Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những năm gần đây ngày càng có nhiều sinh viên không đáp ứng được yêu cầu trong quá trình học tập. Xu thế mở đầu vào, chú trọng chất lượng đào tạo và siết chặt đầu ra đang được nhiều trường áp dụng.
Nhiều sinh viên bị cảnh cáo học vụ
Tại buổi tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp vừa qua, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thông tin: Hằng năm nhà trường có 700 - 800 sinh phải ra khỏi hệ đào tạo chính quy do không đáp ứng được yêu cầu của nhà trường. Nguyên nhân chủ yếu, các em không xác định rõ yêu cầu ngành học, lười học, không có mục tiêu rõ ràng, mất động lực học tập, một số em sa đà vào game online. Ngoài ra có 40% sinh viên phải trả nợ môn và đến năm thứ sáu mới ra trường.
“Tỷ lệ này, các trường khác cũng không kém. Một số trường kỹ thuật khác như Trường ĐH Thủy lợi, Trường ĐH Giao thông Vận tải cũng có số lượng sinh viên phải bỏ dở việc học, con số cũng không ít hơn 700 - 800 em/năm” - PGS.TS Nguyễn Phong Điền chia sẻ, đồng thời cho hay: Với chương trình kỹ sư 5 năm, nhà trường phấn đấu có 60% sinh viên ra trường đúng hạn; 40% còn lại (không tính những em bị buộc thôi học) sẽ cố gắng trả nợ môn để có thể tốt nghiệp vào năm thứ 6.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, thí sinh và phụ huynh cũng nên nhìn nhận ở phương diện tích cực. Hiện, tỷ lệ sinh viên của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tốt nghiệp đúng hạn tăng hằng năm. Trong số 5.000 sinh viên tốt nghiệp, có khoảng 1.000 em ra trường trước thời hạn. Con số này cho thấy sự chênh lệch, phân hóa rất lớn giữa các sinh viên về ý thức, kỹ năng, thái độ và trình độ và kiến thức. Ngoài ra, trong số những sinh viên tốt nghiệp, tỷ lệ đạt loại khá giỏi chiếm khoảng 70%.
Hiện nay, các trường đại học tuyển sinh bằng nhiều phương thức khác nên cánh cửa vào giảng đường đại học luôn rộng mở với thí sinh... Nói cách khác, việc “mở” đầu vào, và siết chặt đầu ra, chú trọng chất lượng đào tạo đang là xu hướng được các trường hướng tới, thậm chí là giải pháp đột phá, nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. GS.TS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ: Ở nhiều nước phương Tây, một số trường tuyển sinh theo kiểu “ghi danh” nhưng quy trình đào tạo của họ rất nghiêm ngặt và “siết chặt” đầu ra. Chúng ta có thể tham khảo, nghiên cứu học tập và vận dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Chất lượng đào tạo mới là thước đo và làm nên thương hiệu của trường. Đây cũng là điều kiện quan trọng để thu hút người học.
Siết chặt toàn bộ tiến trình
TS Trương Tiến Tùng – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội cho rằng: Việc các trường ĐH mở đầu vào, siết đầu ra phù hợp với thực tiễn khách quan và xu thế quốc tế. Mở đầu vào chính là tạo điều kiện, cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH cho người học. Rộng hơn chính là phát triển xã hội học tập và học tập suốt đời. Tất nhiên, “mở rộng” đầu vào không có nghĩa là tuyển sinh bằng mọi giá, “vơ bèo vạt tép”.
Việc các trường chú trọng đào tạo, siết chặt đầu ra không chỉ là trách nhiệm tự thân, mà còn với người học và xã hội. Khi đó, chất lượng đào tạo sẽ được kiểm soát trong suốt quá trình: Từ khi sinh viên nhập học đến khi tốt nghiệp, chứ không chỉ chú trọng mỗi đầu vào. Điều này chấm dứt tình trạng: Cứ đỗ vào đại học là được tốt nghiệp. “Hơn bao giờ hết, bản thân sinh viên phải nỗ lực, phấn đấu không ngừng và học tập nghiêm túc, thực chất để có kiến thức, hành trang lập thân, lập nghiệp sau này” – TS Trương Tiến Tùng khuyến nghị.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Phong Điền nhấn mạnh: Học đại học là quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ. Các trường luôn đặt ra những giới hạn nhất định cho sinh viên để bảo đảm chất lượng đầu ra. Hiện nay, xu hướng của các cơ sở giáo dục đại học là siết chặt chất lượng, thí sinh cần xác định vào ĐH là để học, chứ không phải vào được rồi là tự mãn, xả hơi và ung dung ngồi chờ ngày nhận bằng tốt nghiệp.
Làm công tác quản lý chất lượng, ông Đào Phong Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý chất lượng, Trường ĐH Cần Thơ ủng hộ việc siết chặt toàn bộ tiến trình gồm: Đầu vào, đào tạo và đầu ra. Sau công đoạn tuyển sinh, các trường cần tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu về tiến trình đào tạo; quan tâm kiện toàn hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ, từng bước xây dựng và lan tỏa văn hóa chất lượng trong giáo dục.
Ông Lâm đề xuất: Bộ GD&ĐT tiếp tục hướng dẫn các trường và thực hiện thanh tra kiểm tra về đề án tuyển sinh, hồ sơ tuyển sinh, chương trình đào tạo (đầu vào); tiến trình dạy - học, hoạt động ngoại khóa, thực tế - thực tập, liên kết doanh nghiệp (đào tạo); kết quả đánh giá, tốt nghiệp, cơ sở dữ liệu việc làm sinh viên tốt nghiệp (đầu ra). Đặc biệt là, yêu cầu về kiểm định chất lượng bao gồm công tác tự đánh giá (do các trường thực hiện) và đánh giá ngoài công nhận chất lượng (do các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện) về chương trình đào tạo và cơ sở giáo dục. Áp dụng nghiêm việc xử phạt và khen thưởng theo kết quả thực hiện.
“Trong bất cứ bối cảnh nào, chúng ta đều cần đến nỗ lực của bản thân người học và gia đình. Các em cần thực hiện tốt yêu cầu về thời gian tự học, tự chuẩn bị, nghiên cứu và xây đắp năng lực học tập suốt đời” – ông Lâm nhấn mạnh.