Răng hóa thạch hé lộ loài cá mập chưa từng biết
Một chiếc răng hóa thạch thuộc loài cá mập cổ đại mới được phát hiện, có niên đại khoảng 340 triệu năm, đã được tìm thấy trong hệ thống hang động lớn nhất thế giới, theo thông báo của giới chức.
Chiếc răng dài khoảng 1,27 cm của loài mới được đặt tên Macadens olsoni được tìm thấy trong lớp đá Ste. Genevieve Formation tại Công viên quốc gia Mammoth Cave, bang Kentucky, theo thông tin từ Cơ quan Công viên Quốc gia Mỹ.
Lớp đá Ste. Genevieve Formation được ước tính có tuổi khoảng 335 đến 340 triệu năm.

Ý nghĩa khoa học và vai trò bảo tồn
“Phát hiện này là một bổ sung đáng kể cho hiểu biết của chúng ta về đời sống biển cổ đại và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn, nghiên cứu lịch sử tự nhiên,” ông Barclay Trimble, Giám đốc Công viên quốc gia Mammoth Cave, cho biết.
Nhóm nghiên cứu cổ sinh vật cho biết loài cá mập cổ đại này nổi bật với vòng răng dạng cong — một hàng răng cong dùng để nghiền nát các sinh vật biển nhỏ.
Theo giới chức, cá mập này dài chưa tới 30 cm và săn mồi là nhuyễn thể, giun khi khu vực Mammoth Cave từng là một vùng biển nông giàu huệ biển, san hô và nhiều sinh vật khác.
“Mỗi phát hiện đều kết nối quá khứ với hiện tại và mang lại cơ hội giáo dục vô giá cho học sinh và công chúng,” ông Trimble nói thêm.
Loài cá mập này được đặt tên theo Mammoth Cave và phát hiện mới nhất này đánh dấu loài cá mập thứ 5 “mới với khoa học” được xác định trong hệ thống hang động.