Vào ngày 27 tháng 4 năm 2025, căng thẳng giữa Pakistan và Ấn Độ đã lên đến đỉnh điểm mới sau khi Quân đội Pakistan được cho là đã triển khai pháo tự hành M110 203 mm đến biên giới ở khu vực tranh chấp Kashmir.
Một video được đăng trên mạng xã hội và nền tảng X cho thấy đoàn tàu chở lựu pháo di chuyển qua lãnh thổ Pakistan, gây ra cuộc tranh luận gay gắt và quan ngại trong cộng đồng quốc tế.
Động thái này diễn ra sau khi lực lượng Pakistan phá hủy hai tiền đồn của Ấn Độ ở Thung lũng Leepa nối tiếp vụ tấn công khủng bố Pahalgam khiến 26 người thiệt mạng.
Theo kênh Telegram Military Observer và các bài đăng trên trang X, lựu pháo M110 có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 16,8 km (hoặc 29 km với đạn tăng tầm), đã được phát hiện trên các sân ga xe lửa, có lẽ đang hướng đến Kashmir.
Một nguồn tin của Focus.ua cho biết Pakistan có thể đã quyết định tăng cường sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực sau khi Ấn Độ đình chỉ Hiệp ước về nguồn nước Indus và đóng cửa biên giới tại Attari-Wagah để đáp trả vụ tấn công ở Pahalgam, nơi mà Delhi cho là có liên quan đến nhóm Lashkar-e-Taiba của Pakistan.
Về phần mình, Pakistan phủ nhận cáo buộc và gọi vụ tấn công khủng bố là hành động khiêu khích của Ấn Độ.
Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khawaja Asif nói với RIA Novosti rằng Islamabad không có kế hoạch khởi xướng hành động quân sự, nhưng sẵn sàng cho một phản ứng "tương xứng hơn" trong trường hợp bị Ấn Độ tấn công.
Ông Asif nhấn mạnh rằng việc triển khai lựu pháo là biện pháp phòng ngừa cần thiết do Ấn Độ cần tăng cường quân đội dọc theo Đường kiểm soát (LoC). Reuters sau đó cho hay Ấn Độ đã điều thêm lực lượng tới Kashmir, bao gồm máy bay không người lái và xe bọc thép, đồng thời triển khai tiêm kích để trinh sát.

Kashmir vẫn là tâm điểm của cuộc xung đột Ấn Độ - Pakistan kể từ năm 1947, khi khu vực này bị phân chia sau khi giành độc lập khỏi Ấn Độ thuộc Anh. Cuộc chiến đầu tiên năm 1947 - 1949 đã củng cố sự phân chia Kashmir, với 60% lãnh thổ nằm dưới sự kiểm soát của Ấn Độ và 40% thuộc về Pakistan.
Các cuộc chiến tranh tiếp theo vào năm 1965 và 1971, cũng như trận chiến Kargil năm 1999, đã không giải quyết được tranh chấp lãnh thổ, và tình trạng hạt nhân của cả hai nước kể từ cuối thế kỷ 20 đã khiến tình hình trở nên đặc biệt nguy hiểm.
Theo tờ The Guardian, sự leo thang gần đây, bao gồm cả việc Ấn Độ chặn sông Indus, được Pakistan coi là hành động xâm lược kinh tế có thể gây ra một cuộc xung đột toàn diện.
Được phát triển tại Hoa Kỳ vào những năm 1960, M110 là hệ thống pháo binh lỗi thời nhưng mạnh mẽ, có khả năng bắn đạn nổ mạnh và đạn hóa học.
Theo Jane's Defence, Pakistan đã nhận được những khẩu pháo này vào thập niên 1970 như một phần viện trợ quân sự của Hoa Kỳ và đã nâng cấp chúng để cải thiện khả năng cơ động.
Việc triển khai vũ khí, như Al Jazeera ghi nhận, báo hiệu sự sẵn sàng của Pakistan cho các cuộc đấu pháo nếu căng thẳng leo thang, đặc biệt là ở vùng núi Kashmir, nơi pháo tầm xa đóng vai trò chủ chốt.