Chọn ngành, chọn nghề cần sự bản lĩnh và đam mê của bản thân
“Em ước mơ sau này trở thành bác sĩ?”, “Em muốn làm cô giáo”, “Em thích làm công an”… là những câu nói cửa miệng của rất nhiều thế hệ học sinh khi được hỏi lớn lên em thích học gì, làm nghề gì. Tuy nhiên, khi cổng trường Đại học mở ra thì nhiều em tỏ ra hoang mang không biết mình sẽ chọn nghề gì, học trường nào trước vô vàn lựa chọn.
Theo khảo sát thực tế của nhiều chuyên gia cho thấy, có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan tác động đến quyết định chọn ngành của học sinh. Có thể xuất phát từ đam mê, sở trường; Xuất phát từ nguyện vọng, truyền thống gia đình; Theo xu hướng xã hội hiện tại hoặc theo số đông bạn bè cùng trang lứa.
Trường hợp của em Nguyễn Ngọc Lan (lớp 12, trường THPT tại TPHCM) là một ví dụ điển hình, Lan chia sẻ: Lúc nhỏ em thích làm giáo viên. Bây giờ em lại thích làm hướng dẫn viên du lịch. Còn cha mẹ lại muốn em làm kế toán để ra trường dễ kiếm việc làm. Em nghĩ chọn học ngành gì là do mình quyết định, những yếu tố khác mình chỉ nên tham khảo chứ không nên bị tác động.
Ngoài những trường hợp phân vân và bị chi phối từ gia đình trong việc chọn ngành, chọn nghề, một số em không thể xác định được đam mê của mình, không có hứng thú trước tư vấn của gia đình, bạn bè sẽ tự thực hiện các bài kiểm tra đánh gia năng lực (trắc nghiệm tính cách MBTI, tìm hiểu sở trường…) hoặc nhờ các phương pháp xác định khả năng bản thân (sinh trắc học dấu vân tay, đánh giá năng lực trí tuệ hai bán cầu não…) để ra quyết định chọn nghề sao cho phù hợp.
Chọn lựa được môi trường học tập tốt mới là điều quan trọng. Sinh viên Trường ĐH Văn Hiến hạnh phúc với lựa chọn của mình |
Nhìn nhận thực tế này, ThS (NCS) Nguyễn Duy Cường – Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Văn Hiến (TPHCM) cho biết: “Qua nhiều năm làm công tác tư vấn tuyển sinh, tôi nhận thấy những thí sinh chọn ngành theo đam mê, sở thích của bản thân sẽ có kết quả học tập tốt hơn, có hứng thú với việc học hơn và ra trường sẽ thành công hơn so với những em chọn ngành học theo số đông hoặc định hướng của gia đình”.
Học sinh chọn môi trường chất lượng chứ không còn phân biệt công- tư
Vài năm trở lại đây, xu hướng chọn ngành, chọn nghề của học sinh đã có sự thay đổi rất lớn. Một số ngành học từng là ngành “hot” được phụ huynh và học sinh quan tâm vì tính chất ổn định (ngành sư phạm, ngân hàng…) đã giảm nhiệt.
Thay vào đó, thế hệ học sinh mới hướng đến việc chọn lựa các ngành học mang tính chất năng động, hội nhập trong thời đại toàn cầu hóa như: Ngành Du lịch, văn hóa nước ngoài, quan hệ công chúng, Quản trị nhân sự, quản trị nhà hàng khách sạn ….
Chọn được ngành học phù hợp, học sinh đã đi được nửa chặng đường. Vấn đề còn lại là chọn trường có môi trường năng động, điều kiện tài chính phù hợp, khoảng cách địa lý thuận tiện. Chính vì thế, nên học trường công hay trường tư thục trở thành mối quan tâm hàng đầu của rất nhiều phụ huynh và học sinh.
Trần Văn (trường THPT tại TPHCM thừa nhận; cá nhân em thấy trường công hay trường tư thục không quan trọng. Quan trọng là em biết mình muốn gì. "Khi vào học, thầy cô ở môi trường nào cũng sẽ sẵn sàng tạo điều kiện và giúp đỡ sinh viên mình hết lòng thôi! Quan điểm của em là vậy!”-Văn nói.
Có thể thấy, quá trình xã hội hóa giáo dục đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở các trường Cao đẳng, Đại học trong cả nước. Học sinh không chỉ ưu tiên chọn trường công lập mà còn dành sự quan tâm đặc biệt đến hệ thống các trường ngoài công lập uy tín, chất lượng, cơ sở vật chất đầy đủ, tiện nghi.
“Học sinh hiện nay đã có những góc nhìn rất mới về việc chọn ngành. Nhiều em không đặt nặng việc học trường công hay trường tư thục theo cách nói thông thường nữa mà hướng đến môi trường năng động, chất lượng đào tạo đạt chuẩn và học phí ngôi trường đó phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình các em không.
Bản thân các trường cũng phải thay đổi để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của xã hội và thí sinh” – ThS (NCS) Nguyễn Duy Cường – Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Văn Hiến (TPHCM) thông tin.
Thực tế, tỉ lệ các trường Đại học công lập dần chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính đang khá nhiều, điều này dẫn đến mức học phí các trường tăng mạnh, thậm chí hơn học phí các trường ngoài công lập. Đây cũng là lý do khiến học sinh cân nhắc hơn khi chọn trường.
Mặt khác, với xu hướng lấy chất lượng đào tạo làm mục tiêu cạnh tranh và khẳng định với xã hội, nhiều trường ĐH ngoài công lập đã không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ đến chương trình đào tạo...điều đó tạo nên không ít trường tạo dựng được danh tiếng với khối ngành thế mạnh của riêng mình như: ĐH Văn Hiến.
Thầy và trò Trường ĐH Văn Hiến trong ngày vui tốt nghiệp |
Những điểm mới của mùa tuyển sinh năm 2018
Song song với quá trình chọn ngành, chọn trường của học sinh, mới đây, Bộ GD&ĐT cũng đã công bố những điểm quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học năm 2018.
Thông tư 07/2018/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung tên và một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy nêu rõ những điểm mới nổi bật của kỳ thi này như sau:
Thứ nhất, khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực giảm từ 0,5 xuống còn 0,25 điểm.
Thứ hai, thay đổi cách làm tròn điểm xét tuyển từ 0,25 điểm sang cách làm tròn điểm đến hai chữ số thập phân.
Thứ ba, Bộ GD&ĐT tạo quy định nội dung đề án tuyển sinh Đại học, Cao đẳng các trường phải cung cấp đầy đủ tỉ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 năm gần nhất so với năm tuyển sinh theo khối ngành. Trường nào không công bố thông tin sẽ không được phép thông báo tuyển sinh.
Thứ tư, trước ngày 01 của các tháng 3, tháng 5, tháng 7, tháng 8, tháng 9, tháng 11, các trường phải cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và danh sách thí sinh nhập học lên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT .