Bước cần thiết để ngăn chặn đại dịch

GD&TĐ - Đại dịch Covid-19 đã chứng minh các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người có thể gây ra những mối đe dọa to lớn đối với sức khỏe toàn cầu.

Làm xáo trộn môi trường sống của dơi móng ngựa có thể tăng nguy cơ lây lan virus.
Làm xáo trộn môi trường sống của dơi móng ngựa có thể tăng nguy cơ lây lan virus.

Hơn 70% mầm bệnh mới nổi và tái phát đều có nguồn gốc từ động vật, trong đó có thể bao gồm virus SARS-CoV-2, loại virus mà các nhà khoa học tin rằng có nguồn gốc từ dơi.

Phương thức phối hợp “Một sức khỏe”

Vẫn còn nhiều câu hỏi về địa điểm cụ thể mà SARS-CoV-2 xuất hiện. Tuy nhiên, các chuyên gia trên thế giới nhất trí rằng cộng đồng có thể thực hiện các bước để giảm nguy cơ bệnh dịch lây lan trong tương lai.

Yếu tố quan trọng là để các bác sĩ thú y, bác sĩ và nhà khoa học làm việc cùng nhau, nhận ra mối liên hệ chặt chẽ giữa sức khỏe con người với động vật và môi trường sống theo một cách tiếp cận có tên Một sức khỏe (One Health).

Để ngăn chặn các đại dịch mới, các nhà khoa học cần xác định những địa điểm cụ thể mà virus có nhiều khả năng thực hiện chuyển đổi từ động vật sang người nhất. Đổi lại, điều này đòi hỏi phải hiểu các hành vi của con người, từ phá rừng, đốt nhiên liệu hóa thạch đến các hoạt động văn hóa… đều góp phần vào rủi ro lây lan bệnh dịch.

Các tác giả tập trung vào việc nghiên cứu, giáo dục phương thức “Một sức khỏe” toàn cầu và dịch tễ học liên quan tới các bệnh truyền nhiễm.

Họ cho biết, một phân tích gần đây ước tính chi phí đối phó với sự lây lan của dịch ở các khu vực có nguy cơ cao thông qua cách thức “Một sức khỏe” và bảo tồn rừng là 22 tỷ tới 31 tỷ USD mỗi năm. Con số này thấp hơn nhiều so với thiệt hại GDP toàn cầu ước tính gần 4 nghìn tỷ USD vào năm 2020 do đại dịch Covid-19 gây ra.

Theo các nhà khoa học, cần có sự đầu tư phối hợp dựa trên cách tiếp cận “Một sức khỏe” để khởi xướng và duy trì các chiến lược phòng chống toàn cầu và tránh những chi phí lớn từ việc đối phó với đại dịch.

Nhận biết các khu vực rủi ro

Các nhà khoa học gồm Giáo sư Doborah Kochevar ở Trường Thú y Cummings thuộc Đại học Tufts (Mỹ) và Giáo sư dịch tễ học Guilherme Werneck thuộc Đại học Liên bang Rio de Janeiro (Brazil) đã đưa ra quan điểm khoa học về việc cần làm để ngăn chặn đại dịch trong tương lai.

Việc xác định các khu vực có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao từ động vật sang người là một thách thức. Con người và động vật hoang dã di chuyển rất nhiều và việc tiếp xúc có thể không dẫn đến lây nhiễm ngay lập tức hoặc tạo ra các triệu chứng bệnh rõ ràng sau khi tiếp xúc với mầm bệnh.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu có thể đưa ra dự đoán bằng cách kết hợp dữ liệu về mật độ người và gia súc với dữ liệu về điều kiện môi trường như phá rừng, thay đổi việc sử dụng đất… có thể tạo điều kiện cho mầm bệnh lây lan từ động vật hoang dã sang người.

Ví dụ, có những khu vực ở Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ và Bangladesh là những nơi trong quá trình phát triển của xã hội, rừng bị chia cắt, việc chăn nuôi gia súc được mở rộng và có các cộng đồng người sống gần môi trường sống tự nhiên của dơi móng ngựa. Nhóm dơi này, gồm hơn 100 loài, được coi là ổ chứa virus Corona.

Không có gì lạ khi các bệnh từ dơi có thể lây sang người. Đôi khi nó xảy ra trực tiếp, ví dụ, loài dơi ở Bangladesh đã nhiều lần truyền virus Nipah sang người. Hoặc mầm bệnh có thể lây gián tiếp qua vật chủ trung gian. Ví dụ, năm 1994, những con dơi ở Australia đã nhiễm virus Hendra – một bệnh đường hô hấp - cho ngựa sau đó truyền sang người.

Ở Brazil, bệnh sốt vàng da đặc hữu trong các khu rừng đã lây lan chủ yếu qua muỗi sang các loài khỉ. Việc phá rừng và chuyển đổi đất canh tác đang làm tăng nguy cơ dịch lan rộng hơn. Người ta ngày càng lo ngại rằng, căn bệnh này có khả năng xâm nhập vào các thành phố lớn của Brazil.

Ngoài ra còn có những hành vi của con người làm tăng thêm nguy cơ lây lan dịch như tiếp xúc hoặc ở gần động vật, mua bán, ăn thịt động vật hoang dã…

Những người sống tại các vùng có nguy cơ lây lan dịch cao không cần phải dừng cuộc sống của họ. Tuy nhiên, họ cần nhận ra một số hành động mang nhiều rủi ro hơn và thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp như mang thiết bị bảo hộ, đảm bảo thịt được xử lý và nấu chín đúng cách.

Tầm quan trọng của sự phối hợp

Lạc đà bị nhiễm hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) có thể truyền virus sang người qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp.
Lạc đà bị nhiễm hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) có thể truyền virus sang người qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp.

Theo các tác giả, các nhà nghiên cứu và chính phủ phải hiểu và nắm lấy khái niệm trung tâm rằng sức khỏe của động vật, con người và môi trường có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và các yếu tố ảnh hưởng đến một có thể ảnh hưởng tới tất cả. Lý tưởng nhất là có các nhóm xử lý vấn đề phòng ngừa từ cấp địa phương đến cấp cao nhất.

Các thành viên của cộng đồng địa phương có nhiều khả năng biết nơi mọi người có nguy cơ mắc dịch bệnh khi tiếp xúc với động vật. Do đó, các chuyên gia y tế, thú y, các nhà quản lý rừng và đất đai có thể lắng nghe các thành viên của cộng đồng địa phương để phát triển các chiến lược tối ưu.

Các nhà khoa học tin rằng, việc chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo phải bao gồm việc ngăn chặn nó ngay tại nguồn gốc. Cơ hội tốt nhất để chúng ta có thể thành công là phối hợp nghiên cứu và thiết kế các biện pháp can thiệp vào sự lây lan của dịch và thừa nhận rằng sức khỏe của con người, động vật và thiên nhiên có sự kiết nối với nhau.

Theo Scitech Daily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.