Hàng trăm hộ dân Hà Nội nằm trong dự án “treo” hơn 20 năm:

Cách nào giúp dân thoát 'gông' dự án?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhà vướng dự án 'treo' nên nhếch nhác, tạm bợ, xuống cấp, nhưng muốn sửa chữa để ở tạm cũng khó khăn đủ đường.

Bản đồ quy hoạch Dự án quy hoạch công viên hồ điều hòa Hạ Đình.
Bản đồ quy hoạch Dự án quy hoạch công viên hồ điều hòa Hạ Đình.

Đây là tình cảnh của hàng trăm hộ dân nằm trong Dự án Quy hoạch công viên hồ điều hòa Hạ Đình (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Dự án “treo” hơn 20 năm hành dân

Sở hữu mảnh đất nằm ngay trên khu đất “vàng” đắc địa, nhưng từ nhiều năm nay, 4 thành viên trong gia đình chị Phùng Thị Nhi phải chật vật sống trong căn nhà cấp 4. Diện tích đất lớn, 2 mặt đều giáp đường nhưng gia đình chị Nhi không thể sửa sang, xây mới được do vướng vào dự án “treo” hơn 20 năm.

Ẩm thấp khi trời mưa, nóng bức khi vào Hè, cực chẳng đã, gia đình chị Nhi đã phải chấp nhận nộp phạt để có thể cải tạo một số hạng mục trong căn nhà với mong muốn cuộc sống của vợ chồng chị và 2 người con bớt vất vả hơn.

Là Tổ trưởng Tổ dân phố số 9, nhưng gia đình ông Đặng Đình Đảm cũng chịu chung số phận tương tự khi 4 thế hệ trong gia đình với 7 - 8 thành viên phải sinh sống trong những ngôi nhà chật hẹp, xuống cấp. Việc xây mới, sửa chữa là không thể do những vướng mắc liên quan đến Dự án Quy hoạch công viên hồ điều hòa Hạ Đình (sau đây gọi là Dự án).

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Đảm cho biết đã mua mảnh đất hợp pháp từ năm 1993 với nguồn gốc là đất giãn dân được UBND TP Hà Nội ký cấp đất. Tuy nhiên, khi đang sinh sống ổn định, vào ngày 17/2/2002 ông Đảm cũng như nhiều hộ dân khác nhận được công văn thể hiện căn nhà nơi gia đình ông đang sinh sống nằm trên đất Dự án.

Được triển khai từ năm 2001, hiện Dự án mới xong hồ điều hòa, phần công viên cây xanh đã không thực hiện được do vướng các hộ dân. Báo cáo của UBND phường Hạ Đình cho thấy, các hộ dân nằm trong Dự án có nguồn gốc nhà, đất phức tạp.

Cụ thể, khu đất giãn dân ven bờ vùng (hồ Hạ Đình) gồm 102 thửa đất. Đây là khu đất do UBND TP Hà Nội cấp theo Quyết định số 2216/QĐ-UBND ngày 7/6/1993 cho 145 hộ gia đình làm nhà ở.

Trong đó, thôn Hạ Đình là 5.200m2 tại khu Vườn Cam cấp cho 76 hộ gia đình. Sau đó, diện tích đất này lại được chia cho 102 hộ trong đó có 65 hộ có tên trong danh sách được duyệt, số còn lại không có tên trong danh sách nhưng đều có phiếu thu tiền.

Đến ngày 26/1/1991, Sở Xây dựng Hà Nội có sơ đồ giới thiệu vị trí điểm đất xây dựng đất giãn dân xây dựng nhà ở là điểm X4 (thuộc các thửa đất nằm gần thửa 389 tờ bản đồ số 3).

Nhưng, tại thời điểm triển khai thực hiện Quyết định 2216, UBND xã Khương Đình khi đó đã giao sai vị trí đã được Sở Xây dựng Hà Nội giới thiệu. Hiện, khu vực trên có khoảng 73 thửa đất có công trình xây dựng.

Khu đất do UBND xã Khương Đình tự giãn dân, tự chia đất mà không được phép của cơ quan có thẩm quyển gồm khoảng 192 thửa, trong đó có 15 thửa sử dụng từ năm 1980 - 1985 nằm phía cổng nhà máy nước, còn lại các thửa đất được giao từ năm 1992 - 1996 nằm rải rác tại khu vực ngõ 460 đường Khương Đình.

Ngay tại thời điểm năm 1993, các hộ đã tự ý mua bán và chia tách trao tay, có một số ít trường hợp có xác nhận của UBND xã Khương Đình. Khu vực trên có khoảng 169 thửa đất đã xây dựng công trình, nhiều hộ đã sinh sống từ năm 1993 đến nay.

Bên cạnh đó, Khu tập thể Cục Quân khí (Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng) gồm 30 thửa đất (có 4 thửa cắt xén) có nguồn gốc đất. Quá trình sử dụng đất do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc phòng là đơn vị quản lý và đến năm 2006 đã bàn giao hồ sơ quản lý đất đai cho UBND phường quản lý (tổng số đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2005 là 41 trường hợp).

Còn lại, khu đất nông nghiệp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang phi nông nghiệp gồm khoảng 322 thửa có nguồn gốc nông nghiệp được HTX nông nghiệp Khương Đình giao cho xã viên để sản xuất nông nghiệp.

Sau đó, các hộ tự chuyển nhượng, chia tách, tự chuyển đổi sang làm nhà ở từ nhiều năm trước (trước ngày 1/7/2014). Theo thống kê, khu vực này có khoảng 250 thửa đất đã xây dựng công trình trên đất.

Phương án nào xử lý dự án “treo”?

Vợ chồng chị Phùng Thị Nhi phải sống trong căn nhà tạm bợ nhiều năm vì vướng dự án 'treo'.

Vợ chồng chị Phùng Thị Nhi phải sống trong căn nhà tạm bợ nhiều năm vì vướng dự án 'treo'.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân cho biết, năm 2001, đơn vị này được UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ triển khai Dự án. Quá trình thực hiện bị vướng mắc do khiếu kiện của nhân dân phường Hạ Đình liên quan đến việc cấp đất giãn dân.

Sau đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã đề xuất một số giải pháp tháo gỡ, trong đó có nội dung điều chỉnh cục bộ chi tiết 1/2.000. Đề xuất này được UBND TP Hà Nội chấp thuận.

Mặc dù vậy, khi triển khai lập quy hoạch chi tiết, lấy ý kiến, đơn vị tư vấn đưa ra phương án bố trí một phần diện tích trong công viên để xây dựng nhà ở cao tầng tái định cư tại chỗ cho toàn bộ các hộ dân. Phương án này có đến 74,14% phiếu không đồng thuận.

Ngày 20/8/2013, UBND TP Hà Nội một lần nữa giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với UBND quận Thanh Xuân lập quy hoạch điều chỉnh trình UBND thành phố xem xét phê duyệt. Đã có nhiều phương án được đưa ra để tháo gỡ “nút thắt”, nhưng không tìm được tiếng nói chung của người dân.

Năm 2018, UBND TP Hà Nội lại giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội chủ trì, tổ chức nghiên cứu định hướng quy hoạch chi tiết khu vực công viên cây xanh hồ điều hòa Hạ Đình. Cuối năm 2022, 4 phương án đã được đơn vị này đưa ra.

Trong đó, phương án 3 là giữ lại khu đất của Khu tập thể Cục Quân khí, khu dân cư hiện có tồn tại từ những năm 1980 - 1985 nằm phía trong nhà máy nước và khu giãn dân X4 ven hồ Hạ Đình. Tái định cư toàn bộ số dân cư của các thửa đất còn lại vào quỹ đất hỗn hợp.

Phương án 4 là giữ lại khu đất của Khu tập thể Cục Quân khí đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khu dân cư hiện có tồn tại từ những năm 1980 - 1985 nằm phía cổng nhà máy nước và khu giãn dân X4 ven hồ Hạ Đình.

Trên cơ sở đánh giá đầy đủ về tình trạng pháp lý của khu dân cư hình thành từ năm 1992 - 1996 do UBND xã Khương Đình tự cấp đất giãn dân.

Ngày 22/2, UBND quận Thanh Xuân đã có công văn gửi Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và cho biết, đơn vị này đã tổ chức cuộc họp về việc lấy ý kiến đối với 4 phương án trên và thống nhất chọn phương án 3 và phương án 4.

Tuy nhiên, phương án 4 phụ thuộc vào việc điều chỉnh quy hoạch đối với khu vực Nhà máy nước Hạ Đình…

Các hộ dân nằm trong quy hoạch Dự án đang rất kỳ vọng cơ quan chức năng sẽ cùng nhau tìm ra giải pháp để tháo gỡ “xiềng xích” mà dự án “treo” đang “đeo” trên cổ họ hàng chục năm qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.