Các địa phương đồng loạt xử lý nghiêm dự án treo, chậm tiến độ

GD&TĐ - Dự án chậm tiến độ có xu hướng tăng, gây lãng phí nguồn lực đất đai. Hiện nhiều địa phương đã có động thái nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Các địa phương đồng loạt xử lý nghiêm dự án treo, chậm tiến độ

Dự án treo, chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài đang là thực trạng nhức nhối tại nhiều địa phương trên cả nước trong thời gian vừa qua.

Theo số liệu báo cáo gần nhất của 48 tỉnh, thành phố cho thấy có đến 3.088 dự án, công trình chậm triển khai thực hiện, với tổng diện tích 80.453,2 ha, trong đó có 2.067 dự án đã có quyết định giao, cho thuê đất nhưng không sử dụng đất quá 12 tháng hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng, tổng diện tích 60.332,1 ha.

Thực tế này đã phát sinh những hệ lụy xấu về công tác thu hút đầu tư, trở thành rào cản, điểm nghẽn cho phát triển kinh tế của các địa phương.

Trước thực trạng đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có văn bản yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ thực hiện rà soát quy hoạch, rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng “dự án treo”.

Hiện nhiều địa phương đã có hàng loạt động thái mạnh tay, nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Nhiều địa phương đã có hàng loạt động thái mạnh tay, nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng dự án treo, chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài.

Nhiều địa phương đã có hàng loạt động thái mạnh tay, nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng dự án treo, chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài.

UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 334 về khắc phục các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm liên quan đến việc diện tích nhà ở bình quân năm 2021 chưa đạt được chỉ tiêu; nhiều dự án phát triển nhà ở, khu đô thị chậm tiến độ giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố.

Đáng chú ý, đối với các chủ đầu tư cố tình chây ỳ, năng lực kém, TP Hà Nội kiên quyết thu hồi để thực hiện đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư khác theo quy định, đồng thời công khai thông tin vi phạm, đưa vào tiêu chí đánh giá và không cho tham gia thực hiện các dự án tương tự trên địa bàn thành phố.

Trước thực trạng nhiều dự án được giao đất nhưng chậm triển khai, bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành các Quyết định, văn bản chỉ đạo thu hồi đất, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với một số dự án triển khai chậm tiến độ, sử dụng đất kém hiệu quả.

Ngoài ra, UBND tỉnh Ninh Bình cũng đã có văn bản đề nghị chấm dứt 2 dự án “Đầu tư xây dựng trại thực nghiệm và nuôi giữ giống gốc gia cầm” và “Đầu tư xây dựng trại nhân giống thỏ thịt Ninh Bình” và thu hồi hơn 56 ha đất đã giao tại huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình). Bên cạnh đó, UBND tỉnh Ninh Bình cũng đã ban hành Quyết định số 61/QĐ-UBND về việc hủy bỏ 211 dự án do không hoàn thành thủ tục về đất đai.

Tại Khánh Hòa, trong phiên chất vấn kỳ họp HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII ngày 9/12, đại biểu Đoàn Minh Long - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa - đã chất vấn Giám đốc Sở KH&ĐT Khánh Hòa Trần Hòa Nam về số dự án chậm tiến độ, hoặc không thực hiện trên địa bàn, đặc biệt là tại TP Nha Trang.

Trả lời chất vấn, ông Trần Hòa Nam cho biết: Năm 2022, Sở này đã tiến hành rà soát các dự án vốn đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh triển khai chậm tiến độ, hoặc không triển khai từ 2 - 10 năm là 111 dự án.

“Đối với nhóm dự án chậm tiến độ, kiến nghị thu hồi (12 dự án - PV), Sở KH&ĐT đã yêu cầu nhà đầu tư báo cáo tình hình thực hiện. Đồng thời, Sở đã tiến hành kiểm tra và ban hành quyết định xử phạt vi phạm 8 dự án do chậm tiến độ. Sở cũng đã báo cáo UBND tỉnh xem xét, đồng ý chủ trương chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của dự án 3 dự án theo Luật Đầu tư 2020 và 4 dự án sẽ thu hồi giấy chứng nhận đầu tư sau khi có quyết định thu hồi đất”, ông Nam thông tin.

Tại Quảng Ninh, Chủ tịch UBND TP Hạ Long Nguyễn Tiến Dũng cũng đã ký Quyết định số 3388/QĐ-UBND ngày 31/8/2022 về việc hủy bỏ 27 đồ án quy hoạch chi tiết tại phường Tuần Châu, trong đó có 20 đồ án tại Khu du lịch và giải trí Quốc tế Tuần Châu.

Theo đó, lý do hủy bỏ là do 27 đồ án quy hoạch chi tiết được phê duyệt từ tháng 6/2020 nhưng đến nay chưa thực hiện lựa chọn nhà đầu tư, chưa triển khai thực hiện. Vì thế, UBND TP Hạ Long đã xem xét, rà soát, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn theo quy định tại Điều 46, Luật Quy hoạch Đô thị năm 2009 và triển khai phù hợp, thống nhất giữa các quy định của Luật Quy hoạch Đô thị, Luật Tài nguyên, môi trường và hải đảo, Luật Di sản văn hóa.

Tỉnh Quảng Bình cũng đang rà soát, đánh giá năng lực của các nhà đầu tư trên địa bàn, đối chiếu các quy định để xử lý thu hồi một số dự án chậm tiến độ dù đã được cho thuê đất trong nhiều năm. Hiện tỉnh Quảng Bình có 173 dự án chậm tiến độ, chiếm tỉ lệ 22,7% tổng số dự án trên địa bàn. Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị cơ quan chức năng tỉnh đánh giá năng lực của các nhà đầu tư, căn cứ quy định pháp luật để xử lý thu hồi dự án.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.