Vì sao TikTok bị cấm tại nhiều quốc gia?

GD&TĐ - TikTok có rất nhiều nội dung độc hại ảnh hưởng sâu sắc đến trẻ em. Đây cũng là một trong những lí do mạng xã hội này bị cấm tại nhiều quốc gia.

Bố mẹ cần dành nhiều thời gian hướng dẫn, cùng con vui chơi. Ảnh minh họa: INT
Bố mẹ cần dành nhiều thời gian hướng dẫn, cùng con vui chơi. Ảnh minh họa: INT

Nguy hiểm rình rập

Chuyên gia Lê Hải Anh, Công ty Thiết bị máy tính Hà Nội cho biết, TikTok không yêu cầu người dùng đăng nhập để xem các nội dung trên đó. Nói cách khác, bất kỳ ai có liên kết đến video đều có thể truy cập được.

TikTok cũng không có cơ chế gắn nhãn nội dung theo độ tuổi, điều này cực kì có hại cho trẻ em. Do đó, họ không chặn quyền truy cập và khiến trẻ em dễ dàng tiếp cận với nội dung người lớn.

Vì TikTok không kiểm duyệt lời bài hát và ai cũng có thể đăng video lên đó, trẻ hoàn toàn có khả năng sẽ bắt gặp những lời nói tục tĩu không phù hợp với lứa tuổi của mình.

Việc sử dụng TikTok thường xuyên có thể khiến trẻ bị lừa đảo và bị theo dõi bởi những kẻ xấu. Những kẻ tấn công tình dục đó có thể giả làm bạn bè, sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau để lấy lòng tin của trẻ em. Sau đó lôi kéo các em vào các cuộc trò chuyện tình dục hoặc thậm chí yêu cầu trẻ gửi những bức ảnh khiêu dâm.

Hơn thế nữa, những đối tượng xấu cũng có thể gửi các liên kết chứa nội dung khiêu dâm hoặc phần mềm virus xâm nhập vào thiết bị của trẻ. Trên TikTok, số lượng bình luận mang tính thù hận, ác ý, gây tổn thương cho người khác nhiều vô kể.

Cha mẹ cần đặc biệt lưu tâm vì bắt nạt trên mạng sẽ để lại những tác động sâu sắc tới sức khỏe tinh thần của nạn nhân. Trầm cảm, lo lắng, tức giận, tự cô lập, và tệ hơn là tự cướp đi mạng sống của mình. Đây chính là tác hại của mạng xã hội đối với học sinh!

Tác hại của mạng xã hội TikTok còn nằm ở những thử thách nguy hiểm được chia sẻ tràn lan. Tuy nhiên, TikTok không chỉ thu thập thông tin bằng cách theo dõi các loại nội dung trẻ thích và chia sẻ trên ứng dụng.

Ví dụ, hiện nay có nhiều người trẻ thường xuyên xem những video với nội dung “Tôi ăn gì trong một ngày”. Đó là hình ảnh các cô gái có thân hình mảnh mai và những bình luận ủng hộ thói quen ăn uống đó. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ về cơ thể của mình.

Khi con xem nội dung này thường xuyên, TikTok sẽ đề xuất nội dung tương tự. Ví dụ như video về thực phẩm ít calo, cách giảm cân trong 1 tuần nhưng không cần tập thể dục và thậm chí là video về rối loạn ăn uống. Từ đó, nguy cơ trẻ sẽ so sánh cơ thể của mình với người khác ngày càng tăng, khiến con tự ti hoặc ép mình vào một chế độ ăn kiêng cực đoan, không lành mạnh và chưa được kiểm chứng.

Trào lưu “bóc phốt” trên TikTok được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá vi phạm nhiều điều luật về quyền cá nhân. Ảnh: INT.

Trào lưu “bóc phốt” trên TikTok được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá vi phạm nhiều điều luật về quyền cá nhân. Ảnh: INT.

Vai trò của gia đình, nhà trường

Cô Lê Ngọc Mai, Trường THPT Bảo Thắng (Lào Cai) cho rằng, nhà trường và gia đình có vai trò quan trọng trong việc “cai nghiện” TikTok cho trẻ. Theo đó, nhà trường nên tạo những sân chơi tích cực, giải trí trong suốt những kỳ học căng thẳng. Tổ chức các chương trình ngoại khóa chia sẻ kỹ năng mềm, các anh chị truyền cảm hứng đến người trẻ để tạo động lực phát triển cho học sinh.

Gia đình cần dành thời gian quan tâm đến các bạn nhỏ, không ngăn cản việc các bạn giải trí trên mạng xã hội nhưng cần điều chỉnh thời gian hợp lí. Bố mẹ tạo động lực bằng các món quà tinh thần, vật chất đơn giản để khích lệ tinh thần học tập của các con.

Thầy cô cùng gia đình phối hợp chia sẻ, lắng nghe về tâm tư của các bạn nhỏ, cùng cố gắng tạo không gian học tập, vui chơi lành mạnh để các bạn dần kiểm soát được thói quen dùng TikTok, từ đó dễ dàng cai nghiện TikTok thành công.

Hơn nữa, cha mẹ cũng cần chỉ ra những vấn đề sai lệch của kênh báo lá cải, truyền thông bẩn để các bạn trẻ có kỹ năng phòng tránh,… Ngoài ra, chính các bạn trẻ cũng cần tỉnh táo khi sử dụng TikTok. Nên giảm thời gian sử dụng điện thoại hay thiết bị điện tử. Thay vì mỗi ngày dành từ 3 – 4 giờ sử dụng TikTok, có thể giảm thành 2 giờ và giảm dần theo thời gian.

Thời gian rảnh trong ngày thay vì sử dụng mạng xã hội để tìm niềm vui, có thể lựa chọn thực hiện các công việc khác như đi dạo phố cùng bạn bè, chạy bộ trong công viên, dành thời gian nấu ăn, học công thức món ăn mới, đọc sách, nghe nhạc.

Bên cạnh đó, có thể dành nhiều thời gian để học tập và rèn luyện thể chất như đăng ký tham gia các chương trình ngoại khóa tại trường học, cơ quan; thường xuyên tập thể thao nâng cao sức khoẻ; dành thời gian để đi du lịch và khám phá nhiều nền văn hóa khác nhau.

“Các em cũng cần dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, người thân, bạn bè. Thay vì dành đến 3 giờ để sử dụng mạng xã hội, bạn có thể cắt giảm thời gian đó để gọi hỏi thăm ông bà, bố mẹ, anh chị,… Tâm sự và trao đổi những tin tức, câu chuyện bản thân đến với người thân. Dành thời gian về thăm gia đình, nấu ăn ngon cùng bố mẹ. Tạo những cuộc hẹn vào khung giờ cuối tuần với người thân”, cô Mai nói.

Cô Mai cho rằng, người trẻ nắm bắt và chọn lọc thông tin còn lệch lạc. Do đó, người lớn cần chia sẻ, trao đổi để các bạn trẻ tiếp nhận những thông tin đúng. Hướng dẫn con đọc sách, tìm hiểu thông tin ở các kênh chính thống và uy tín. Đồng thời, thường xuyên chia sẻ các quan điểm sống tích cực, trao đổi những vấn đề xã hội, khoa học và mang tính thời đại để cùng lắng nghe nhau và nhận về những tin tức giá trị.

Được biết, tháng 5 tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham gia của các bộ, ngành có liên quan như: Công Thương, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Công an, Tổng cục Thuế... kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam.

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp Bộ Công Thương quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử của TikTok Shop tại Việt Nam. Nguyên tắc nhất quán của Bộ Thông tin và Truyền thông: Tất cả các nền tảng xuyên biên giới vào Việt Nam phải tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam. Nếu không tuân thủ sẽ không được tạo điều kiện hoạt động ở Việt Nam.

Bên cạnh những nội dung chia sẻ kiến thức, cuộc sống, góc nhìn bổ ích thì phần lớn nội dung trên TikTok được cho là độc hại với người dùng, đặc biệt là giới trẻ. Tác động lớn nhất là những hành vi gây nguy hiểm như: Nhảy trước xe tải, thử thách độc hại, những “trend” liên quan đến trẻ em, bùa ngải mê tín… Tiếp đến là tin giả liên quan đến đời sống xã hội cũng phát tán trên môi trường này rất nhiều. Trước đây, tin giả chủ yếu trên Facebook và YouTube, còn bây giờ nền tảng này lan truyền tin giả, nhắm đến đối tượng là giới trẻ. Bên cạnh đó, thương mại điện tử của TikTok gần đây phát triển rất mạnh, kéo theo những hoạt động lừa đảo, kinh doanh buôn bán lừa đảo, quảng cáo sai sự thật cũng bùng nổ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.