Đừng vội tin máy lọc không khí
Để đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí, nhiều gia đình lựa chọn phương pháp mua máy lọc không khí như giải pháp tối ưu nhất. Đáp ứng nhu cầu đó, thị trường máy lọc không khí cũng trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Theo khảo sát của chúng tôi, thị trường máy lọc không khí vô cùng phong phú, với đủ các hãng Daikin, Panasonic, Sharp, Hitachi, Nagakawa, LifePro… xuất xứ từ Nhật Bản,Trung Quốc, Hàn Quốc. Giá bán dao động từ 3 triệu đồng đến 20 triệu đồng, tùy công suất và nhãn hiệu. Mẫu mã các máy lọc thường nhỏ gọn và nhẹ, trọng lượng từ 1- 6kg, có thể đặt trên bàn, treo tường hoặc đặt trên kệ.
Theo giới thiệu của một nhân viên Siêu thị điện máy Nguyễn Kim, gần đây máy lọc không khí rất hút hàng. Máy có thể lọc được hết các tác nhân gây hại đến đường hô hấp như các hạt bụi nhỏ, vi khuẩn hại, khử mụi, hút bụi vải, tóc, lông động vật...
Máy lọc không khí thường có 3 lớp gồm: Lớp lọc thô (lọc bụi lớn), lớp lọc Hepa (quan trọng nhất) và lớp lọc cacbon. Với một số dòng cao cấp có giá từ 15 - 30 triệu đồng sẽ có 4 màng lọc với chất liệu tốt như: Lọc thô bằng thép không gỉ, lọc HEPA, lọc khử mùi và lọc tạo ẩm…
Điều rất nhiều người quan tâm là máy lọc không khí có lọc được bụi PM2.5 hay không? PGS.TS Phạm Văn Nho, Phòng Thí nghiệm Vật lý Ứng dụng, Trường ĐHKHTN, ĐH QG Hà Nội cho biết, tùy từng loại máy mà có khả năng lọc được bụi PM2.5 hay không. Về cơ bản, máy lọc không khí sẽ có các lưới lọc cơ học.
Máy có lớp lọc Hepa sẽ lọc bụi tốt hơn lọc cơ học, nghĩa là hạt bụi sẽ đi theo đường zích zắc và bám lại ở tấm lọc. Nhưng để lọc được loại bụi siêu mịn này thì phải dùng đến cơ chế tĩnh điện. Vì hạt bụi này quá nhỏ, sẽ đi qua các lưới lọc thông thường, nên người ta phải dùng đến hệ thống lọc tĩnh điện. Theo đó, hạt bụi sẽ bám vào điện cực để bên trong máy. Sau đó người ta sẽ vệ sinh, làm sạch định kỳ tấm lọc.
“Hiện rất nhiều người không hiểu về công nghệ, nên chỉ mua máy lọc không khí để giải quyết tâm lý hơn là biết đến hiệu quả thực sự của máy. Mỗi dòng máy lọc không khí được thiết kế theo một mục đích cụ thể, và phải hiểu đã là công nghệ, cái gì cũng có hai mặt.
Ví dụ, máy lọc than hoạt tính có thể diệt khuẩn, nhưng không thể ngăn bụi mịn do than hoạt tính chỉ có tác dụng với dạng khí. Máy lọc không khí công nghệ ozon hay ion plasma cũng vậy. Khi máy phóng hạt ion làm hạt bụi rơi xuống đất, cũng đồng nghĩa nó phóng ion âm vào không khí. Nếu không khí có quá nhiều phân tử khí đã được ion hóa thì sẽ rất có hại cho sức khỏe.
Không khí có nhiều khí ion âm sẽ làm các hạt bụi va chạm, dính vào nhau và rơi xuống đất. Nhưng mặt trái của nó là ion âm lại kích thích sự phát triển của vi khuẩn, vi rút.
Sử dụng lâu ngày, chính chiếc màng lọc không khí đó trở thành điểm trú ngụ của vi khuẩn, vi rút, không được vệ sinh thường xuyên thì chúng lại theo hướng gió phát tán vào không khí. Con người hít phải không khí đó cũng nguy hại không kém gì khi hít phải bụi PM2.5”, PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết.
Tự lọc bụi mịn bằng “sáng kiến”
PGS.TS Phạm Văn Nho cho rằng, không nhất thiết phải mua máy lọc không khí mới có thể lọc được bụi mịn. Theo đó, bằng chiếc quạt hơi nước phổ biến trong các gia đình hiện nay, người dân hoàn toàn có thể dùng để lọc bụi mịn.
Lý do có thể xử lý được bụi mịn là khi quạt hơi nước ra không khí, các hạt bụi mịn sẽ bị hơi nước giữ lại làm rơi xuống đất. Quạt hơi nước tạo ra môi trường nhiều khí ẩm thì bụi PM2.5 không thể phát tán vào không khí và gây hại cho con người.
Thậm chí, nếu vệ sinh sạch sẽ khay đựng nước và nước trong quạt, có thể khiến các loại vi khuẩn cũng bị thổi bay theo.
“Đây là cách tốt nhất và rẻ tiền nhất để xử lý bụi mịn. Tuy nhiên quạt sẽ tạo ra môi trường ẩm, mát, không phù hợp nếu thời tiết lạnh. Khi đó, hãy dùng kết hợp với máy điều hòa nhiệt độ.
Bật quạt hơi nước và bật điều hòa chế độ trừ ẩm (dry), chắc chắn sẽ tạo ra nguồn không khí trong sạch, cách biệt với nguồn không khí ô nhiễm bên ngoài mà chúng ta đo đạc được từ các trạm quan trắc”, PGS.TS Phạm Văn Nho chia sẻ.
PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa học, Trường ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho rằng, chỉ số PM2.5 là chỉ số bụi, những hạt bụi nhỏ. Ở trong không gian nhà chật hẹp thì thường ít bụi, không khí cũng trong sạch và an toàn hơn ngoài đường. Hơn nữa, máy lọc không khí chỉ là máy lọc các chất hữu cơ.
Do đó, nếu mua máy lọc không khí thì cần cân nhắc do có phần lãng phí, rất khó để khẳng định máy đó có lọc được bụi mịn hay không. Thay vào đó, người dân nên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, không để bụi lưu cữu trong nhà. Lau dọn sạch các khe, ngách bằng khăn ẩm, dùng quạt điện, điều hòa để làm sạch không gian sống.
Chọn đúng loại khẩu trang
Khi ra ngoài đường, hãy chọn đúng loại khẩu trang có thể lọc được bụi mịn. Hiện thị trường khẩu trang lọc bụi mịn PM2.5 cũng rất hỗn loạn, lẫn lộn thật giả.
Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam cho biết, tình trạng ô nhiễm không khí tại TPHCM và Hà Nội trong thời gian qua như một lời cảnh tỉnh đối với nhận thức về môi trường của người dân.
Trong khi cơ quan chức năng chậm trễ đưa ra khuyến cáo, cảnh báo, vì quá lo lắng và hoang mang nên người dân nháo nhào lùng sục mua khẩu trang chống bụi PM2.5.
Theo thống kê của Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) nhận định ngày càng có nhiều người lựa chọn khẩu trang như một biện pháp bảo vệ sức khỏe trước tác động của ô nhiễm không khí.
Tuy nhiên, có tới 79,8% người sử dụng vẫn đang phụ thuộc vào khẩu trang vải thông thường và khẩu trang y tế. Các loại khẩu trang này được thiết kế để giữ lại những hạt bụi lớn và không thể bảo vệ phổi của bạn khỏi các bụi mịn như PM2.5.
Theo ông Phạm Văn Sơn, khi mua khẩu trang chống bụi mịn, hãy quan sát kỹ bao bì. Cụ thể, với tiêu chuẩn Mỹ (NIOSH), cần kiểm tra đầy đủ các thông tin có trên bao bì như: NIOSH, tên nhà sản xuất, loại tiêu chuẩn (N95, N99 hay N100).
Đối với tiêu chuẩn châu Âu (CE), cần kiểm tra đầy đủ các thông in trên bao bì như: dấu “CE”, tên nhà sản xuất, chứng nhận EN149:2001 và loại tiêu chuẩn (FFP1, FFP2, FFP3).
Tại các công ty sản xuất khẩu trang hay lớp lọc, đối với mỗi loại sản phẩm đều có lấy mẫu kiểm tra. Nếu công ty sản xuất cung cấp dữ liệu kiểm tra lớp lọc của họ, với đầy đủ thông tin sẽ bảo đảm hơn và tăng độ tin cậy về chất lượng khẩu trang.
Loại khẩu trang có thể ngăn được bụi mịn có giá rất đắt, dao động từ 400 nghìn đồng đến 800 nghìn đồng/chiếc. Những loại khẩu trang có giá vài chục nghìn đồng đa phần là hàng dởm. Hiện các loại khẩu trang nhái rất nhiều, người dùng cần cảnh giác, xem kỹ tem mác như hướng dẫn nêu trên.