Bứt phá ngoạn mục của học sinh dân tộc

GD&TĐ - Tại cuộc thi “Sáng tạo thanh niên, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc” lần thứ 15, sản phẩm “Cộng đồng các dân tộc Si Ma Cai” của nhóm học sinh (HS) Trường PTDTBT TH số 1 xã Sín Chéng huyện Si Ma Cai (Lào Cai) đã giành giải Nhất. Đây không chỉ là thành tích giáo dục đáng tự hào của tỉnh Lào Cai mà còn mang tới thông điệp, nếu giáo dục được quan tâm, đầu tư đúng, HS vùng khó hoàn toàn có thể bứt phá và mang về thành công lớn hơn nữa.

Miệt mài cùng sáng tạo
Miệt mài cùng sáng tạo

Ý tưởng độc đáo

Cộng đồng các dân tộc Si Ma Cai” - mô tả lại cuộc sống sinh hoạt bình dị với nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc (Mông, Nùng, Thu Lao, Kinh) sống trên địa bàn huyện Si Ma Cai, như: Xay ngô, giã gạo, giã bánh dày, bừa ruộng, quay sợi, dệt vải, múa khèn ô, ném còn, cưỡi ngựa, đu quay, thổi sáo.

Đặc biệt, mô hình mô phỏng ngôi nhà của dân tộc Mông với trình tường bằng đất, cột bằng gỗ, mái nhà bằng vỏ cây thông. Nguyên vật liệu được tận dụng từ đồ chơi hỏng, các sản phẩm tái chế nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường.

Nhóm HS và GV hướng dẫn còn thiết kế để các nhân vật chuyển động nhờ hệ thống trục quay, ứng dụng của trục lệch tâm. Mặt khác, cũng có thể quay trục bằng tay hoặc cung cấp nguồn điện, mô hình sẽ chạy. Các nhân vật chuyển động nhịp nhàng, âm thanh réo rắt phát ra bởi trục quay gắn với hộp nhạc.

Cô Hoàng Thị Thủy - người trực tiếp hướng dẫn nhóm HS thực hiện, cho biết: Tại cuộc thi “Sáng tạo Thanh niên, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc” lần thứ 15, sản phẩm được đánh giá cao bởi cấu tạo và thông số kỹ thuật được thể hiện khoa học, chính xác qua đôi bàn tay khéo léo của HS.

Cùng đó, bề mặt các tiểu cảnh và nhân vật của sản phẩm được nêu bật lên với những ngôi nhà trình tường bằng đất, khung gỗ, mái bằng vỏ thông (ngôi nhà của đồng bào dân tộc Mông)... Hoạt động cúng rừng cũng được mô tả chi tiết với những mô hình núi, rừng cây, thầy cúng…

Hệ thống trục quay mô hình gồm 5 trục nằm ngang giáp nhau bởi dây đai và xích. Hệ thống trục quay ứng dụng của trục lệch tâm, mỗi khuỷu của trục lệch tâm được gắn với nhân vật bằng một sợi dây thép mỏng để khi trục quay các nhân vật có thể chuyển động được các khớp.

Để các tiểu cảnh và nhân vật có thể di chuyển, nhóm HS và GV hướng dẫn đã dùng đến hệ thống điện bao gồm mô tơ, mạch loa bluetooth, hệ thống đèn LED, công tắc, bộ tùy chỉnh tốc độ…

Với những ý tưởng độc đáo, sáng tạo, tác phẩm “Cộng đồng các dân tộc Si Ma Cai” do các em HS DTTS sáng chế với sự hướng dẫn của GV hoàn toàn có thể sử dụng làm đồ dùng dạy học về bản sắc văn hóa, hoặc trang trí phòng truyền thống tại nhà trường.

Truyền “lửa” đam mê khoa học

Cô giáo Hoàng Thị Thủy - người trực tiếp hướng dẫn nhóm HS Thào Thị Hoài Thương, Nùng Vạn Học,Vàng Thu Hà, Tráng Xuân Thủy, chia sẻ: Đây là những HS luôn đam mê với sáng tạo, lắp ghép, nghiên cứu khoa học. Khi GV tuyên truyền, giới thiệu về cuộc thi, các em lập tức đưa ra nhiều ý tưởng và háo hức được tham gia. Từ góp ý của các em, GV chọn ra ý tưởng tốt nhất rồi điều chỉnh, hoàn thiện và biến ý tưởng thành sản phẩm.

Cũng theo cô Thủy, để có sản phẩm hoàn chỉnh tham dự các cuộc thi cấp tỉnh rồi quốc gia, GV và nhóm HS trải qua nhiều khó khăn. Bởi với lịch học 2 buổi/ngày, nhóm HS sáng chế chỉ có thể bắt tay thực hiện sản phẩm vào mỗi buổi tối và ngoài giờ lên lớp. Các em gần như không nghỉ tay hay giải trí trong suốt thời gian làm sản phẩm. Bản thân cô Thủy cần thêm kiến thức thông tin nào phải tự lên mạng tra cứu tìm hiểu.

Cô Bùi Thị Hường - Hiệu trưởng khẳng định: Sản phẩm “Cộng đồng các dân tộc Si Ma Cai” có thể ứng dụng vào hoạt động giảng dạy giúp giờ học một số môn học thêm sinh động như: Giáo dục văn hóa địa phương; âm nhạc, văn học, kể chuyện.

Mặt khác, từ thành tích giáo dục ấn tượng này cho thấy, HS DTTS sẽ không thua kém và thiếu trong hoạt động nghiên cứu khi các em được khơi dậy và “truyền lửa” đam mê với kiến thức.

Có khi sản phẩm làm ra mang thử nghiệm nhiều lần mà vẫn thất bại. Nhóm không nản chí, lại mày mò nâng cấp từng bước cho tới khi đạt kết quả mong muốn. Sản phẩm từ khi ra đời cho đến lúc tham dự các vòng thi cấp tỉnh và quốc gia đều có sự điều chỉnh, nâng cấp để ngày càng hoàn thiện.

Nói về khó khăn trong quá trình thực hiện, theo cô Thủy, đầu tiên là kinh phí. Để tiết kiệm, các em đã sử dụng, tái chế lại các vật liệu có sẵn, tận dụng cả mô tô của đồ chơi bỏ đi, tìm được cái nào, các em đều mang ra bàn bạc và thử nghiệm. Khó khăn tiếp theo đến từ chính phụ huynh HS, khi hầu hết bà con không hiểu, thiếu quan tâm, không coi trọng các vấn đề về học tập của trẻ.

Bởi vậy, sự ủng hộ về thời gian, vật chất, ý tưởng… cho hoạt động sáng tạo này gần như không có. Chỉ tới khi hoạt động sáng tạo khoa học kĩ thuật của nhóm đạt giải cao tại 2 cuộc thi cấp tỉnh và quốc gia, cha mẹ mới bắt đầu quan tâm để ý và tạo điều kiện nhất định cho em.

Sống trong môi trường, trường học đa văn hóa, thầy và trò Trường PTDTBT TH số 1 xã Sín Chéng huyện Si Ma Cai (Lào Cai) nhận thức được vai trò trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Vì vậy, nhóm sáng tạo đã khắc họa rõ những nét đẹp của cộng đồng các dân tộc trên quê hương, nơi mỗi dân tộc đều mang những bản sắc riêng, đồng thời có sự giao thoa văn hóa hài hòa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.