. Chính quyền Tổng thống Alexander Lukashenko đã cho phép Nga sử dụng lãnh thổ Belarus để phát động tấn công vào Kiev hồi tháng 2/2022.

Quan hệ giữa Belarus với Ukraine và các nước láng giềng phía tây đi xuống trong vài năm qua, sau khi Nga phát động chiến sự ở Ukraine.

Các nước Estonia, Litva và Latvia hồi tháng 1 đã nhất trí xây dựng các công trình phòng thủ dọc biên giới chung với Belarus và Nga, nhằm ứng phó với mối đe dọa quân sự ngày càng gia tăng.

Trong khi đó, Ba Lan tháng 11/2023 cũng thông báo triển khai một tiểu đoàn xe tăng tới khu vực gần biên giới với Belarus.

Thủ tướng Litva Ingrida Simonyte tuyên bố nước này ủng hộ thành viên NATO cử quân nhân đến Ukraine hỗ trợ huấn luyện quân sự. Bà lập luận các chương trình hợp tác huấn luyện NATO - Ukraine đã có từ trước chiến sự và là "hợp tác lâu dài" quân đội các nước NATO với quân đội Ukraine.

"Chúng tôi đã tổ chức huấn luyện ở nước thứ ba, cũng như tại Litva. Nếu cần thiết, Litva sẵn sàng cùng các nước khác tổ chức huấn luyện tại Ukraine", bà Simonyte nói.

Thủ tướng Litva cho rằng Nga đang tận dụng ưu thế về hỏa lực và nhân lực để áp đảo trên chiến trường. Bà kêu gọi phương Tây tăng ủng hộ cho Ukraine, dành ra 0,25-0,5% GDP cho viện trợ quân sự để "tạo được thay đổi đáng kể".

"Tôi nghĩ rằng mỗi nước đều có thể đóng góp thêm, cân nhắc những phương diện khả thi và hỗ trợ nhiều hơn. Chiến sự đã bước sang năm thứ ba, nhưng chúng ta vẫn trong tình thế cầm cự", bà Simonyte bình luận, đồng thời nhấn mạnh ủng hộ Ukraine là nghĩa vụ và đạo đức của phương Tây.

Những tuyên bố từ quan chức và lãnh đạo Litva được công bố không lâu sau khi nhiều nước thành viên NATO, trong đó có Mỹ, Đức, đã đồng ý cho Ukraine sử dụng vũ khí họ viện trợ để tập kích bên trong lãnh thổ Nga, nhưng chưa từng đề cập đến việc tấn công cơ sở quân sự trên đất Belarus.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.