Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo tiến sỹ

GD&TĐ - Chiều 24/3, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì cuộc họp Hội đồng tư vấn, đánh giá, nghiệm thu đề tài có mã số KHGD/16-20.ĐT.032 do GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – ĐH Quốc gia Hà Nội làm chủ nhiệm.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại cuộc họp.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại cuộc họp.

Đề tài “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo tiến sỹ thông qua mô hình nhóm nghiên cứu ở Việt Nam” (mã số KHGD/16-20.ĐT.032) được thực hiện 24 tháng (từ tháng 8/2018 đến tháng 8/2020).

Thay mặt nhóm nghiên cứu, GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức trình bày tóm tắt một số kết quả nổi bật của đề tài; đồng thời đề xuất chính sách và giải pháp phát triển nguồn lực cho các nhóm nghiên cứu trong trường ĐH.

Theo đó, cần thay đổi chính sách trả lương cho cán bộ khoa học; có chính sách hỗ trợ các nhóm nghiên cứu với những chế độ đãi ngộ cụ thể và cơ chế thông thoáng cả về nguồn kinh phí đầu tư, cũng như cơ sở vật chất.

Ngoài ra, cần tìm ra hướng đi đúng đắn cho chiến lược nghiên cứu; có người lãnh đạo tâm huyết, bản lĩnh và tài năng. Ưu tiên đầu tư thỏa đáng cho các nhóm nghiên cứu mạnh và tập trung cho các nhóm nghiên cứu mạnh này.

Bên cạnh đó, đề tài cũng đề xuất, các cơ sở giáo dục đại học cần xây dựng bộ KPI chi tiết và dành riêng để đánh giá hiệu quả hoạt động của nhóm nghiên cứu mạnh. Xây dựng và ban hành Nghị định về hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường đại học; Đồng thời đẩy mạnh tự chủ đại học nhằm thu hút nhanh và mạnh các nguồn lực, cơ chế.

Tại cuộc họp, các thành viên của Hội đồng đã có nhiều ý kiến góp ý với nhóm tác giả. Hầu hết, các ý kiến đều ghi nhận và đánh giá cao kết quả nghiên cứu; đồng thời cho rằng, đề tài đã “chạm” vào một trong những vấn đề trọng tâm đang được xã hội quan tâm là nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ của Việt Nam. Đây là vấn đề lớn, cần được tiếp cận để giải quyết phù hợp với bối cảnh thực tiễn.

Gửi lời chúc mừng đến GS.TSKH Nguyễn Đình Đức và nhóm tác giả, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn ghi nhận sự tâm huyết, trách nhiệm của nhóm nghiên cứu. Các sản phẩm của đề tài không chỉ có ý nghĩa về khoa học mà còn có nhiều đóng góp vào thực tiễn.

Thứ trưởng đề nghị, nhóm nghiên cứu cần tiếp thu các ý kiến đóng góp của các thành viên trong Hội đồng, sớm hoàn thiện đề tài để các kết quả nghiên cứu phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của đề tài
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của đề tài

Trước đó, Văn phòng Chương trình khoa học Giáo dục (Bộ GD&ĐT) đã có Tờ trình trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc thành lập Hội đồng khoa học tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp nhà nước kết quả thực hiện Đề tài mã số KHGD/16-20.ĐT.032 thuộc Chương trình Khoa học Giáo dục.

Đề tài đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu theo đăng ký tại thuyết minh đã được phê duyệt. Kết quả nghiên cứu của Đề tài đã được công bố qua 1 bài tạp chí quốc gia, 1 bài Kỷ yếu hội nghị khoa học nghị quốc tế và 8 bài báo trên tạp chí quốc tế  ISI do NNC thí điểm được đề tài hỗ trợ (vượt 5 bài tạp chí quốc tế ISI, 1 bài trên tạp chí quốc gia và 1 bài Hội nghị khoa học quốc tế so với đăng ký);

Trong quá trình nghiên cứu, Đề tài đã góp phần quan trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu Quản lý giáo dục.

Cụ thể, đề tài đã đào tạo thành công 2 thạc sỹ Quản lý giáo dục, hỗ trợ đào tạo 2 nghiên cứu sinh làm luận án về Quản lý giáo dục; trong đó có 1 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ năm 2020; hỗ trợ đào tạo 6 nghiên cứu sinh trong nhóm nghiên cứu thí điểm; trong đó 1 nghiên cứu sinh trong đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ năm 2019 và đào tạo thành công 2 thạc sỹ trong nhóm nghiên cứu đã thạc sỹ đã nhận bằng thạc sỹ năm 2020 (vượt so với chỉ tiêu đào tạo của đề tài 2 thạc sỹ và  4 nghiên cứu sinh).

Thành viên Hội đồng phản biện và góp ý cho đề tài
Thành viên Hội đồng phản biện và góp ý cho đề tài

Ngoài ra, đề tài đã cung cấp cho các nhà quản lý và hoạt động giáo dục cũng như nhà khoa học trong các trường đại học, bộ/ngành, cơ sở giáo dục đại học, .... những cơ sở khoa học và thực tiễn, vai trò của việc xây dựng, hình thành và phát triển nhóm nghiên cứu trong trường đại học và vai trò của việc gắn kết nhóm nghiên cứu đối với hoạt động đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam hiện nay.

Trong thời gian thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã phối hợp và đóng góp chuyển giao các kết quả, sản phẩm nghiên cứu tới Vụ Giáo dục Đại học, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ GD&ĐT. Đề tài đã được tự đánh giá nghiệm thu ngày 7/8/2020, xếp loại Xuất sắc và được Hội đồng đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét, đánh giá nghiệm thu cấp nhà nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.