Các bước chọn ngành và chọn trường

GD&TĐ - Chọn ngành, chọn nghề như thế nào? Chọn trường làm sao? Các nguyên tắc, các bước để lựa chọn được ngành nghề phù hợp là gì? Các câu hỏi cần đặt ra khi lựa chọn ngành nghề của học sinh là gì? Bài viết dưới đây cô Phoenix sẽ cho các em những lời khuyên bổ ích

Các bước chọn ngành và chọn trường
Phoenix mới viết lại bản này cho mùa thi đại học năm 2018. Xin chú ý, kiến thức về tuyển sinh của Phoenix không tốt lắm, nên các em phải tìm hiểu thêm ở những trang chính thức, của Bộ Giáo Dục & Đào Tạo, của các trường, để tìm hiểu thêm về tuyển sinh nhé.
Trong bài này, mục tiêu của Phoenix là giúp các em nhìn lại bản thân mình, nối nó với các ngành đào tạo, rồi sau đó chọn chương trình đào tạo nào phù hợp với điểm mạnh của bản thân vào hoàn cảnh gia đình nhất.
Các em lớp 12 thân mến,
Phoenix Ho -Tác giả bài viết
Phoenix Ho -Tác giả bài viết 
Tháng 4 thường là hạn chót để nộp đơn cho kỳ thi tuyển cao đẳng và đại học hàng năm. Mỗi năm vào thời điểm này rất nhiều em gửi thư riêng cho cô hỏi về việc chọn ngành và chọn nghề, mà cô không có giờ để trả lời riêng cho từng bạn. Nên cô viết bài này với hy vọng giúp các em trong quyết định lần này.
Cô sẽ không cho các em câu trả lời. Và cô đề nghị các em đừng tìm ai cho mình câu trả lời. Các em hãy tự tìm ra câu trả lời lấy bằng cách sử dụng các dụng cụ hay hướng dẫn trong bài viết này.
Cô đoán chắc rằng khi các em làm hết các bước dưới đây một cách nghiêm túc, các em sẽ tìm ra được một câu trả lời cho bản thân – có thể không hoàn toàn phù hợp 100% như ý, nhưng ít ra là chắc chắn hơn một lời đoán đại hay nhắm mắt điền đại vào đơn thi.
Hãy nhớ rằng điều quan trọng nhất là tìm hiểu kỹ, nhưng đừng để việc quá nhiều thông tin làm các em bị loạn, rồi không quyết định được. Hãy nhớ rằng các em là người phải sống với quyết định của mình mỗi ngày.
Các em là người sẽ học ngành mình chọn, tới trường mình chọn, do đó, hãy đọc thật kỹ bài viết của cô, làm theo từng bước, và quyết định với sự rõ ràng, có mục tiêu, và nhớ thảo luận với ba mẹ không phải để theo ý ba mẹ cho khoẻ, mà để ba mẹ hiểu quá trình của quyết định các em làm.
Cuối cùng, nếu chọn lựa không được 100% như mình muốn thì cũng không sao cả các em nhé vì hướng nghiệp là một cuộc hành trình mà rất nhiều lúc em chỉ biết được phía trước nếu tập trung cao độ vào thời điểm hiện tại. Hãy làm thật tốt những việc em có thể làm ở thời điểm hiện tại, rồi tương lai sẽ ổn thôi các em nhé.
Bước 1: Tìm hiểu bản thân
a. Sở thích và khả năng tự nhiên
Đầu tiên các em phải hiểu mình có những đặc điểm về sở thích và khả năng tự nhiên nào. Khi hiểu những đặc điểm này, các em sẽ dễ dàng nối chúng vào một ngành đào tạo ở các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, hay chương trình dày nghề phù hợp.
Có hai cách, một là các em làm trắc nghiệm giấy. Tôi để link ở đây cho các em nhé, http://bit.ly/Trac_nghiem_Holland_Phoenix ; các em vào link ấy, tải trắc nghiệm về, rồi làm theo hướng dẫn. Lưu ý rằng trắc nghiệm này chưa được chuẩn hóa nên có thể không chính xác 100%. Do đó, nên làm thêm cách hai dưới đây cho chắc ăn.
Cách thứ hai và cũng là cách tốt hơn, các em tự đánh giá mình thuộc hai nhóm sở thích/khả năng tự nhiên nào sau khi xem đoạn video của tôi ở đây, http://bit.ly/ChonNganh_Holland từ phút thứ 3 cho đến phút thứ 13. Chỉ 10 phút thôi nên tôi tin các em sẽ có đủ kiên nhẫn để xem.
Sau khi đã làm theo hai cách trên, các em ghi xuống hai nhóm nào mình phù hợp xuống. Có thông tin này rồi, các em làm tiếp những bước kế tiếp để xem mình có thể phù hợp các ngành đào tạo nào nhé.
Thêm: Với những ai có thời gian, tôi đề nghị các em nên đến một vài trung tâm/chương trình đào tạo/hoạt động của các ngành nghề mà các em chưa có cơ hội tiếp xúc nhiều trong môi trường giáo dục hàng ngày, ví dụ như các ngành về sáng tạo hay các ngành về giúp đỡ, để hiểu thêm về nhóm sở thích/khả năng này cũng như để xác định xem mình có thật sự thuộc nhóm ấy hay không. Ở đây Phoenix để một vài nơi mà cựu sinh viên Phoenix đã chia sẻ. Các em có thể đến/đọc thêm để tham khảo nhé:
Nhóm ngành kỹ thuật:
Nhóm ngành nghiên cứu (phía khoa học tự nhiên):
Nhóm ngành nghiên cứu (phía khoa học xã hội):
Nhóm ngành sáng tạo:
Nhóm ngành giúp đỡ:
b. Học lực
Các em học trường điểm hay trường thường, thuộc loại xuất sắc, giỏi, khá, trung bình, hay yếu? Phải biết rõ mình đang ở mức nào.
Đây không phải là lúc xấu hổ. Học yếu chẳng có gì xấu hổ cả. Nhưng học yếu mà cứ dấu đi, không đối diện với bản thân, rồi chọn đại một trường có tên tuổi thi cho oai thì sẽ tốn tiền và thời gian của mình, cha mẹ, và xã hội.
Hệ thống giáo dục các em đang học không khuyến khích những môn sáng tạo như nhạc, hoạ hay kỹ thuật như thể thao, sữa chữa, hoặc các môn kinh tế như marketing, kế toán, ... do đó em học yếu văn hoá không có nghĩa là em không có khả năng gì cả. Vậy, hãy tự đối diện với mình xem trình độ học của mình tới đâu. Đây là điểm quan trọng trong việc chọn trường thi.
c. Yếu tố gia đình, xã hội, kinh tế
Gia đình em có cho em quyền quyết định hay không? Ai ảnh hưởng em nhất trong nhà? Kinh tế gia đình em cho phép em học tới đâu, ở nơi nào? Em phải rõ những điều này để có quyết định phù hợp.
Đôi khi em ngành em chọn là ngành phù hợp với em (thích và giỏi) thứ 2, nhưng cha mẹ em muốn em theo, nên khi chọn nó em sẽ dễ chịu hơn (gia đình yên tĩnh, bình an không áp lực). Vậy thì em sẽ làm gì với chọn lựa 1 của em? Hoàn toàn bỏ nó chăng.
Thật ra, không học được cái mình phù hợp (thích và giỏi) nhất cũng không hẳn là hết hy vọng, vì trong lúc ở đại học, ngoài giờ học em có thể tham gia các hoạt động ngoài giờ, từ thiện, làm thêm, câu lạc bộ, vv. để theo đuổi thứ mình thích.
Như vậy em sẽ tăng thêm kỹ năng, kiến thức, và cũng tạo thêm nhiều mối quan hệ cho cơ hội việc làm sau này. Vì vậy, nếu phải quyết định theo chọn lựa 2, thì em đừng bỏ quên chọn lựa 1 hoàn toàn, mà hãy trải nghiệm và học hỏi thêm về nó trong những hoạt động thiện nguyện, ngoài giờ, em nhé.
Bước 2: Tìm hiểu thị trường đào tạo
Bây giờ em đã biết em nhóm gì rồi, học lực ra sao rồi, hoàn cảnh bản thân rồi, vậy em phải tìm hiểu thị trường đào tạo. Đầu tiên là ngành, sau đó là trường.
a. Ngành đào tạo:
Thông thường ngành đào tạo sẽ có sự liên hệ rất chặt chẽ với nhóm sở thích và khả năng tự nhiên của em (kết quả trắc nghiệm từ bước 1a ở trên).
Sau khi đã có kết quả trắc nghiệm, khi đọc các tên ngành, sau đó đọc các môn học trong ngành, thông thường các em sẽ "cảm" được mình hợp với ngành nào (hay nhóm ngành nào hơn).
Đây là bước đầu. Nhưng "cảm" không chưa đủ, các em phải dùng thêm "lý trí" để chắc chắn rằng quyết định của mình khoa học và dựa trên sự tìm hiểu, nghiên cứu nhé.
Hãy làm như sau.
Vào phần chương trình đào tạo: http://www.thongtintuyensinh.vn/Chuong-trinh-dao-tao_C43.htm
Ở đây, nếu các em tự tin thi vào đại học, các em xem các ngành đào tạo của đại học
Kéo chuột xuống, đọc thật kỹ danh sách, rồi chọn ra 3 tên ngành mình thích. Sau đó đọc kỹ chi tiết về các ngành, các môn học trong các ngành ấy đối chiếu với bản thân, tự hỏi xem "mình có thích học ngành này không - đủ thích để học trong 3-4 năm tới mỗi ngày hay không?", rồi hỏi "mình có khả năng để học tốt ngành này không". Sau đó chọn ra 1 hoặc 2 ngành.
Với những em muốn thi vào cao đẳng, các em xem các ngành đào tạo của cao đẳng
Kéo chuột xuống, đọc thật kỹ danh sách, rồi chọn ra 3 tên ngành mình thích. Sau đó đọc kỹ chi tiết về các ngành, các môn học trong các ngành ấy đối chiếu với bản thân, tự hỏi xem "mình có thích học ngành này không - đủ thích để học trong 2-3 năm tới mỗi ngày hay không?", rồi hỏi "mình có khả năng để học tốt ngành này không". Sau đó chọn ra 1 hoặc 2 ngành.
Cho các em cảm thấy mình không phù hợp với đào tạo bậc đại học hay cao đẳng vì không thích học lý thuyết, thích học những gì có thể thực hành liền, thấy kết quả liền, các em nên suy nghĩ cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề hay chương trình nghề ở ngoài.
Các em vào các link tương ứng nhé. Tương tự như trên, các em đọc thật kỹ danh sách, rồi chọn ra 3 tên ngành mình thích. Sau đó đọc kỹ chi tiết về các ngành, các môn học trong các ngành ấy đối chiếu với bản thân, tự hỏi xem "mình có thích học ngành này không - đủ thích để học 1, 2 hoặc 3 năm tới mỗi ngày hay không?", rồi hỏi "mình có khả năng để học tốt ngành này không". Sau đó chọn ra 1 ngành.
b. Trường đào tạo:
Khi đã chọn được 1 hay 2 ngành vừa ý, các em bắt đầu chọn trường. Phần này thì đòi hỏi các em phải biết:
- thích học gần hay xa nhà
- tình trạng kinh tế cho phép học ở đâu
- học lực cho phép thi vào đâu. Nên nhớ rằng các em không đủ sức thi vào đại học vẫn có thể học ngành tương tự ở cao đẳng hay trường nghề.
Chọn trường thì vào các links:
Nhớ xem thật kỹ thông tin từng trường các em nhé; quan trọng là chất lượng giảng dạy ở đấy cho ngành em thích.
Lưu ý, các em đừng nên chọn một nơi vì đó là "đại học" nhé. Có rất nhiều trường cao đẳng hay trung cấp đào tạo chất lượng rất tốt.
Có các trường nghề bên ngoài đào tạo nhân viên ra trường được đánh giá cao (Saigon Tourist). Tương tự vậy, không phải trường đại học nào cũng tốt hơn trường cao đẳng. Cũng không phải trường tốt thì ngành đào tạo nào cũng chất lượng.
Có trường chỉ nổi bật 1 hay 2 ngành thôi. Để biết được chất lượng, các em chịu khó vào google để tìm diễn đàn trường ấy, đọc xem sinh viên đang học nói gì về trường.
Những diễn đàn confession thường các sinh viên rất thật thà trong việc nêu ra ý kiến tiêu cực của mình vì nặc danh, nên phải cẩn thận là không tin hết các em nhé. Đọc để tham khảo thôi vì mạng xã hội thì không đúng 100% đâu.
Các em đọc các bài báo về trường, hay xem phim về trường, nếu được tự đến thăm trường luôn. Hãy thật cẩn thận khi tìm hiểu trường, cứ như tìm hiểu bạn bè vậy đó. Bề ngoài hay tên tuổi không nói lên nhiều đâu các em; thực lực đôi khi nằm rất sâu bên trong và cần các em đi thực tế mới hiểu rõ.
Bước 3: Tìm hiểu thị trường lao động (việc làm)
Thị trường tuyển dụng tại Việt Nam cần người lao động ở các trình độ khác nhau, lĩnh vực khác nhau, tay nghề khác nhau. Các em vào thăm trang dự báo nhân lực http://dubaonhanluchcmc.gov.vn/ để tăng kiến thức cơ bản về thị trường tuyển dụng trong nước.
Đọc kỹ các em sẽ thấy nhiều công ty cần tay nghề giỏi, không cần phải là bằng đại học hay cao đẳng, nhưng cần kỹ năng chuyên môn giỏi, tay nghề giỏi, nếu có ngoại ngữ thì dễ thăng tiến.
Do đó, hãy tự hỏi bản thân, "mình muốn học đại học vì không biết phải làm gì, hay vì mình có mục tiêu?" Không cần biết em học ở đâu, miễn em có mục tiêu thì em sẽ thành công. Và không cần biết em học ra ngành gì, nếu em có được những kỹ năng thiết yếu mà các công ty cần, em sẽ tìm được việc làm tốt.
Để có được việc làm sau khi tốt nghiệp một chương trình đào tạo, các em phải rất năng động trong lúc học. Không chỉ học từ thầy cô trong lớp, mà còn học từ bạn bè và xã hội ngoài lớp học nữa.
Phải tham gia công tác đoàn thể, từ thiện, thể thao, câu lạc bộ. Ít chơi game và dùng facebook lại, mà ra ngoài giao lưu và tham gia hoạt động xã hội nhé. Đó là cách tốt nhất để chuẩn bị cho khả năng được tuyển dụng sau này các em nhé.
Để tìm hiểu thêm xem bản thân mình có thực sự thích ngành nào không, cách tốt nhất là gặp người đang học hay làm nghề ấy để tìm hiểu.
Cách thứ hai là qua tìm hiểu thông tin. Ví dụ, nếu thích ngành kinh tế tài chính thì đọc báo http://nhipcaudautu.vn/; nếu đọc mà thấy buồn ngủ thì phải xem lại là mình thích ngành này thật không hay do ai ảnh hưởng.
Nếu thích ngành xã hội và thiết kế mà sợ không kiếm ra tiền thì vào trang www.vietnamworks.com hay https://adecco.com.vn/en/knowledge-center/detail/adecco-vietnam-salary-guide-2017 để tìm hiểu xem các ngành xã hội và thiết kế ra trường sẽ làm việc ở lĩnh vực nào. Các em sẽ rất ngạc nhiên khi thấy các ngành này không nghèo đâu nhé.
Nói chung, các em đừng chạy theo học các ngành "hot" mà nên học ngành nào phù hợp với sở thích và khả năng tự nhiên của bản thân, phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Nhu cầu tuyển dụng có thể thay đổi, nghĩa rằng ngành ‘hot’ có thể thay đổi sau 1, 2 năm, nhưng khả năng và sở thích tự nhiên của ta, nếu ta biết rõ thì sẽ vững vàng.
Lúc ấy, dù nhu cầu của thị trường tuyển dụng có đổi, mình vẫn có thể uyển chuyển để đáp ứng với nhu cầu mới sau này - với điều kiện ta phải giỏi chuyên môn một ngành nào đó, và ta phải có những kỹ năng thiết yếu (hay được nhắc đến dưới một tên khác là kỹ năng mềm). Khi ta học một ngành vì người khác muốn ta học, vì ngành đó nổi tiếng, hay vì lý do khác, rất khó để ta học giỏi được trong ngành ấy.
Hướng nghiệp mất thật nhiều thời gian và sự chuẩn bị. Nếu các em đang ở hai tỉnh Quảng Nam và Nghệ An, thì các thầy cô ở sở, phòng, và trường phần lớn đã được tập huấn về hướng nghiệp. Các em hỏi thêm thầy cô nhé. Nếu các em ở nơi khác, thì đọc từng bước và làm theo, sau đó bàn với thầy cô chủ nhiệm, thầ cô lo hướng nghiệp trong trường, các anh chị đi trước.
Chúc các em vui và bình an.
Theo Facebook:Phoenix Ho

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.