Ca mang thai tai tiếng của một nữ hoàng Anh

Ngày 30/4/1555, người dân London đổ xuống đường ăn mừng Nữ hoàng Mary I đã hạ sinh hoàng tử, trên thực tế không hề có đứa bé nào chào đời.


Chân dung Nữ hoàng Mary I. Ảnh:Wikipedia.
Chân dung Nữ hoàng Mary I. Ảnh:Wikipedia.

Một mục sư khẳng định hoàng tử nhỏ là bé trai xinh đẹp chưa từng thấy. Thư chúc phúc từ khắp châu Âu được gửi tới gia đình hoàng gia.

Thế nhưng, Nữ hoàng Mary chưa từng sinh con. Ca mang thai của bà đã kết thúc trong bê bối và trở thành nỗi xấu hổ cho gia tộc Tudor.

Theo Levine Carole trong cuốn sách "Thai kỳ ma của Mary I", tin đồn Nữ hoàng mang bầu xuất hiện ít lâu sau đám cưới giữa bà và vua Tây Ban Nha Phillip II tháng 9/1554. Mary khi đó 37 tuổi đã dừng kinh nguyệt.

Những tháng tiếp theo, bụng bà lớn lên và các bác sĩ phát hiện bà ốm nghén vào buổi sáng. Ngay lập tức, Nữ hoàng chắc chắn mình có thai.

Bà hạ lệnh cho hầu cận chuẩn bị đón người thừa kế, thậm chí viết sẵn những lá thư thông báo chỉ chờ điền nốt ngày sinh cùng giới tính đứa trẻ.

Tháng ngày dần trôi qua. Đã quá thời điểm lâm bồn dự tính mà Nữ hoàng vẫn chưa sinh. Tháng 6/1555, Mary I tuyên bố Đức Chúa Trời không cho phép con bà chào đời chừng nào tất cả những kẻ dị giáo chưa bị trừng phạt nên thẳng tay tàn sát người vô tội.

Trước tình hình đó, giáo hội dấy lên hoài nghi về thể trạng Nữ hoàng. Giovanni Michieli, sứ giả Veneto (Italy) còn dự báo bào thai Mary đang mang sẽ "bay đi theo gió".

Tháng 8/1555, mọi chuyện đã rõ ràng. Mary không hề có con. Bụng bà phẳng lại như cũ và cơ thể chẳng còn dấu vết nào của thai kỳ. Các đối thủ chính trị ăn mừng, khẳng định đây là sự trừng phạt Thiên chúa giáng xuống người phụ nữ với biệt danh "Mary khát máu". 

Hàng loạt lời phỏng đoán được đưa ra. Người nói Nữ hoàng đổ bệnh, người tin bà sảy thai. Tuy nhiên, giả thuyết được tán đồng nhất là Mary đã bị pseudocyesis hay hội chứng mang thai giả. 

Pseudocyesis được ghi nhận lần đầu chính vào thời Tudor. Bác sĩ William Harvey nổi tiếng với phát hiện về lưu thông máu quanh tim đã gặp gỡ vài trường hợp mang thai giả vào thế kỷ XVI. Ông cho rằng hầu hết các ca này do "đầy hơi và mỡ bụng".

Một số thầy thuốc khác như Guillaume Mauqeust de la Motte lại nghĩ pseudocyesis xuất phát từ huyễn hoặc bản thân của phụ nữ lớn tuổi, "tin rằng mình có thai thay vì đối diện với sự thật bản thân đang già đi".

Khác với phụ nữ ngày nay, Mary I sống trong thời đại thiếu thốn các phương pháp kiểm tra thai kỳ chính xác. Thêm vào đó, suốt thời niên thiếu, kinh nguyệt của bà không đều và gây đau đớn.

Hormone dao động bất thường nhiều khả năng là nguyên nhân khiến Nữ hoàng ngừng kinh vào năm 1554, dẫn đến lầm tưởng suốt 9 tháng về sự chào đời của một thành viên hoàng tộc. 

Biết vợ không sinh con, chồng của Mary rời khỏi Anh lên đường chinh chiến. 2 năm sau, ông trở về cùng với tình nhân. Đúng lúc này, Mary một lần nữa mang thai giả.

Nhiều học giả suy luận Nữ hoàng đã tuyệt vọng về cuộc hôn nhân cũng như thiên chức làm mẹ của mình. Một số ý kiến nghiêng về khả năng Mary mang một khối u trong tử cung.

Năm 1558, Nữ hoàng Mary I qua đời. Thời gian tại vị của bà chỉ vỏn vẹn 4 năm. Những người mai táng bà không tìm thấy dấu hiệu của khối u hay bất cứ nguyên nhân sinh học nào cho hai lần mang thai "ma". Dù thế nào, cuộc đời của Nữ hoàng cũng đã kết thúc trong đau khổ. 

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.