Nhà trường và phụ huynh cần trang bị cho trẻ kiến thức về những tác hại của các nội dung tiêu cực trên TikTok. Việc đó giúp trẻ hiểu rõ hơn về những nguy hiểm mà bản thân có thể gặp phải khi sử dụng nền tảng này.
“Lỗ hổng”
Nhiều quốc gia trên thế giới đã cấm TikTok vì lo ngại về rủi ro an ninh mạng. TikTok cũng đang đối mặt với nhiều cuộc điều tra trên khắp thế giới.
Đến nay, 13 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức đã cấm TikTok trên thiết bị của nhân viên, gồm: Đan Mạch, Bỉ, Ấn Độ, Đài Loan, Mỹ, Australia, Canada, New Zealand, Na Uy, Hà Lan, Anh, Pháp và Ủy ban châu Âu (EC).
3 quốc gia ban lệnh cấm hoàn toàn gồm Jordan, Ấn Độ và Afghanistan.
TikTok là một nền tảng mạng xã hội chia sẻ video, ứng dụng cho phép người dùng sáng tạo các đoạn video ngắn có nội dung như nhảy, hát nhép lại video gốc, clip nhảy, ẩm thực, vui chơi, chia sẻ cách chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, dạy kỹ năng... Mọi người có thể đăng video, sử dụng một loạt bản nhạc phim và bộ lọc có thể biến đổi khuôn mặt, hoặc tạo hiệu ứng hình ảnh hấp dẫn khác để video thêm cuốn hút.
Không ứng dụng nào có tổng lượt tải xuống nhiều hơn TikTok kể từ đầu năm đến nay. Theo đó, nền tảng mạng xã hội này đã được tải xuống hơn 176 triệu lần trong quý I/2022, khiến TikTok trở thành ứng dụng thứ 5 đạt tổng số hơn 3,5 tỷ lượt tải xuống, theo một báo cáo do công ty phân tích Sensor Tower công bố vào ngày 14/4.
Không giống chức năng giới hạn độ tuổi của YouTube, TikTok không yêu cầu người dùng đăng nhập để xem các nội dung trên đó. Thuật toán của TikTok khiến trẻ em dưới 18 tuổi vẫn có thể tiếp cận những video độc hại.
Việc xem các video ngắn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và sức khỏe trẻ. Nói cách khác, bất kỳ ai có liên kết đến video đều có thể truy cập được. TikTok cũng không có cơ chế gắn nhãn nội dung theo độ tuổi. Điều này khiến trẻ vô tình tiếp cận với nội dung người lớn.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hồng Điệp. |
Một nghiên cứu trong năm 2022 của Qustodio cho thấy trẻ vị thành niên tại Mỹ dành trung bình 107 phút mỗi ngày để xem TikTok. Số liệu này được đưa ra thông qua một khảo sát với hơn 400.000 phụ huynh tại Mỹ.
So với năm 2020 và 2021, con số này tăng đáng kể và TikTok đã vượt mặt YouTube để trở thành ứng dụng “thống trị” người dùng nhỏ tuổi.
Năm 2020, trẻ vị thành niên dành 82 phút mỗi ngày trên TikTok và 75 phút để xem YouTube. Đến năm 2021, trung bình trẻ xem TikTok 91 phút mỗi ngày và chỉ dành 56 phút cho YouTube.
Trong khi số đông người lớn nhận thức rõ ràng về việc chọn lọc nội dung khi xem, thì trẻ em lại chưa biết điều đó. Do đó, đã xảy ra những trường hợp như trẻ “lướt” trúng thông tin độc hại, nguy hiểm. Thậm chí, không ít trẻ cố bắt chước, học theo hay tham gia dựa vào những lời mời gọi từ các video có nội dung xấu trên TikTok.
Chia sẻ về vấn đề này, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hồng Điệp - giảng viên Trường Đại học Văn Lang (TPHCM) cho rằng, không thể phủ nhận TikTok đã trở thành một trong những nền tảng mạng xã hội phổ biến và thu hút đông đảo người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ và thậm chí là trẻ em.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề đáng lo ngại là một số nội dung trên TikTok chưa được kiểm duyệt chặt chẽ. Điều đó có thể gây ra nhiều tác hại cho trẻ em. Đặc biệt, khi bắt chước theo những hành động tiêu cực trong các video, trẻ có thể rơi vào những tình huống nguy hiểm như chấn thương, tai nạn và thậm chí ảnh hưởng đến tinh thần.
“Vì vậy, để bảo vệ trẻ em tránh khỏi những tác hại nêu trên, cần có các biện pháp kiểm duyệt nội dung chặt chẽ hơn trên TikTok. Đồng thời, cần giáo dục và trang bị hiểu biết cho trẻ em về tác hại của việc bắt chước những hành động nguy hiểm, tiêu cực trên TikTok. Đặc biệt, cần định hướng cách dùng ứng dụng này một cách an toàn”, chuyên gia cho biết.
Theo Thạc sĩ Hồng Điệp, để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của nội dung trên TikTok đến trẻ em, cha mẹ và giáo viên nên quan tâm, trò chuyện. Từ đó, nắm được các hoạt động của trẻ trên TikTok, nội dung mà các em xem. Đồng thời, đảm bảo tính an toàn của thông tin đối với trẻ.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần thống nhất và thiết lập thời gian con sử dụng TikTok. Như vậy, trẻ sẽ không bị mất kiểm soát và dành quá nhiều thời gian cho việc sử dụng ứng dụng này.
Nội dung tiêu cực trên TikTok có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ, thái độ của trẻ. Ảnh minh họa. |
Tận dụng mặt tích cực
Nhà trường và phụ huynh cũng cần trang bị cho trẻ kiến thức về những tác hại của các nội dung tiêu cực trên TikTok. Việc đó giúp trẻ hiểu rõ hơn về những nguy hiểm mà bản thân có thể gặp phải khi sử dụng nền tảng này. Trẻ có thể chủ động hơn trong việc tránh tiếp cận những nội dung tiêu cực và tìm kiếm những nội dung tích cực hơn. Đồng thời, nhà trường và cha mẹ có thể định hướng những nội dung bổ ích trên TikTok và khuyến khích trẻ xem. Qua đó, hỗ trợ cho việc học và sự phát triển của trẻ.
“Để tránh những hậu quả đáng tiếc, phụ huynh có thể chú ý đến những dấu hiệu về hành vi và tâm lý. Từ đó, nhận biết trẻ em có bị ảnh hưởng tiêu cực do sử dụng TikTok không và nhanh chóng tìm cách giải quyết vấn đề”, Thạc sĩ Hồng Điệp chia sẻ.
Cụ thể, về hành vi, trẻ thường dành nhiều thời gian cho TikTok, thích một mình, ít tương tác. Trẻ cũng giảm thời gian cho các hoạt động khác như học tập, vui chơi và giao tiếp xã hội. Trẻ thay đổi cách nói chuyện, bắt chước những từ ngữ, hành vi không phù hợp ở các video TikTok. Trẻ cũng có thể dễ kích động, khó chịu khi không được sử dụng TikTok hoặc bị giới hạn sử dụng TikTok.
“Về dấu hiệu về tâm lý, trẻ có thể trở nên nóng tính, dễ cáu gắt, cảm thấy căng thẳng hoặc thường xuyên mệt mỏi. Những nội dung tiêu cực trên TikTok ảnh hưởng đến suy nghĩ, thái độ, cách tiếp cận hoặc xử lý vấn đề của trẻ. Đặc biệt, trẻ cảm thấy bất an khi không có điện thoại hoặc không có kết nối mạng để sử dụng nền tảng xã hội, bao gồm TikTok”, chuyên gia nêu.
Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Hồng Điệp, các dấu hiệu này có thể phụ thuộc vào từng trẻ và tình huống cụ thể. Do đó, phụ huynh cần quan sát và tương tác với trẻ để nhận ra các dấu hiệu. Đồng thời, hỗ trợ trẻ trong việc sử dụng mạng xã hội, bao gồm TikTok, một cách lành mạnh và an toàn.
“Bên cạnh những tác hại nêu trên, không thể phủ nhận những tiện ích và giá trị mà TikTok mang lại cho cuộc sống hiện đại của chúng ta, trong đó có trẻ em. Nếu trẻ em được hướng dẫn sử dụng và định hướng tiếp cận với những nội dung tích cực, thì TikTok có thể hỗ trợ cho việc học tập, vui chơi và giúp các em phát triển bản thân”, nữ giảng viên nhận định.
Theo Thạc sĩ Hồng Điệp, TikTok cung cấp nhiều công cụ sáng tạo để trẻ em tạo ra những video độc đáo và thu hút người xem. Trẻ tự do thể hiện bản thân và phát triển kỹ năng sáng tạo thông qua việc tạo ra những video. Điều này giúp trẻ khám phá bản thân, tìm ra những điểm mạnh của mình và tự tin hơn. Song song đó, trẻ có thể kết nối và giao lưu với người dùng có cùng sở thích trên TikTok. Đó là một cách để trẻ trau dồi kỹ năng giao tiếp và phát triển mối quan hệ xã hội.
Theo Thạc sĩ Hồng Điệp, thay vì để trẻ “làm bạn” với thiết bị điện tử và mạng xã hội, cha mẹ cần khuyến khích con tham gia hoạt động thực tiễn. Nhờ vậy, giúp trẻ có một thể lực tốt và tinh thần khỏe mạnh. Phụ huynh có thể khuyến khích con tham gia các câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa, thể dục thể thao, chương trình tham quan, giao lưu do nhà trường tổ chức. Nhờ đó, giúp trẻ có các mối quan hệ xã hội, học hỏi kinh nghiệm và trau dồi kỹ năng.
Cha mẹ cũng nên hỗ trợ, động viên con tham gia các hoạt động thể thao phù hợp với sở thích và khả năng. Chủ động tìm hiểu các hoạt động thể thao phổ biến, lợi ích của môn thể thao đó đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Cha mẹ có thể trao đổi với con và đăng ký cho trẻ tham gia sau khi đã thống nhất, và có thể tạo một môi trường thể thao tại nhà và cùng tham gia với trẻ. Điều này giúp gia đình gắn kết cũng như tạo hứng thú và động lực để trẻ tham gia hoạt động.
“Một điều lưu ý là, gia đình luôn có thể phối hợp cùng giáo viên của các em để khuyến khích, hướng dẫn và hỗ trợ trẻ tìm kiếm những hoạt động phù hợp với sở thích và năng lực của mình”, Thạc sĩ Hồng Điệp nhấn mạnh.
“Ngoài việc giải trí, TikTok cũng cung cấp nhiều video giáo dục, hướng dẫn và chia sẻ kiến thức mới. Trẻ em có thể tìm hiểu những điều mới từ các video này và trang bị thêm kiến thức. Tuy nhiên, để đảm bảo trẻ sử dụng TikTok một cách an toàn, tích cực, phụ huynh và giáo viên cần hướng dẫn cũng như đồng hành khi các em sử dụng ứng dụng này”, ThS Hồng Điệp khuyến cáo.