Các trường 'chạy rốt-đa' tuyển sinh đại học năm 2023

GD&TĐ - Đến thời điểm này, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã dự kiến phương án tuyển sinh năm 2023 và định hướng đến năm 2025.

Một phòng thi của Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức. Ảnh: NTCC
Một phòng thi của Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức. Ảnh: NTCC

Giữ ổn định

Năm 2022, Kỳ thi đánh giá năng lực (HSA) của ĐH Quốc gia Hà Nội gồm 12 đợt (từ tháng 2 - 7/2022). Kỳ thi diễn ra tại 15 địa điểm thuộc 8 tỉnh/thành trong cả nước. GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội - thông tin, có hơn 62.600 lượt thí sinh dự thi. ĐH Quốc gia Hà Nội huy động trên 2.500 lượt cán bộ tham gia làm nhiệm vụ; triển khai hơn 1.900 phòng thi, sử dụng trên 7.800 máy tính. Điểm bài thi dao động từ 24 - 135/150. Bài thi phản ánh tốt tương quan giữa năng lực học sinh đạt được theo chuẩn đầu ra chương trình THPT và kết quả đạt được.

Tại Hội nghị tổng kết HSA năm 2022 và kế hoạch triển khai năm 2023 do Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải thông tin, căn cứ vào tình hình thực tế của kỳ thi năm 2022, năm 2023 Trung tâm Khảo thí tiếp tục triển khai các đợt thi từ tháng 3 - 6, với quy mô dự kiến 100 nghìn lượt thi. Kỳ thi được tổ chức tại 8 tỉnh, thành trong cả nước, gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Hưng Yên.

Mục tiêu là bảo đảm an toàn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thu hút thí sinh giỏi của các trường đại học trong và ngoài ĐH Quốc gia Hà Nội. Trung tâm Khảo thí tiếp tục đồng hành, hỗ trợ kỹ thuật cho các đơn vị đào tạo khai thác sử dụng kết quả thi để xét tuyển đại học trong thời gian tới. ĐH Quốc gia Hà Nội dần hướng đến HSA không phải là kỳ thi, mà là định hướng học tập cho học sinh THPT, từ đó mỗi trường đại học sẽ có được nhân tài thật.

Từ 22.000 nguyện vọng đăng ký xét tuyển, đã có hơn 2.800 thí sinh trúng tuyển vào Trường ĐH Hà Nội, đạt 102,8% so với tổng chỉ tiêu được giao. TS Nguyễn Tiến Dũng – Phó Hiệu trưởng nhà trường - cho hay, đây là cơ sở thực tiễn để nhà trường ổn định công tác tuyển sinh trong năm tới.

Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, sự ổn định là cần thiết, bởi thí sinh, phụ huynh cần chuẩn bị ít nhất 1 năm trước khi tham gia tuyển sinh, từ công tác ôn tập cho đến điều kiện chủ quan, khách quan. Đây cũng là yếu tố quan trọng để phụ huynh và thí sinh yên tâm, chuẩn bị tâm thế tốt nhất nhằm đạt kết quả như mong muốn. “Về kế hoạch tuyển sinh năm 2023 và năm tiếp theo, chúng tôi sớm có thông tin về phương thức xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT để học sinh chủ động trong học tập” - TS Nguyễn Tiến Dũng trao đổi.

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức. Ảnh: NTCC

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức. Ảnh: NTCC

Lộ trình cho năm 2025 trở đi

Từ thành công của Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022, PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - nhấn mạnh, nhà trường luôn mong muốn sử dụng kết quả kỳ thi này làm nền tảng trong tuyển sinh. Tuy nhiên, nhà trường vẫn xét đến yếu tố đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, nhất là những em không có điều kiện tiếp cận với Kỳ thi đánh giá tư duy của trường. Tuy nhiên, đến thời điểm nào đó, thí sinh có thể sẽ phải chấp nhận nhà trường hoàn toàn dành chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển tư duy.

GS.TS Trần Thị Vân Hoa - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) - trao đổi: Năm 2023, nhà trường dự kiến áp dụng nhiều phương thức trong xét tuyển. Chủ trương này nhằm mở rộng cơ hội cho các học sinh khác nhau; đồng thời thực hiện sứ mạng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế phát triển. Trong các phương thức xét tuyển, điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn được nhà trường sử dụng để xét tuyển cùng với các tiêu chí khác như: Điểm trung bình học THPT, IELTS…

Trước đó, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân công bố Đề án tuyển sinh năm 2022. Trong đó, nhà trường lưu ý: Dự kiến năm 2023 sẽ không tuyển sinh theo phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT và các phương thức khác. Chỉ tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp/xét tuyển sớm với 100% chỉ tiêu sau khi trừ đi số thí sinh diện tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học - năm học 2022 - 2023 là hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2023. Đồng thời, xác định phương hướng, định hướng tuyển sinh từ năm 2025. Trong đó, đặc biệt lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp, gây khó khăn cho thí sinh.

Với các cơ sở đào tạo có ngành đào tạo giáo viên, Bộ GD&ĐT lưu ý, cần chủ động làm việc với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để triển khai hiệu quả Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ, quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS; Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Đồng thời, gắn kết chặt chẽ giữa năng lực đào tạo, bồi dưỡng với yêu cầu về số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Qua đó, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo; đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bộ GD&ĐT đề nghị, cơ sở đào tạo cần xây dựng và công bố kịp thời định hướng, phương hướng cho công tác tuyển sinh năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 cần phù hợp với yêu cầu, nội dung, cấu trúc của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ