Cá nhà táng chết hàng loạt ở Biển Bắc

Vừa qua, 13 con cá nhà táng mắc cạn, dạt vào bờ ở bang Schleswig-Holstein, Đức. Kể từ đầu năm đến nay, hơn 30 con cá nhà táng đã mắc cạn, trôi dạt vào các vùng biển ở Anh, Hà Lan, Pháp, Đan Mạch và Đức.

Cá nhà táng chết hàng loạt ở Biển Bắc
Cá nhà táng chết hàng loạt ở Biển Bắc ảnh 1

Cá nhà táng chết ở Đức.

Ngư cụ và nắp động cơ là những thứ bất ngờ được tìm thấy bên trong bụng của những con cá nhà táng bị mắc cạn ở khu vực bờ Biển Bắc thuộc Đức. Sau khi mổ bụng những con cá trên, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng 4 trong số những con động vật biển khổng lồ này có số lượng lớn chất thải nhựa trong dạ dày. Theo thông cáo báo chí được Vườn quốc gia Wadden Sea ở Schleswig-Holstein công bố, rác trong bụng chúng có một lưới câu tôm dài 13m, một vỏ bọc động cơ xe hơi bằng nhựa, và một phần của một chiếc xô nhựa.
Tuy nhiên, theo ông Ursula Siebert, người đứng đầu Viện nghiên cứu động vật hoang dã trên cạn và thủy sản tại Đại học Thú y Hannover, điều hành nhóm nghiên cứu cá nhà táng, “rác biển không trực tiếp khiến cá mắc cạn”. Thay vào đó, các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng nguyên nhân cá chết là do vô tình rơi vào vùng biển nông.

Cá nhà táng đực thường di chuyển từ khu vực sinh sản nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới tới vùng biển lạnh hơn ở các vĩ độ cao hơn. Loài này là một trong những loài động vật lặn sâu nhất trong gia đình động vật biển có vú, được biết chúng có thể bơi sâu tới 1.000 m để tìm mực, món ăn yêu thích của chúng.

Những con cá mắc cạn đều là cá đực từ 10-15 năm tuổi, và kết quả khám nghiệm phát hiện chúng chết vì suy tim. Nhóm nghiên cứu tin rằng nhóm cá này đã bơi nhầm vào Biển Bắc, vùng biển nông hơn giữa Anh và Na Uy. “Người ta cho rằng những con cá nhà táng đã bị lạc và rơi vào vùng Biển Bắc (có thể để tìm mực ống), nơi đáy biển không đủ sâu, khiến chúng mất phương hướng và chết”, Danny Groves, phát ngôn viên tổ chức phi lợi nhuận Bảo tồn cá voi và cá heo (WDC), cho biết.

Bí ẩn của đại dương

Theo WDC, cá voi và cá heo có thể bị mắc cạn vì nhiều lý do, như ô nhiễm tiếng ồn quá mức từ các tàu thuyền, hoạt động khảo sát hay thậm chí là những thay đổi trong từ trường của Trái Đất. Ngoài ra, những con cá hoa tiêu bị mắc cạn tại bờ biển Scotland 3 năm trước được phát hiện có mức độ nhiễm độc đại dương cao. Các nhà khoa học cho rằng chất độc gây ra căng thẳng ở não khiến chúng bị mất phương hướng.

Trong trường hợp này, những thay đổi gần đây trong thời tiết ở địa phương cũng có thể là nguyên nhân: "Tại thời điểm này chúng tôi tin rằng rất có thể câu trả lời là điều kiện đặc biệt ở Bắc Đại Tây Dương tác động tới vùng nước ấm, phân bố mồi và bão", Siebert nói.

Siebert cho biết thêm rằng nếu những con cá nhà táng sống sót, rác trong ruột chúng có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa. Khi chết, chúng trong hình dạng khá nguyên vẹn, và ngoài rác thải, các nhà khoa học tìm thấy hàng nghìn mũi mực sắc nhọn trong dạ dày cá nhà táng.

Nhưng khi cá voi và cá heo ăn quá nhiều rác biển, do vô tình hoặc nhầm lẫn rác là con mồi, hệ thống tiêu hóa của cá có thể bị tổn thương nghiêm trọng. Rác thải có thể làm con vật cảm thấy đầy bụng, giảm thèm muốn ăn, dẫn tới suy dinh dưỡng và cuối cùng là cái chết.

Mặc dù rác thải có thể không hẳn là nguyên nhân gây chết cá, Hal Whitehead, một nhà nghiên cứu cá voi ở Đại học Dalhousie ở Nova Scotia, Canada nói: "Những mảnh vụn nhựa trong dạ dày của cá là lời cáo buộc đối với tội ác kinh khủng của con người".

Trong suốt thế kỷ 19 và 20, cá voi đã không ngừng bị săn lùng để lấy dầu và mỡ. Tình trạng này đã giảm dần vào những năm 1980. Đánh bắt cá voi cho mục đích thương mại một cách rộng rãi kết thúc đã giúp gia tăng số lượng loài này trên toàn cầu, nhưng rõ ràng những con cá voi vẫn còn phải đối mặt với mối đe dọa từ các vụ va chạm tàu, lưới đánh cá, và ô nhiễm đại dương.
Theo baotintuc.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...