Cái chết của "gà công nghiệp"

Cái chết của "gà công nghiệp"

(GD&TĐ) - Những vụ tự tử của học sinh trong thời gian gần đây đều xuất phát từ những lý do hết sức nhỏ nhặt nhưng cách đi đến cái chết rất quyết liệt khiến chúng ta không khỏi giật mình lo lắng về cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề tiêu cực của một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay.

Thiếu kỹ năng sống

Trẻ em hiện nay được bố mẹ lo cho đầy đủ từ ăn, mặc, học hành đến việc đáp ứng những nhu cầu được bằng bạn bằng bè. Hơn nữa, bố mẹ thời nay đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái, luôn muốn con mình phải giỏi giang nên áp lực học hành đè nặng lên đầu trẻ. Lịch học kín mít khiến các em không còn thời gian dành cho các học động xã hội. Vì thế, không có gì lạ khi một học sinh THPT học thì rất giỏi nhưng chẳng phân biệt được cây lúa với cây cỏ, không phân biệt được cá mè hay cá trắm, không biết đi chợ, nấu cơm hay giặt giũ quần áo...

Kinh tế phát triển, xã hội cũng trở nên phức tạp hơn. Cha mẹ vì thế mà luôn cảm thấy lo lắng, bất an, luôn phải cảnh giác đề phòng mỗi khi con ra đường, mỗi khi con tiếp xúc với bạn bè và những người xung quanh. Cho dù con đã lớn nhưng bố mẹ vẫn đưa đi đón về, không dám cho con tham gia các hoạt động khi không có bố mẹ. Trong khi đó, về đến nhà, ai về phòng nấy, ít có thời gian trò chuyện với nhau khiến các em có cảm giác thừa thãi, lạc lõng trong gia đình.

Những “chú gà công nghiệp” cảm thấy cuộc sống tẻ nhạt và tù túng. Vì thế, Internet là công cụ duy nhất để các em được bộc lộ cái tôi của mình. Các em lên mạng nói chuyện, hẹn hò, kết bạn, tự do bày tỏ những sở thích hay tâm sự, những nỗi buồn chất chứa trong lòng. Các em có thể học ở đó những kiến thức bổ ích nhưng cũng có vô số những thông tin độc hại dễ lôi kéo các em. Thậm chí, có những trang chuyên dạy trẻ cách tự kết liễu đời mình... khiến nhiều em có những suy nghĩ tiêu cực, lệch lạc. Chính vì thế,  khi trẻ gặp bế tắc, không tìm ra được hướng giải quyết cộng với sự bồng bột, nông cạn, việc các em tìm đến cách giải quyết tiêu cực là điều rất dễ xảy ra.

“Ta cứ trách cuộc đời hay méo mó/ Sao ta không tròn ngay tự trong tâm?”
“Ta cứ trách cuộc đời hay méo mó/ Sao ta không tròn ngay tự trong tâm?”
 

Trau dồi bản lĩnh

Thực tế cho thấy những bạn trẻ bị khuyết tật hay có hoàn cảnh khó khăn lại có nghị lực mạnh mẽ.

“Có khi nào bạn cảm thấy bị kẹt trong hoàn cảnh nào đó, và rồi phát hiện ra cái kìm kẹp duy nhất chính là sự thiếu tầm nhìn, thiếu dũng cảm hay sự thất bại trong việc nhận ra rằng bạn có những lựa chọn tốt hơn?"

Nick Vujicic

Để giúp các em rèn cho mình một bản lĩnh trong cuộc sống cần phải có một phương pháp đúng đắn. Cha mẹ không nên “ôm ấp” con mình thái quá mà cần phải tạo cho các em ý thức tự lập ngay từ nhỏ. Các em phải làm quen với việc tự phục vụ bản thân mình. Việc học kỹ năng sống và học kiến thức là hai việc quan trọng như nhau.

Bên cạnh đó, gia đình và nhà trường cần tạo ra nhiều cơ hội để trẻ tiếp xúc, trải nghiệm và tự giải quyết các tình huống xảy ra. Bố mẹ và thầy cô hãy quan tâm trò chuyện nhiều hơn với các em, tôn trọng những ý kiến của các em. Và hơn ai hết chính các bạn trẻ phải tự mình nhìn nhận, trau dồi bản lĩnh cũng như tự vạch kế hoạch cho tương lai của chính mình để sống không chỉ đơn thuần là tồn tại mà sống để thấy cuộc đời đẹp hơn, có ích hơn.

Ngọc Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ