Cách sử dụng bộ chuẩn để phát huy năng lực nghề nghiệp giáo viên

GD&TĐ - Bộ chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học với 6 tiêu chuẩn, 25 tiêu chí đã phản ánh chính xác những phẩm chất, năng lực của một giáo viên chuyên nghiệp. Nhưng việc sử dụng bộ chuẩn này để đánh giá giá xếp loại giáo viên ở các trường THCS còn có bất cập.

Cách sử dụng bộ chuẩn để phát huy năng lực nghề nghiệp giáo viên

Đó là chia sẻ của cô Phạm Thị Nga - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ninh Xuân (Hoa Lư, Ninh Bình).

Lưu ý quan trọng khi đánh giá giáo viên theo chuẩn

Cô Phạm Thị Nga cho rằng, bộ chuẩn được sử dụng trước hết để quản lí đội ngũ giáo viên theo chuẩn. Điều này có nghĩa, cần sử dụng bộ chuẩn để xây dựng một hệ thống quản lí, tác động vào các yếu tố cấu thành các phẩm chất, năng lực đã được ghi trong bộ chuẩn để giúp tất cả các giáo viên đạt chuẩn, chứ không nhằm tới việc đạt chuẩn của từng giáo viên đơn lẻ.

Bên cạnh đó, đánh giá giáo viên, bao gồm tự đánh giá và đánh giá của các cấp quản lí là khâu cuối cùng của quá trình quản lí, tức là khi người giáo viên đã có đủ điều kiện và thòi gian để phấn đáu đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn.

Hơn nữa, mọi hoạt động đánh giá giáo viên chỉ nhằm một mục đích duy nhất là giúp giáo viên tiến bộ không ngừng (không nên dùng để xếp hạng giáo viên).

Đánh giá giáo viên có một mục đích kép là giúp giáo viên tiến bộ, và khi giáo viên tiến bộ, đạt chuẩn thì học sinh, nhà trường, cha mẹ học sinh cũng được thụ hưởng thành quả của việc giáo viên sẽ dạy tốt, giáo dục học sinh tốt…

"Đội ngũ giáo viên là một lực lượng xã hội đặc biệt, được xã hội tôn vinh. Không nên công khai đánh giá giáo viên này đạt chuẩn, giáo viên kia chưa đạt chuẩn. Trước khi đánh giá giáo viên, cần giải thích chuẩn, nêu rõ các công việc cần làm để đạt chuẩn; giúp đỡ, hỗ trợ họ làm hết các công việc để đạt chuẩn trước khi để họ tự đánh giá và đánh giá ngoài" - cô Phạm Thị Nga nêu quan điểm.

Qui trình quản lí giáo viên theo bộ chuẩn nghề nghiệp

Để việc sử dụng bộ chuẩn phát huy được năng lực nghề nghiệp giáo viên, cô Phạm Thị Nga đã đề xuất quy trình quản lí giáo viên theo bộ chuẩn nghề nghiệp như sau:

Bước 1: Giải thích từng tiêu chí, nêu rõ các công việc cần làm, các sản phẩm cần có sau mỗi công việc, yêu cầu cần đạt của mỗi sản phẩm và mục đích sử dụng sản phẩm đó.

Bước 2: Tổ chức để giáo viên thảo luận về các công việc cần làm để đạt từng tiêu chí. Trong quá trình thảo luận giáo viên có thể thêm, bớt cho phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể.

Họ có thể nêu các khó khăn cần được các cấp quản lí giúp đỡ, hỗ trợ… Cuối cùng thống nhất số lượng công việc cần làm, số lượng sản phẩm cần có sau mỗi công việc

Bước 3: Tổ chức viết hướng dẫn để giáo viên thực hiện các công việc đã thống nhất. Trong đó có thể cung cấp các biểu mẫu, như mẫu phiếu tìm hiểu hứng thú của học sinh, mẫu kế hoạch năm học…

Bước 4: Qui định thời gian để giáo viên thực hiện các công việc, hướng dẫn để giáo viên tổ chức các sản phẩm của từng công việc như các minh chứng phục vụ cho tự đánh giá và đánh giá ngoài.

Trong thời gian này các cấp quản lí có thể hỗ trợ, giúp đỡ, động viên giáo viên phấn đấu đạt chuẩn. Có thể tổ chức tập huấn một số kĩ năng như kĩ năng lập kế hoạch dạy học, kĩ năng ra đề kiểm tra đánh giá…

Bước 5: Sau thời gian qui định tổ chức để giáo viên tự đánh giá.

Hoạt động tự đánh giá lúc này trở nên rất nhẹ nhàng, vì giáo viên chỉ viết lại những gì đã làm theo hướng dẫn, các minh chứng đã sẵn sàng vì đó chính là các sản phẩm do chính họ làm ra, đã được sắp xếp theo các tiêu chí phục vụ đánh tự đánh giá và đánh giá.

"Các bộ chuẩn, trong đó có bộ chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học là thành tựu đáng ghi nhận của các nhà khoa học giáo dục.

Bộ chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học với 6 tiêu chuẩn, 25 tiêu chí đã phản ánh chính xác những phẩm chất, năng lực của một giáo viên chuyên nghiệp.

Ngoài tiêu chuẩn 1 với 5 tiêu chí xác định các phẩm chất cần có của mỗi giáo viên, các tiêu chuẩn từ 2 đến 6 phản ánh những năng lực cốt lõi của giáo viên, bắt đầu từ tìm hiểu đối tượng và môi trường dạy học, làm kế hoạch dạy học, lên lớp, tiến hành các hoạt động giáo dục học sinh, các hoạt động xã hội và cuối cùng là năng lực phát triển nghề nghiệp.

Với bộ chuẩn như vậy nếu có cách sử dụng đúng, với một qui trình phù hợp với đặc trưng nghề nghiệp, với mục đích giúp giáo viên phấn đấu đạt chuẩn trước khi tự đánh giá và đánh giá thì hiệu quả của chuẩn sẽ tốt hơn nhiều".


Cô Phạm Thị Nga

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ