Bộ GD&ĐT báo cáo Quốc hội về công tác tuyển sinh đại học

GD&TĐ - Trong 19 nhóm vấn đề mà Bộ GD&ĐT báo cáo Quốc hội, công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng là một trong những nhiệm vụ hoàn thành đúng hạn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phương án tổ chức ổn định

Báo cáo nhấn mạnh, kế thừa các kết quả đạt được trong công tác tổ chức tuyển sinh các năm 2020 và 2021, Bộ GD&ĐT quyết định phương án tổ chức tuyển sinh năm 2022 cơ bản giữ ổn định như năm 2021.

Tuy nhiên, có một số nội dung điều chỉnh trong công tác tuyển sinh năm 2022. Theo đó, việc đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ phải thực hiện trên Cổng thông tin của Bộ GD&ĐT và Cổng dịch vụ công quốc gia.

Thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 1: Tất cả các nguyện vọng xét tuyển (theo các ngành, các phương thức, cơ sở đào tạo) được đăng ký xét tuyển trực tuyến sau khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT, các nguyện vọng được xếp thứ tự từ 1 đến hết (nguyện vọng 1 là nguyện vọng ưu tiên cao nhất của thí sinh).

Tất cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh vào các cơ sở đào tạo được lọc ảo chung trên hệ thống và thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo.

Đối với những ngành sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, nhiều tổ hợp môn thi, các trường phải giải trình được sự phù hợp của sự lựa chọn này, đảm bảo sự công bằng cho thí sinh.

Nếu mỗi phương thức (hoặc mỗi tổ hợp môn thi) có chỉ tiêu riêng thì đề án tuyển sinh của các trường phải giải trình được căn cứ phù hợp cho việc phân chỉ tiêu cho từng phương thức (hoặc tổ hợp môn thi).

Các trường xác định chỉ tiêu cho phương thức, tổ hợp xét tuyển mới phải có căn cứ và lộ trình. Các trường khi bỏ đi phương thức tuyển sinh cũng cũng cần có lộ trình, việc giảm chỉ tiêu hàng năm cần thông báo để không ảnh hưởng tới việc học tập, ôn tập của thí sinh.

Các địa phương cập nhật kết quả học tập (lớp 10, lớp 11, lớp 12) lên cơ sở dữ liệu ngành, đồng thời kiểm tra rà soát dữ liệu này sau khi được đồng bộ sang hệ thống quản lý thi và xét tuyển phục vụ công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng sư phạm.

Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình các tình huống có thể phát sinh, rủi ro và phương án giải quyết, phối hợp giải quyết giữa các cơ sở đào tạo trong quá trình tuyển sinh.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.

An toàn, thông suốt

Cũng theo Báo cáo của Bộ GD&ĐT, ngày 18/3/2021, Bộ ban hành Quy chế đào tạo trình độ đại học kèm Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT áp dụng từ khóa tuyển sinh năm 2021-2022. Quy chế được xây dựng trên nguyên tắc tự chủ các trường, đảm bảo công khai quy trình đào tạo, tổ chức kiểm tra đánh giá, mở rộng chính sách tạo điều kiện để sinh viên chuyển ngành, chuyển trường, chuyển phân hiệu khi đáp ứng quy định, sinh viên đăng ký học thêm các chương trình đào tạo; thống nhất hệ thống thang đo đánh giá sinh viên, phù hợp với với chuẩn quốc tế.

Tổ chức đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2022 đối với các phương thức xét tuyển theo hình thức trực tuyến trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia.

Kết quả, tính đến 17h00 ngày 20/8/2022, đã có trên 616.500 thí sinh nhập nguyện vọng trên tổng số gần 941.800 thí sinh dự kiến đăng ký xét tuyển trước khi thi tốt nghiệp THPT, với tổng số hơn 3.000.000 nguyện vọng. Trung bình mỗi thí sinh đăng ký 5,02 nguyện vọng.

Nhằm tạo thêm điều kiện cho các thí sinh tự đăng ký, chỉnh sửa thông tin, Bộ GDĐT đã mở lại hệ thống đăng ký nguyện vọng đến hết 17h00 ngày 23/8/2022. Trong thời gian mở lại Hệ thống, đã có thêm gần 4.000 em đăng ký nguyện vọng và khoảng 75.000 em điều chỉnh nguyện vọng.

Như vậy, việc mở thêm thời gian để thí sinh bổ sung, hoàn thiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống đã tạo điều kiện và cơ hội cho các em thí sinh hoàn thành việc đăng ký tốt nhất có thể.

Hệ thống đã hỗ trợ thí sinh đầy đủ trong quá trình đăng ký, thời điểm cao nhất có trên 6.000 thí sinh cùng vào Hệ thống, không có hiện tượng quá tải hay lỗi kỹ thuật. Theo thống kê, số thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2022 giảm so với năm 2021 khoảng 20% và chỉ giảm 3,4% so với năm 2020.

Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ chuẩn bị hạ tầng kết nối và triển khai thanh toán trực tuyến lệ phí đăng ký xét tuyển vào đại học (thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia với 15 kênh thanh toán trực tuyến chính của cả nước).

Đồng thời, phân chia lịch mở hệ thống thanh toán theo nhóm các tỉnh/thành để đảm bảo việc nộp lệ phí đăng ký xét tuyển đại học của thí sinh diễn ra an toàn, thông suốt, tránh lượng lớn truy cập đồng thời gây quá tải hệ thống.

Kết thúc thời gian thanh toán lệ phí xét tuyển trực tuyến, số nguyện vọng đã thực hiện thủ tục thanh toán trực tuyến đạt 97% tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học.

Hoàn thiện phần mềm, tập huấn nghiệp vụ xử lý nguyện vọng đăng ký xét tuyển trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2022 để đảm bảo quy trình thực hiện các khâu trong xét tuyển và kết quả xét tuyển, xử lý được chính xác, đúng quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.

Trong thời gian tới, Bộ GDĐT tiếp tục triển khai công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022 đảm bảo hiệu quả, an toàn, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh. Đồng thời, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học bảo đảm khách quan, công bằng. Phát hiện, xử lý những trường hợp sai phạm nếu có.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.