Các bước dạy trẻ giao tiếp qua điện thoại

Dạy con cách giao tiếp và giao tiếp qua điện thoại là những kỷ năng sống rất quan trọng. Thế nhưng nhiều bậc cha mẹ lại quên mất không quan tâm đến việc dạy trẻ.

Ảnh: MH
Ảnh: MH

Có bao giờ bạn bực mình vì đứa trẻ ở đầu dây cứ ấp a ấp úng và bạn chẳng thể nào nói chuyện được với người bạn cần gặp gấp.

Vì vậy, hãy dạy con cách gọi cũng như nhận điện thoại, chẳng mất nhiều thời gian và công sức lắm đâu nhưng chẳng bao lâu, bạn sẽ nghe đồng nghiệp hoặc bạn bè của bạn không tiếc lời khen: “Con chị giỏi thật. Nói năng gãy gọn. Thật là dễ thương”.

- Khi nhận điện thoại, nói “Alô” nhẹ nhàng và lịch sự.

- Không được thét to gọi bố hoặc mẹ (tiếng thét gọi to của bé có thể làm cho người đầu dây bên kia bị chói tai, giật mình).

- Nếu không có người lớn ở nhà, cháu phải biết cách hỏi “Dạ, bố mẹ con không có nhà. Cô tên gì ạ? . Cô hoặc chú có muốn nhắn gì không? Cô cho con xin số điện thoại, con sẽ nhắn bố gọi lại sau” (Bạn nên để sẵn giấy và viết ở gần điện thoại).

- Căn dặn trẻ không được nói chuyện nhiều với người lạ.

- Khi gọi điện thoại cho bạn, lễ phép xưng tên mình trước và xin phép được nói chuyện với bạn.

Từ khi còn nhỏ, con đã chú ý tới cách sử dụng điện thoại của cha mẹ. Khi trẻ nhỏ bắt chước cha mẹ dùng điện thoại đồ chơi, đây là cơ hội thích hợp để bạn làm gương cho con về văn hóa giao tiếp qua điện thoại.

Thực hiện cuộc gọi

Nói về cách ứng xử qua điện thoại thì điều quan trọng nhất là sự tôn trọng. Bạn có thể tập cho con gọi điện chào hỏi ông bà hoặc rủ bạn đi chơi. Đây là những cuộc điện thoại khá “an toàn” và mới chỉ là những bước đầu mà trẻ cần học. 

Hãy dạy con giới thiệu bản thân bằng những mẫu câu kiểu như: “Xin chào, cháu là Joe ạ. Cháu có thể nói chuyện với John được không?”. 

Đồng thời, hãy cùng con thảo luận xem làm thế nào để gửi lời nhắn khi người con cần nói chuyện không có ở đó. Quan trọng hơn cả, đừng bao giờ quên nói lời “cảm ơn” và “tạm biệt”.

Đôi lúc, trẻ cần gọi điện cho thầy cô giáo, hàng xóm hoặc những người lớn khác mà chúng không biết rõ. Trong trường hợp đó, bạn cần dạy con cách giới thiệu đầy đủ về bản thân, tiếp đó nói về lý do thực hiện cuộc gọi. 

Những cuộc điện thoại kiểu này khó khăn hơn, do đó đòi hỏi trẻ phải thực hành nhiều hơn. Hãy dạy trẻ lắng nghe thông tin nhận được từ đầu dây bên kia một cách cẩn thận và ghi chú lại nếu chúng cần nhớ điều gì đó.

Trả lời điện thoại

Khi thực hiện cuộc gọi, điều quan trọng nhất là sự tôn trọng dành cho người ở đầu dây bên kia. Còn khi trả lời điện thoại, điều quan trọng nhất lại là sự an toàn. Lúc đó, trẻ nên là người “thu lượm” thông tin chứ không nên là người cho thông tin.

Dù trẻ chỉ nói một cái tên hay đưa ra bất kỳ thông tin nào, trong trường hợp này, không phải lúc nào cũng là phù hợp. Danh tính của người gọi là yếu tố quan trọng nhất để quyết định việc trẻ sẽ nói ra bao nhiêu thông tin hoặc có nghe điện thoại ngay từ đầu hay không.

Bạn có thể lập ra quy tắc rằng nếu trẻ không biết ai là người gọi điện thì chúng không nên trả lời điện thoại. Nếu đó là một cuộc gọi an toàn và hợp lệ thì người ở đầu dây bên kia sẽ để lại tin nhắn, sau đó bạn có thể gọi lại.

Bạn nên dạy trẻ không cho tên tuổi hay bất kỳ thông tin nào (chẳng hạn như ai đang ở nhà, ai không có ở nhà, địa chỉ, …) khi trả lời điện thoại. 

Nếu nghi ngờ hay cảm thấy lo lắng, trẻ có thể chuyển điện thoại cho người lớn, yêu cầu người gọi để lại tin nhắn hoặc gọi lại vào lúc khác.

Ghi lại lời nhắn

Trong trường hợp bố mẹ không có ở nhà, trẻ có thể nhận điện và chuyển lời nhắn cho bố mẹ. Tiếp nhận thông tin và ghi lại lời nhắn phù hợp cũng là một dấu hiệu mà trẻ thể hiện sự tôn trọng dành cho người gọi và người nhận tin nhắn. 

Bạn nên đặt một quyển sổ nhỏ và một chiếc bút gần điện thoại để ghi lại lời nhắn. Ngoài ra, chỉ sẵn những vị trị để giấy bút trong nhà cho con, bởi những kiểu điện thoại cầm tay không phải lúc nào cũng nằm ở một chỗ.

Ít nhất hãy dạy con ghi lại tên, số điện thoại của người gọi và thời gian gọi. Nếu không chắc về điều gì hoặc nghe không rõ, trẻ có thể hỏi lại. 

Thậm chí, nếu tin nhắn quá dài dòng và phức tạp, trẻ có thể nói rằng sẽ nhắc bố mẹ gọi lại để nắm rõ thông tin chi tiết. Không chỉ nhận tin, việc chuyển đi tin nhắn cũng vô cùng quan trọng. 

Hãy dành cho con một nơi để đính tin nhắn gửi tới các thành viên trong gia đình, bởi chúng sẽ nhanh chóng quên mất lời nhắn chỉ vài giờ sau đó.

Dạy con cách cư xử qua điện thoại là một quá trình đòi hỏi thời gian và sự thực hành, luyện tập. Do đó, đừng để quá muộn mới hướng dẫn con những điều cơ bản trong văn hóa giao tiếp qua điện thoại.

Theo Phunutoday

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ