Trong nhiều năm, Bắc Kinh đã hy vọng rằng Comac C919 - máy bay chở khách đầu tiên do Trung Quốc sản xuất trong nước sẽ thách thức sự thống trị của Boeing và Airbus trên thị trường hàng không.
Chiếc phi cơ này sẽ tìm cách chứng minh khả năng tự cung tự cấp về công nghệ của Trung Quốc và cho thấy những thành tựu của một tổ hợp chế tạo máy bay do nhà nước sở hữu.
Tuy nhiên khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, các nhà phân tích đã cảnh báo rằng việc C919 phụ thuộc quá nhiều vào các nhà cung cấp từ Hoa Kỳ khi họ nắm giữ những linh kiện quan trọng.
Theo nhận xét, điều này có thể gây nguy hiểm cho kế hoạch tăng cường sản xuất và thậm chí gây tổn hại đến việc bảo dưỡng những máy bay chở khách hiện có, tờ Financial Times (FT) đưa tin.

Với 3 hãng hàng không quốc doanh lớn của Trung Quốc đang vận hành 17 chiếc C919 và Comac dự kiến sẽ chế tạo thêm ít nhất 30 máy bay thân hẹp nữa trong năm nay, căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh càng nhấn mạnh mức độ phụ thuộc của những công ty Trung Quốc vào đối tác Mỹ trong chuỗi cung ứng của họ.
Theo nhà phân tích Ron Epstein của Ngân hàng Bank of America, chiếc C919 thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 2023, có 48 nhà cung cấp lớn từ Hoa Kỳ, 26 từ châu Âu và chỉ 14 là có nguồn gốc địa phương.
Giới chuyên gia cho biết không có lựa chọn thay thế nào từ Trung Quốc cho hầu hết các bộ phận máy bay phản lực, nghĩa là Hoa Kỳ có thể khiến Comac phải ngừng sản xuất bất cứ khi nào họ muốn.
Ông Richard Aboulafia - giám đốc điều hành của công ty AeroDynamic Advisory rất tự tin vào điều này khi nhận xét các hãng hàng không nhà nước của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất nếu căng thẳng Mỹ - Trung làm suy yếu năng lực sản xuất của Comac.
Thuế quan và sự không chắc chắn xung quanh nguồn cung cấp linh kiện quan trọng của phương Tây cũng có thể khiến Comac phải xem xét lại những ưu tiên của mình đối với hoạt động bán C919 và những phi cơ được vận hành bên ngoài Trung Quốc.