Tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 với giáo dục trung học chiều 12/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn ghi nhận, biểu dương những cố gắng, kết quả trong công tác giáo dục năm học vừa qua; dù nhiều khó khăn, thách thức nhưng cơ bản đạt được mục tiêu và kế hoạch đề ra. Trong đó có một số kết quả đáng khích lệ, như thành tích học sinh dự thi Olympic quốc tế, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thành công...
Bộ trưởng cho biết: Năm học 2021-2022 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội, năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại đảng lần thứ XIII với quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn ngành là đẩy mạnh công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, cung cấp nguồn nhân lực thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bộ GD&ĐT đã xây dựng chương trình hành động triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó đưa ra 10 nhóm nghiệm vụ và giải pháp chủ yếu.
Ngành Giáo dục đang đứng trước thách thức rất lớn trước yêu cầu phát triển, đổi mới và trong bối cảnh dịch bệnh. Chuyển đổi hệ thống để thích ứng với tình hình dịch bệnh tăng sức chống chịu, hạn chế tổn thương trước dịch. Đây là điều tất yếu và không thể lảng tránh.
Chia sẻ điều này, Bộ trưởng nhấn mạnh tinh thần vượt qua khó khăn để đạt được mục tiêu an toàn, chất lượng, hoàn thành nhiệm vụ trước Nhà nước và nhân dân. Cần xác định rõ ràng khó khăn, thử thách để có nhận thức, tư tưởng, tầm nhìn và kế hoạch phù hợp.
Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều hoạt động để ứng phó và thích nghi với tình hình dịch bệnh; trong đó có ban hành chính sách, hướng dẫn, quy định những việc cần làm phù hợp với bối cảnh dịch bệnh để chuẩn bị và triển khai năm học mới.
Bộ trưởng yêu cầu địa phương cần ban hành kế hoạch năm học mới phù hợp với tình hình đặc thù của địa phương. Tất cả cần phải thay đổi để thích ứng, từ cán bộ quản lý, lãnh đạo, điều hành cho tới mỗi bộ môn, giáo viên. Cần linh hoạt và sáng tạo trên cơ sở kế hoạch khung của năm, chương trình, và các yêu cầu kiến thức, kỹ năng, năng lực cốt lõi theo chuẩn đầu ra.
“Mục tiêu cốt lõi là bất biến, còn phương pháp và hành động thì vạn biến sao cho hiệu quả”. Bộ trưởng nói và cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành các yêu cầu nội dung cốt lõi, không phải rút gọn.
Chương trình lõi cần được tận dụng giảng dạy trong thời gian vàng - học tập trực tiếp. Hiện nay công nghệ thông tin đã hỗ trợ rất tốt, nhưng giảng dạy trực tiếp vẫn có vai trò vô cùng quan trọng. Nếu có thêm thời gian thì củng cố; trường hợp dịch bệnh phức tạp thì vẫn chủ động bảo đảm đạt được các yêu cầu nội dung cốt lõi này.
Chia sẻ tinh thần chỉ đạo trong quá trình thực hiện, Bộ trưởng lưu ý: Giáo dục phổ thông đang đổi mới toàn diện theo tinh thần Chương trình GDPT 2018. Với chương trình mới, không chỉ giáo viên mà đề nghị lãnh đạo sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT cần phải tìm hiểu rõ chương trình mới để có chỉ đạo phù hợp, hiệu quả. Cố gắng hơn, sáng tạo hơn, lãnh đạo cần phát huy vai trò dẫn dắt và đội ngũ quyết định đến chất lượng giáo dục chính là các nhà giáo.
Bộ trưởng đồng thời nhấn mạnh việc tăng quyền chủ động cho cơ sở giáo dục và giáo viên; nhấn mạnh nội dung giáo dục đạo đức, nhân cách, củng cố dạy tiếng Việt và phát triển toàn diện học sinh.
Đặc biệt quan tâm đến tinh thần học thực, thi thực, Bộ trưởng yêu cầu các sở GD&ĐT, nhà trường cần triển khai phù hợp, sao cho việc học, kiểm tra đánh giá đúng, thực chất. Dạy và học quan tâm đến thực tiễn, trải nghiệm. Chú ý đến việc tự học. Đối với Ngữ văn, cần chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, triệt tiêu sự sáng tạo của thầy vào trò.
Các sở GD&ĐT cần chăm lo cho đội ngũ nhà giáo, kiến nghị với chính quyền và chia sẻ với cha mẹ học sinh, các em học sinh và lực lượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Triển khai các hỗ trợ cho học sinh trong điều kiện học trực tuyến để các em có thể khắc phục được khó khăn về vật chất, tâm lý.
Với việc thực hiện mục tiêu quan trọng của năm học, Bộ trưởng lưu ý trong lựa chọn sách giáo khoa, địa phương cần chú ý đến tiếng nói chuyên môn.
Khi triển khai, căn cứ cốt lõi là chương trình, sách giáo khoa chỉ là tài liệu, công cụ. Củng cố thư viện để hỗ trợ học liệu, sách giáo khoa cho học sinh. Trước thềm năm học mới sẽ tổ chức các buổi và khóa tập huấn về giảng dạy trực tuyến.
Liên quan đến chế độ chính sách của nhà giáo, Bộ trưởng nhấn mạnh việc bảo đảm đủ số lượng giáo viên cho các môn học, bậc học. Đây là vấn đề lớn, Bộ GD&ĐT đã trao đổi với Bộ Nội vụ để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến nội dung này.