Bụi mịn – “sát thủ” ẩn mình trong nhà

GD&TĐ - Trong cùng một nồng độ khí bị ô nhiễm, lượng chất trực tiếp đi vào cơ thể trẻ sẽ cao gấp đôi so với người trưởng thành.

Nhiều khu vực liên tục có mức độ không khí xấu. Ảnh minh họa.
Nhiều khu vực liên tục có mức độ không khí xấu. Ảnh minh họa.

Đáng lưu ý, bụi mịn được sản sinh từ những hoạt động thường ngày đơn giản nhất và ở khắp “ngóc ngách” trong nhà.

Mức độ không khí liên tục chạm ngưỡng “xấu”

Sáng 28/12, chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) đo được tại nhiều nơi trong thành phố Hà Nội tiếp ở ngưỡng đỏ (>150). Đây là mức có hại cho sức khỏe. Trước đó, ngày 27/12, AQI cũng cảnh báo không khí ở Hà Nội chạm ngưỡng “xấu”. Nồng độ chất gây ô nhiễm PM2.5 lên 107.6 µg/m³.

Theo WHO, 6 chất chính gây ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người bao gồm: Oxit nitơ (NOx); Oxit lưu huỳnh (SOx); Carbon monoxit (CO); Chì; Ozon tầng mặt đất; Các hạt vật chất khí quyển lơ lửng. Chất gây ô nhiễm có thể có nguồn gốc tự nhiên hoặc do con người tạo ra.

Chất gây ô nhiễm được phân loại sơ cấp và thứ cấp. Các chất gây ô nhiễm sơ cấp thường được phát thải từ những quá trình như tro từ phun trào núi lửa, hay hoạt động sản xuất.

Trong số đó, các hạt bụi mịn với kích thước nhỏ hơn 2,5 micron (PM 2.5) được coi là “đáng gờm” nhất. Bởi, chúng có khả năng xâm nhập sâu vào phổi, làm gia tăng nguy cơ nhiễm các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí, gồm: Nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp tính, đột quỵ, đau tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và ung thư phổi. 

Giá trị chất lượng không khí trung bình WHO khuyến nghị là tối đa 25 microgam/m3. Ước tính, 91% dân số toàn cầu hiện sống ở những nơi có không khí ô nhiễm.

Nạn nhân của ô nhiễm

Theo bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng - giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM, trẻ em là nhóm bị ảnh hưởng tiêu cực bởi ô nhiễm không khí nhiều hơn so với người lớn. Lý do là bởi, hệ miễn dịch của nhóm này còn yếu, chưa hoàn thiện các chức năng, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi.

“Theo nghiên cứu khoa học, trong cùng một nồng độ khí bị ô nhiễm, lượng chất trực tiếp đi vào cơ thể của trẻ sẽ cao gấp đôi so với người trưởng thành. Trẻ nhỏ sinh sống ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí sẽ khó phát triển chiều cao, thể chất còi cọc, nguy cơ mắc các bệnh hô hấp cao hơn 19 - 25% so với bình thường”, bác sĩ Tưởng dẫn chứng.

Đáng lưu ý, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra các vấn đề sức khỏe cho nhiều hệ cơ quan, thay vì chỉ đơn thuần ảnh hưởng tới hệ hô hấp. Chuyên gia này cũng chỉ ra rằng, các nghiên cứu gần đây cho thấy, ô nhiễm không khí ảnh hưởng lên da. Từ đó, khiến da mất khả năng chống chọi với các tác nhân khác của môi trường như: Tia UV, ozon.

Các hoá chất làm tăng đợt bùng phát viêm da cơ địa sẵn có ở trẻ. Ngoài ra, chúng cũng khiến da nhanh lão hoá, xuất hiện các đốm tăng sắc tố. Thậm chí, có thể làm tăng tỷ lệ ung thư da, ảnh hưởng lên hệ tim mạch gây viêm mạch máu, tạo mảng xơ vữa….

“Truy tìm kẻ thù” trong gia đình

“Các nguồn gây bụi siêu mịn trong gia đình có thể kể đến như: Nấm mốc, mạt nhà, lông thú, formaldehyde - chất kịch độc là sản phẩm của khói thuốc lá, bếp gas, các sản phẩm lau chùi nhà cửa, các loại hóa chất diệt côn trùng,… Nói cách khác, bụi mịn được sản sinh từ những hoạt động thường ngày đơn giản nhất và ở khắp nơi quanh ta”, bác sĩ Tưởng cảnh báo.

Để giảm thiểu tác hại của bụi mịn, chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh cần giữ không khí trong nhà được lưu thông. Bởi, sự lưu chuyển không khí sẽ “dọn dẹp” các chất ô nhiễm ứ đọng trong nhà. Nhờ đó, giúp giảm thiểu ô nhiễm trong nhà, cũng như hạn chế các mầm bệnh truyền nhiễm lơ lửng trong không khí.

Bên cạnh đó, dọn dẹp và lau nhà cửa thường xuyên, hút lông thú cưng trên thảm, màn, ghế sofa... cũng là những việc làm cần thiết để hạn chế bụi mịn. Hạn chế sử dụng các chất vệ sinh nhà cửa hay chất xịt có mùi nhân tạo trong nhà.

“Cần giảm các nguồn phát thải bụi không khí hoặc thiết bị sinh khói (điển hình như khói nến đốt...). Giữ độ ẩm trong nhà dưới 60% để tránh nấm mốc, đặc biệt là với phòng tắm, bồn rửa chén. Phòng tắm nên được mở cửa thường xuyên để khô thoáng. Bồn rửa chén tránh để qua đêm làm tù đọng nước, gây mùi khó chịu”, bác sĩ Tưởng gợi ý.

Để hạn chế độc hại từ bụi mịn, chuyên gia cho rằng, phụ huynh có thể trồng thêm cây xanh trong nhà. Nhờ vậy, giúp cân bằng độ ẩm, lọc bỏ các chất độc hại trong nhà như benzen từ khói thuốc lá, formaldehyd có trong thảm trải.

Đáng lưu ý, nên chọn những loại cây lá xanh và không có hoa như dừa cảnh, nha đam (lô hội), dây trầu bà... Đây đều là những loại cây có khả năng lọc bụi tốt. Mọi người cũng có thể sử dụng các thiết bị lọc không chí chuyên biệt để loại trừ bụi mịn PM2.5 và PM1.0.

“Bảo vệ sức khỏe không chỉ dừng lại ở việc ăn uống khoa học, luyện tập thể dục. Các bố mẹ hãy quan tâm nhiều hơn đến chất lượng không khí trong nhà để con được lớn lên trong môi trường an toàn nhất”, bác sĩ Tưởng nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.