Buôn ma túy, chưa kịp đổi đời đã lãnh án chung thân

Lời thú tội của bị cáo khiến không khí phòng xử án như chùng xuống. Suốt phiên tòa xét xử, kẻ đứng trước vành móng ngựa run rẩy trong bộ quần áo xộc xệch, đôi mắt trũng sâu...

Nguyễn Công Cường tại phiên xét xử.
Nguyễn Công Cường tại phiên xét xử.

Sinh trưởng ở một huyện miền núi nghèo khó của tỉnh Nghệ An, Nguyễn Công Cường (SN 1973, trú huyện Anh Sơn) bấy lâu nay vẫn được biết đến là người đàn ông cần cù, chịu khó. Để thoát cái đói, cái nghèo đeo bám dai dẳng, Cường rời xa quê hương, sang nước bạn Lào làm ăn, sinh sống.

Suốt những năm tháng tha hương cầu thực nơi đất khách, Cường làm quen với một số đối tượng người Lào, trong đó có người tên là Xèng. Giữa tháng 8/2015, tên này rủ Cường vận chuyển ma túy về Việt Nam tiêu thụ.

Hòng qua mặt các lực lượng chức năng, Xèng đã chỉ cho đồng phạm cách dùng 2 bình ắc-quy để giấu ma túy. Nhiệm vụ của Cường là đưa số ma túy này giao cho một người tại địa bàn TX Kỳ Anh. Nếu phi vụ thực hiện trót lọt, Xèng sẽ trả cho Cường 40 triệu đồng tiền công.

Nhận thấy mối “ngon”, công việc nhẹ nhàng, lại được hưởng thù lao cao, chẳng cần suy nghĩ, Cường gật đầu đồng ý. Sau khi về Việt Nam, Cường thuê xe từ TP Vinh (Nghệ An) vào TX Kỳ Anh để giao hàng.

Ngày 22/8/2015, trong lúc đang chuẩn bị giao dịch buôn bán ma túy tại địa bàn TX Kỳ Trinh (TX Kỳ Anh), Nguyễn Công Cường đã bị lực lượng chức năng bắt giữ.

Qua khám xét, cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 3,7 kg ma túy đá, 1 khẩu súng bắn đạn cao su được đối tượng khéo léo giấu trong đôi tất.

Ngày 20/7/2016, Tòa án nhân dân tỉnh đưa bị cáo Nguyễn Công Cường ra xét xử sơ thẩm với tội danh “Buôn bán trái phép chất ma túy”. Khác với vẻ mặt lì lợm của những đối tượng từng dấn thân vào “nàng tiên nâu”, bị cáo lại toát lên vẻ thật thà, chân chất.

Không thanh minh, không bao biện, suốt phiên tòa, bị cáo liên tục cúi đầu xin lỗi. “Gia cảnh quá khó khăn, bản thân lại không hiểu biết pháp luật, bị cáo túng quẫn đành làm liều”, đôi mắt trũng sâu của Nguyễn Công Cường như chực khóc.

Lời thú tội muộn màng của bị cáo khiến chúng ta phải nhìn nhận một thực tế đau lòng. Hiện nay, hoạt động vận chuyển, buôn bán ma túy tại khu vực biên giới Việt - Lào, Việt – Trung đang diễn biến hết sức phức tạp.

Kèm theo đó, âm mưu và phương thức hoạt động của các đối tượng ngày càng liều lĩnh, tinh vi hơn. Để tìm đường vận chuyển ma túy về Việt Nam, bọn chúng lợi dụng sự kém hiểu biết về pháp luật, đời sống kinh tế còn khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số hay những người dân đang sinh sống tại vùng núi hiểm trở, vùng biên giới, chúng thường đưa ra mức thù lao hậu hĩnh để lôi kéo, dụ dỗ khiến những người dân vô tội trở thành tội phạm.

Đáng lo ngại hơn, số vụ phạm tội về ma túy do người dân tộc thiểu số, người dân miền núi nghèo, kém hiểu biết mua bán, vận chuyển với số lượng lớn ngày càng gia tăng. Nguy hiểm hơn, các đối tượng sẵn sàng sử dụng vũ khí “nóng” để tấn công, đối phó với lực lượng chức năng.

Không chỉ vậy, người dân vẫn còn e ngại, sợ bị liên lụy hoặc bị trả thù nên không tố giác các hành vi phạm tội. Công tác triển khai, phối hợp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật chưa hiệu quả là nguyên nhân khiến việc đưa luật pháp đến với người dân tại các địa bàn miền núi còn hạn chế. Địa hình rừng núi phức tạp, chia cắt, đường biên giới dài, trong khi trình độ dân trí thấp là một trong những kẽ hở để tội phạm ma túy lợi dụng hoạt động.

Nguyễn Công Cường là điển hình cho sự sa ngã xuất phát từ những lý do trên. Chỉ vì mù quáng, muốn có tiền trang trải cuộc sống, Cường đã trở thành tay sai cho tội phạm để rồi phải chịu sự trừng trị thích đáng của luật pháp.

Kết thúc phiên tòa sơ thẩm, Nguyễn Công Cường ngậm ngùi, cay đắng tra tay vào còng số 8 với bản án chung thân. Sợi dây vô hình đã trói buộc cuộc đời còn lại của Cường trong cảnh tù tội, siết chặt hơn nỗi đau đớn vô bờ của những người thân.

Đó chính là lời cảnh tỉnh cho mọi người, đặc biệt là những người dân vùng sâu, vùng xa đang manh nha ý định buôn bán trái phép hàng cấm để kiếm lợi.

Theo Hà Tĩnh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...