Bước tiến dài của giáo dục dân tộc Nghệ An

Bước tiến dài của giáo dục dân tộc Nghệ An

(GD&TĐ) - Tại thời điểm tháng 12 năm 2002, mạng lưới trường lớp đã phát triển tương đối đều khắp ở khu vực 10 huyện miền núi, vùng cao của Nghệ An, chỉ còn lại 8 xã ở hai huyện Kỳ Sơn và Tương Dương là chưa có trường mầm non. 

Song điều kiện để làm chất lượng đang gặp khá nhiều khó khăn. Đội ngũ giáo viên còn nhiều người chưa đạt chuẩn; Cơ sở vật chất còn quá thiếu thốn, phòng học cấp 4 và phòng học tạm còn nhiều, số phòng học kiên cố ít; Khối THPT mới chỉ có 3 phòng học tin học và chưa có phòng học ngoại ngữ nào. 

Ưu tiên cho giáo dục dân tộc  

Theo ông Nguyễn Phùng Đạt, Phó Trưởng ban Ban Giáo dục miền núi và dân tộc (Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An): Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và nhân dân các huyện miền núi, vùng cao; Nhất là từ sau khi có Quyết định số 3524/QĐ-UBND.VX ngày 12/9/2007 của UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Đề án Kiên cố hóa trường lớp học, xây dựng nhà ở cho giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông miền Tây Nghệ An giai đoạn 2007-2015, giáo dục vùng miền núi, dân tộc của Nghệ An đã có bước phát triển dài và khá vững chắc.

Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú được củng cố; Phần lớn phòng học được kiên cố hóa; trang thiết bị cơ bản đủ phục vụ yêu cầu các hoạt động giáo dục; Đội ngũ giáo viên không thiếu và trình độ đào tạo nhanh chóng được nâng lên.  

Sau 10 năm, mạng lưới trường lớp từ mầm non đến trung học phổ thông đã phát triển đủ, đều khắp và tương đối hợp lý ở khu vực miền núi, vùng cao của Nghệ An. Tỷ lệ học sinh dân tộc ít người tăng cao: Năm học 2012-2013, ở cấp THCS có 27.979/65.985 - 42,40%, THPT có 9.363/40.407 - 23,17% so với học sinh của cả khu vực.

Các trường MN, TH, THCS có  5.056/9.362 - 54,01% phòng học kiên cố; 138/254 – 54,33% thư viện trường TH và 58/194 – 29,90% thư viện trường THCS đạt chuẩn; 227 trường MN có 955, 254 trường TH có 1.958 và 194 trường THCS có 2.747 máy vi tính; Trong số 31 trường THPT đã có 96 phòng thực hành, 69 phòng học vi tính với tổng số 1.812 máy.

Trình độ đội ngũ giáo viên được nâng lên, hiện chỉ còn 03 giáo viên THCS chưa đạt chuẩn đào tạo; Số giáo viên trên chuẩn đào tạo của NT là 581/828 - 70,17%; MG là 2.061/2.632 - 78,31%; TH là 4.988/6.469 - 77,11%; THCS là 3.731/4.874 - 76,55%; trong số 2.130 giáo viên THPT đã có 262 thạc sĩ. Tính đến thời điểm 15/7/2013, trong tổng số 706 trường học thuộc khu vực miền núi, dân tộc đã có 285 - 40,37% trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. 

Hệ thống trường lớp được bố trí khoa học

Ông Sầm Hồng Lệ, Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quế Phong - một huyện vùng cao, biên giới cho biết: Mấy năm nay, mạng lưới trường lớp ở Quế Phong đã được sắp xếp lại một cách hợp lý, khoa học, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của huyện; đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất có sự tiến bộ vượt bậc. 

Bên cạnh đó, do có sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách đối với học sinh miền núi, dân tộc và sự nỗ lực của giáo viên - giáo viên nhiều huyện như Qùy Châu, Quế Phong,… đã tự nguyện góp tiền giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn ăn trưa tại trường, nên việc huy động học sinh vùng cao đến trường đạt hiệu quả cao, tình trạng học sinh miền núi, vùng cao bỏ học giảm rõ rệt.

Thực tế trong các cuộc thi, các sân chơi do Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức cho học sinh tiểu học, nhiều đội tuyển, nhiều cá nhân học sinh ở vùng miền núi, dân tộc đã vươn lên giành giải nhất, giải nhì.     

Bước tiến dài vững chắc

 Hiệu trưởng Trường THPT Quế Phong Lô Văn Ngọ cho biết: Chất lượng giáo dục của trường hiện đang là vấn đề khó, còn phải nỗ lực nhiều; Nhưng trong 4 năm nay cũng đã có tiến bộ: học sinh giỏi cấp tỉnh từ 4 em, lên 8 em, lên 12 em, rồi 13 em; Học sinh thi vào đại học, cao đẳng đạt điểm sàn từ 120 em, lên 150 em, rồi lên 287 em; 

Có thể nói, sau 10 năm, giáo dục vùng miền núi, dân tộc của Nghệ An đã có bước tiến khá dài và vững chắc, song không có nghĩa là không còn khó khăn.  Bên cạnh mạng lưới trường lớp phát triển đầy đủ, rộng khắp thì hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú chưa được củng cố hoàn chỉnh vì còn thiếu kinh phí.

Chất lượng giáo dục vùng miền núi, dân tộc tiến bộ vượt bậc nhưng nhìn chung vẫn còn có khoảng cách xa so với miền xuôi; Đội ngũ giáo viên dôi dư nhưng lại không đồng bộ, trên thực tế, vẫn còn một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của đổi mới giáo dục.

Đặc biệt là môi trường học tập, rèn luyện của học sinh còn bất cập; Điều kiện kinh tế của nhân dân còn nhiều khó khăn nên việc huy động nguồn lực để xây dựng giáo dục không được nhiều, trong khi đó kinh phí đầu tư của Nhà nước lại hạn hẹp.

Do vậy, để nâng cao chất lượng giáo dục vùng miền núi, dân tộc ở Nghệ An, về lâu dài, vẫn cần phải làm nhiều việc phải làm, trong đó là tổ chức hoạt động giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cũng như các chính sách cho giáo viên và học sinh...

Minh Đức

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ