Buồn vui sinh viên giúp việc gia đình theo giờ

Khoảng 3 năm trở lại đây, giúp việc gia đình là một trong những việc làm thêm phổ biến của sinh viên.

Buồn vui sinh viên giúp việc gia đình theo giờ

Nở rộ dịch vụ giúp việc nhà theo giờ

Nếu trước đây, gia sư, bán hàng, phục vụ quán ăn là những việc làm thêm “truyền thống” của sinh viên thì nay, danh sách trên bổ sung thêm “giúp việc theo giờ”. Công việc này ngày càng thịnh hành, trở thành lựa chọn của nhiều sinh viên nữ.

Nghiêm Thị Loan - Sinh viên năm 4 khoa Kinh tế (ĐH Lâm nghiệp Hà Nội), người sáng lập Câu lạc bộ Sinh viên giúp việc theo giờ - cho biết dịch vụ này xuất hiện lẻ tẻ vào năm 2012 và đến nay phát triển mạnh mẽ thành một "trào lưu".

Đối với các gia đình, thuê người giúp việc theo giờ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, lại không ảnh hưởng đến sinh hoạt gia đình. Chị Đỗ Thu Thủy (Định Công Thượng, Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) có nhiều năm thuê người giúp việc đánh giá rất cao sinh viên giúp việc theo giờ.

“Sinh viên là những lao động trẻ, có tri thức nên tiếp thu nhanh các vấn đề. Phần lớn các trường ĐH bây giờ dạy theo hình thức tín chỉ, sinh viên không phải lên trường theo giờ giấc cũ nên thời gian làm việc của sinh viên rất linh hoạt”.

Chị Thủy cho biết thêm, một người giúp việc ở lại cùng gia đình kèm theo rất nhiều phát sinh: sự khác biệt trong ăn uống, sinh hoạt, ảnh hưởng sự riêng tư...Ngoài ra, chủ nhà còn phải lo việc bố trí, sắp xếp thêm chỗ ở.

Sinh viên nữ lựa chọn giúp việc theo giờ vì tính chất công việc nhẹ nhàng, môi trường làm việc an toàn và không bị bó buộc thời gian. Giúp việc theo giờ giúp Nguyễn Thùy Mai - Sinh viên khoa Lịch sử, ĐH KHXH&NV Hà Nội trang trải cuộc sống cá nhân.

Là chị cả, bố mẹ làm ăn xa, từ bé Mai quán xuyến mọi việc trong gia đình nên công việc làm thêm với Mai là nhẹ nhàng, đơn giản. “Mình được thuê làm việc nhà trong 3 tiếng nhưng chưa đầy 2 tiếng đã xong hết, còn được chủ nhà khen. Tiền công trả theo buổi, không tính theo giờ nên mình tranh thủ về sớm”.

Giúp việc nhà theo giờ phong phú hình thức, không đơn thuần là dọn dẹp, nấu nướng mà còn có thể là trông trẻ con, chăm sóc người già, đọc sách báo cho người già, dọn bể cá, lau cửa kính.…

Cũng có nhiều công việc mang tính thời vụ như dọn nhà dịp Tết, trông trẻ khi gia đình chủ có người ốm, dọn dẹp nhà mới, dọn đồ khi chuyển nhà…

Nguyễn Thuỳ Liên - Sinh viên Khoa Kế toán, ĐH Thương Mại thường chọn công việc thời vụ vì nhanh lấy được tiền công, không ràng buộc lâu với chủ nhà về thời gian.

Bi hài sinh viên giúp việc nhà theo giờ

Nghiêm Thị Loan vẫn nhớ lần đưa T.H - Sinh viên một trường kinh tế ở Hà Nội đi nhận việc ở Định Công. H đang đi học nhưng đã lập gia đình và có con nhỏ. Cuộc sống vợ chồng trẻ nhiều khó khăn nên H bảo lưu việc học để đi làm.

Đang đi giữa đường, mẹ chồng H gọi điện thông báo con nhỏ khóc quá dỗ mãi không nín. Ngay lập tức H quay về, chỉ kịp để lại cho Loan một lời xin lỗi. Loan thì chưng hửng giữa đường, điện thoại liên tục đổ chuông của chủ nhà gọi đến.

Trần Hải Yến - Sinh viên ĐH Công đoàn Hà Nội - được bao toàn bộ ăn ở. Công việc của Yến là chơi và ngủ cùng con gái nhà chủ vào buổi tối. 

"Anh chị ban ngày đi làm suốt, buổi tối muốn có khoảng thời gian riêng tư bên nhau nhưng cô nhóc 4 tuổi lại hay mè nheo, quấy rầy bố mẹ nên mình mới có công việc nhàn nhã như thế” - Yến nói.

Nguyễn Thị Hoa - Sinh viên ĐH Công nghiệp Hà Nội - từng giúp việc cho một gia đình giàu có ở đường Trần Khát Chân. Công việc thường ngày của Hoa là lau chùi cổ vật. Cô bạn nâng niu, bảo vệ từng món đồ vì giá trị của chúng rất lớn, ngang với số tiền bố mẹ dưới quê làm hàng chục năm.

Một hôm, chủ nhà thông báo một bức tượng nhỏ bị mất cắp. Vì thường xuyên tiếp xúc cổ vật nên Hoa nằm trong diện tình nghi. Định bỏ việc vì tự ái nhưng sau đó Hoa nghĩ điều đó chỉ khiến mối nghi ngờ gia tăng nên quyết định làm việc tiếp.

Thời gian ngắn sau, cơ quan an ninh điều tra ra thủ phạm. Người bạn của chủ nhà trong một lần đến chơi, nhân lúc mọi người ngà ngà say đã lẳng lặng cho bức tượng vào túi.

Kỷ niệm của Bùi Hoàng Hà -Sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân là làm giúp việc cho một gia đình được 4 ngày. Mục đích ban đầu của họ là tìm một người giúp việc lâu dài, ăn ở cùng nhưng trong lúc chưa tìm được họ thuê sinh viên giúp việc theo giờ thế chỗ.

Hà ấm ức chia sẻ: “Tiền môi giới mình nộp cho trung tâm 30 % giá trị tháng lương đầu tiên. Quá trình làm việc, mình chưa để xảy ra sai sót gì nên bị cắt hợp đồng đột ngột, mình thực sự sốc. 

Tiếc nhất là số tiền phí mình nộp cho môi giới, mình phải đi vay bạn bè. Quay lại trung tâm đòi tiền, họ bảo trường hợp của mình nằm ngoài khả năng kiểm soát của họ”, Hà chia sẻ.

Làm giúp việc theo giờ, Trần Ngân Linh - Sinh viên Cao đẳng Du lịch Hà Nội - thậm chí đã phải vào viện điều trị. Trong một lần đi mua rượu cho con trai chủ nhà, không may Linh làm vỡ chai rượu. Anh con trai sẵn có men say trong người, đã đánh Linh chảy máu mũi, phải vào viện cầm máu.

Theo Tấm gương/Tiền phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.