Cảnh báo tình trạng trẻ nghiện TikTok cần được điều trị

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều người bị nghiện TikTok, đặc biệt là giới trẻ, thậm chí là các em nhỏ với những dấu hiệu ngày càng nghiêm trọng.

Thuật toán tinh vi của TikTok khiến trẻ có thể tiếp cận nội dung độc hại trong vài phút. Ảnh: INT.
Thuật toán tinh vi của TikTok khiến trẻ có thể tiếp cận nội dung độc hại trong vài phút. Ảnh: INT.

Ảnh hưởng đến học tập

Một số bậc phụ huynh cho biết, con trẻ ban đầu là thích thú, chỉ xem TikTok như trò giải trí và nhờ bố mẹ quay lại các video bắt chước theo “thần tượng” trên mạng.

Nhưng sau một thời gian, xuất hiện tình trạng nhiều em thờ ơ việc học, thời gian rảnh chỉ dành cho TikTok. Thậm chí, các em tự quay video để đăng tải mà không cần người lớn trợ giúp.

Khi được nhắc nhở, các em tự giam mình trong phòng. Đây là một trong nhiều trường hợp trẻ em, học sinh “nghiện” TikTok.

“Con gái tôi thường xuyên mặc váy ngắn, tô son đậm và nhảy múa theo nền nhạc trên TikTok với những bài hát theo trend. Càng ngày, cháu càng đam mê hơn và tự quay video lại rồi đăng tải. Sau đó, con thường xuyên chia sẻ, trao đổi, trả lời các bình luận với thời gian quá lớn. Điều này khiến gia đình tôi lo sợ bởi nó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học”, chị Mai Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

Theo TS.BS Nguyễn Thu Phương (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), nghiện TikTok nói riêng và nghiện mạng xã hội nói chung khiến con người bị cuốn vào “thế giới ảo” dẫn đến việc hạn chế những kỹ năng khác.

“Khi xem TikTok, đôi khi bạn nhìn thấy một bức ảnh, đoạn clip hoặc thứ gì đó thú vị và nó thu hút sự chú ý của bạn. Và cứ thế, bạn muốn tiếp tục xem mãi rồi bắt chước theo, ảnh hưởng đến đời sống thực là tất yếu”, BS Phương nói.

Rất nhiều trẻ mắc chứng nghiện TikTok cần được điều trị. Khi được thăm khám, các em có biểu hiện như: Cười, nói, nhếch mép trong vô thức; rối loạn vận động, rối loạn tâm thần, học hành sa sút, không tập trung, có nhiều hành động khó hiểu và bất chợt,…

Cô Nguyễn Thị Liên, Trường Mầm non Hoa Sen (Hà Nội) cho biết, nhiều trẻ đến lớp thường bắt chước những gì xem được từ TikTok, trong đó có nội dung không phù hợp với lứa tuổi. Có em thường xuyên diễn tả hành động, nhảy múa theo, thậm chí còn thử nghiệm làm theo. Điều này rất nguy hiểm khi TikTok không kiểm duyệt nội dung đăng tải.

Trào lưu thanh thiếu niên thách thức nhau uống Benadryl, một loại thuốc chống dị ứng, để kích hoạt ảo giác. Ảnh: INT.

Trào lưu thanh thiếu niên thách thức nhau uống Benadryl, một loại thuốc chống dị ứng, để kích hoạt ảo giác. Ảnh: INT.

Những hệ lụy khôn lường

“Mọi người giúp tôi với. Con trai 11 tuổi của tôi xem một clip về Geoff the Killer trên TikTok và bị chấn thương tâm lý nghiêm trọng. Con gặp ác mộng, hay tỉnh giấc giữa đêm và hét lớn. Trong một thời gian dài, tình trạng của con nghiêm trọng đến mức con nghĩ mình nghe được tiếng nói, tiếng bước chân và cảm thấy bị ma ám. Một lần, con thức dậy vào giữa đêm và nói rằng con thấy một khuôn mặt ngay bên cạnh và khuôn mặt đó đang nhìn chằm chằm vào con.

Tôi đã tìm mọi cách để giải thích cho con sự việc đó không có thật, đồng thời xóa ứng dụng TikTok trong điện thoại của con. Tôi cũng tìm nhiều phương pháp để giúp con ngủ ngon hơn, ngủ cùng con để con đỡ sợ. Dù vậy, con vẫn sợ hãi mỗi lúc giật mình tỉnh giấc lúc nửa đêm và rất khó để ngủ lại” - đây là lời kêu cứu của một người mẹ tại Anh trên Netmums - diễn đàn dành cho các bậc phụ huynh với khoảng 1,9 triệu thành viên.

Theo các chuyên gia tâm lý, các nội dung trên TikTok có khả năng tác động mạnh mẽ vào tâm lý của người xem, đặc biệt là giới trẻ. Khi hình ảnh và lời nói được lặp đi lặp lại trong đầu, người xem sẽ có xu hướng chấp nhận điều đó, dù điều đó không đúng với chuẩn mực. Người trẻ thiếu năng lực thông tin, cũng như kiến thức về mặt bảo vệ sức khỏe rất dễ bắt chước theo.

“Không thể phủ nhận những mặt tích cực mà mạng xã hội TikTok mang đến như giúp cuộc sống hiện đại, thông minh và nội dung mà người dùng tìm kiếm cô đọng hơn. Tuy nhiên, nếu lạm dụng TikTok, người dùng sẽ bị phụ thuộc mà mất đi lý trí, trở thành con nghiện của mạng xã hội này”, cô Nguyễn Thị Liên cho biết.

Cô Liên chia sẻ thêm, dẫu biết tác hại lớn mà TikTok gây ảnh hướng đến giới trẻ, nhưng các bậc phụ huynh vẫn chưa có biện pháp hạn chế hiệu quả. Đa số cha mẹ thường hành xử theo bản năng khi tịch thu điện thoại, mắng chửi con, thậm chí dùng vũ lực. Tuy nhiên, những hành động đó càng khiến trẻ trở nên hung hăng, bất cần, thậm chí “bật” lại chính cha mẹ khi áp dụng những biện pháp cứng rắn đó.

“Khi đã nghiện mạng xã hội như TikTok, việc tách những cá nhân ấy không sử dụng nữa sẽ dẫn đến sự ấm ức cao độ, trẻ sẽ có những hành vi hung hăng với những người xung quanh. Đấy là hệ quả của việc quá nghiện TikTok dẫn đến hành vi tấn công người khác”, cô Liên cho hay.

Các bậc phụ huynh cần có kế hoạch từng bước giảm dần thời gian dùng mạng xã hội, TikTok của con xuống. Mỗi lứa tuổi sẽ có thời gian tiếp xúc tối đa với các thiết bị công nghệ trong một ngày, đơn cử như trẻ dưới 2 tuổi, thời gian đó là dưới 2 giờ/ngày để đảm bảo an toàn.

Các bậc cha mẹ phải dành nhiều thời gian cho con mình và phải cân bằng được cuộc sống thật và mạng xã hội giúp con không bị nghiện và có kỹ năng sống thực tế hơn là tham gia thế giới ảo.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần kiên quyết, không được nuông chiều trẻ hay bỏ mặc trẻ với chiếc điện thoại mà xa dần cuộc sống thực. Nếu trẻ có biểu hiện “nghiện” thì cần đưa đến gặp các chuyên gia để điều chỉnh kịp thời.

TikTok chính thức ra mắt thị trường Việt Nam vào cuối tháng 4/2019, bắt đầu phát triển mạnh trong dịch Covid-19. Theo số liệu thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường DataReportal, Việt Nam xếp thứ 6 trong tốp 10 quốc gia có lượng người dùng TikTok lớn nhất thế giới, với khoảng 49,9 triệu người dùng khi kết thúc tháng 2/2023.

Khác với các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay YouTube phân phối nội dung tự động hoặc gợi ý thụ động, TikTok hoàn toàn do thuật toán phân phối nội dung. Thuật toán này, theo tìm hiểu là ưu tiên đưa nội dung “câu view, giật tít”, bất kể là thông tin tốt hay độc hại để tạo thành “trend”.

Trong nhiều trường hợp các “trend” độc hại từ nước ngoài hay ở trong nước cũng được thuật toán này gợi ý tạo thành “trend”, gây tác động ảnh hưởng lớn đến giới trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ