Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Vụ của Bộ GD&ĐT, Bộ Tư pháp; đại diện lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Hội Luật gia Việt Nam; lãnh đạo của Đoàn Luật sư TPHCM và Hội Luật gia TPHCM; Đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM và Tòa án Nhân dân TPHCM....
Đây là hoạt động trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 45 năm truyền thống và 25 năm ngày mang tên Trường ĐH Luật TPHCM.
Theo PGS.TS Trần Hoàng Hải - Quyền Hiệu trưởng Nhà trường, Hội nghịđược tổ chức nhằm đánh giá, tổng kết một số kết quả đạt được trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng của Nhà trường thời gian qua. Hội nghị cũng là diễn đàn để các chuyên gia, luật gia và nhà khoa học đóng góp ý kiến, thảo luận các giải pháp đúng đắn trong việc xây dựng các định hướng chiến lược phát triển của Nhà trường giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn những năm tiếp theo.
“Hội nghị tập trung trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến về tất cả các mặt hoạt động của Nhà trường như tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và trong nước, cơ sở vật chất và thư viện”- PGS.TS Trần Hoàng Hải nói.
Tại hội nghị, gần 200 đại biểu đã tập trung thảo luận xoay quanh các chủ đề cụ thể như: Định hướng hoàn thiện bộ máy tổ chức của Trường, xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn cho những năm tiếp theo; Phát triển công tác đào tạo các bậc và hệ đào tạo giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn cho những năm tiếp theo; Thúc đẩy hoạt động NCKH trong cán bộ, giảng viên và sinh viên giai đoạn 2021 – 2030; Làm cách nào để phát triển và mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn cho những năm tiếp theo....
Phát biểu tại hội nghị, TS. Nguyễn Viết Lộc- Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ GD&ĐT cho rằng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn tới, Trường ĐH Luật TPHCM cần chú trọng đến phẩm chất năng lực và văn hóa của người học.
Bên cạnh sứ mệnh là trung tâm đào tạo cán bộ pháp luật hàng đầu cả nước, Trường ĐH Luật TPHCM cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng NCKH, hợp tác quốc tế để hướng đến việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ ngành luật do mình đào tạo, có thể tham gia sâu vào các hoạt động tư pháp quốc tế nhằm nâng cao uy tín và vị thế của Nhà trường trong khu vực.
“Để làm được những mục tiêu trên, Nhà trường phải có các phản biện chính sách, thông qua các sản phẩm báo cáo thường niên tạp chí về các vấn đề pháp lý trong nước và quốc tế” - TS Nguyễn Viết Lộc nói.