Các trường NCL phải vươn lên khẳng định mình trước xã hội

Các trường NCL phải vươn lên khẳng định mình trước xã hội

“Tôi nghĩ không có gì khác hơn là các trường ngoài công lập (NCL) phải vươn lên khẳng định mình trước xã hội; còn nếu cung cấp cho xã hội những sản phẩm yếu kém, việc không thể cạnh tranh với các trường công lập là tất yếu” – Nhận định của ông Lê Như Tiến - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.

xzxzx
Ông Lê Như Tiến - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: NN

Theo ông Lê Như Tiến, sự ra đời của các trường NCL là nhu cầu tất yếu, khách quan, nhu cầu nội sinh từ chủ trương cho đến thực tiễn. Để bảo vệ cho các trường ĐH, CĐ NCL có hẳn một Hiệp hội do nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Hồng Quân làm Chủ tịch. Đó là điều đáng mừng vì xã hội ta là xã hội học tập. Nhưng bên cạnh đó, cái đáng lo nhất đối với hệ thống các trường này chính là vấn đề quản lý về chất lượng.

Lý giải điều này, ông Tiến cho rằng, thứ nhất là do nguồn nhân lực trong đó có cán bộ và giảng viên tại các trường NCL không đủ, tỷ lệ giảng viên cơ hữu chiếm rất thấp, chủ yếu là giảng viên thỉnh giảng. Nhà quản lý của trường NCL nhiều người ít có kinh nghiệm thực tiễn, nhất là những người trong Hội đồng Quản trị. Hiệu trưởng các trường NCL có kinh nghiệm nhưng thực chất làm việc dưới sự chỉ đạo của Hội đồng Quản trị.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất các trường NCL không được Nhà nước đầu tư, phần lớn mới hình thành. Có những trường ở Hà Nội, TPHCM diện tích rất nhỏ, chưa đến 1 ha nhưng có đến vạn sinh viên, không đảm bảo diện tích số mét vuông trên sinh viên quy định của Bộ GD&ĐT.

Nhiều trường dùng giảng đường “đa năng”, vừa để giảng lý thuyết, vừa học thực hành, học đủ các ngành, các bộ môn có khi chỉ có một hội trường. Các phòng học không được chuẩn hóa; điều kiện, phương tiện thí nghiệm, thực hành không có. Bên cạnh đó, sự yếu kém của nhiều trường NCL cũng phải kể đến cả yếu tố đầu vào thấp; cách nhìn còn kỳ thị của dư luận xã hội.

“Trong khi giáo dục đào tạo là hoạt động phi lợi nhuận hoặc lợi nhuận hợp lý thì một số trường NCL lại coi việc thu học phí đem lại lợi nhuận cho nhà trường là tối thượng chứ không phải chất lượng” - Ông Tiến nhấn mạnh.

Về yếu tố khách quan, ông Lê Như Tiến nhắc đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Nguồn lực các cơ quan quản lý từ trung ương địa phương rất mỏng, nên dường như tập trung đầu tư, ưu tiên cho các trường công lập. Đơn cử việc bồi dưỡng giáo viên nhiều trường NCL nói rằng họ ít có cơ hội được tham gia các lớp, khóa đào tạo nâng cao nghiệp vụ trong và ngoài nước...

Trước hết phải thay đổi về nhận thức

Để tạo điều kiện cho các trường NCL khẳng định mình, ông Tiến cho rằng, trước hết phải thay đổi về nhận thức, không nên coi các trường NCL như một thứ phái sinh hoặc “con nuôi” hay yếu tố phụ vì họ tham gia vào đào tạo nguồn lực cho xã hội.

Các trường NCL nằm trong hệ thống giáo dục, đã được Đảng và Nhà nước xác định là hướng đào tạo xã hội hóa trong giáo dục. Nên việc nâng cao chất lượng đào tạo cho các trường NCL là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, của các bộ, ngành. Yếu tố bình đẳng giữa các trường công lập và NCL là rất quan trọng, trong đó có bình đẳng về tuyển sinh, kể cả đầu vào lẫn đầu ra.

Cơ quan quản lý nhà nước trung ương, địa phương nên quan tâm nhiều hơn đến các trường NCL. Quan tâm ở đây không phải là cho họ tiền, không chỉ là tạo điều kiện cơ sở vật chất mà là quan tâm về quản lý nhà nước. Về phía Bộ GD&ĐT cần cân nhắc, nghiên cứu chính sách tuyển sinh tạo điều kiện cho các trường NCL, trường nghề có cơ hội tuyển được sinh viên vào học.

Về mặt vĩ mô, theo ông Lê Như Tiến cần phải điều chỉnh tỷ lệ sinh viên trên vạn dân, không nên vì chỉ tiêu đó mà giảm nhẹ chất lượng. Nên cân nhắc giữa chỉ tiêu về tỷ lệ sinh viên trên vạn dân với điều kiện hiện có của đất nước cho phù hợp, nếu chạy theo số lượng sinh viên trên vạn dân, chỉ tiêu nâng cao chất lượng sẽ khó bảo đảm.

Bên cạnh đó, để đỡ tạo áp lực cho các trường ĐH, CĐ nên phân luồng sớm để học sinh tốt nghiệp phổ thông có hướng đi vào các trường dạy nghề. Ngoài ra, chỉ nên cho phép thành lập đối với những trường đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, giảng viên, kể cả về tài chính; có thể giải thể nếu trường không đảm bảo đúng các điều kiện hoặc chưa tới mức giải thể thì cũng phải tạm dừng đào tạo.

Về xu hướng sáp nhập các trường, ông Tiến cho rằng, phép cộng đó chỉ có ý nghĩa khi các trường có không gian, mặt bằng, đất đai, điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ. “Vấn đề chính là chất lượng của từng trường. Hai người xấu không thể cộng lại thành hoa hậu. Bản thân các trường phải vươn lên về chất” - Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh

Tuy nhiên, ông Lê Như Tiến khẳng định, vấn đề cốt lõi vẫn là ở bản thân các trường NCL, không có gì khác hơn là các trường này phải vươn lên, khẳng định mình trước xã hội, khi đó tự nhiên xã hội sẽ có cái nhìn thân thiện hơn. Còn cung cấp cho xã hội sản phẩm yếu kém hơn các sản phẩm khác thì rõ ràng không thể cạnh tranh được với các trường công lập.

Gợi ý thêm, ông Tiến cho rằng, các trường NCL cần tận dụng năng lực của các trường mạnh, học hỏi kinh nghiệm, liên kết, tận dụng sự hỗ trợ của các trường công lập có thế mạnh đối với những ngành đào tạo tương ứng của trường mình.

Hiếu Nguyễn thực hiện

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ