'Bức tường lửa' từ Thư viện yêu thương

GD&TĐ - Thư viện yêu thương với hàng nghìn đầu sách dần trở thành “địa chỉ đỏ”...

Khám phá không gian thư viện yêu thương.
Khám phá không gian thư viện yêu thương.

Thư viện yêu thương với hàng nghìn đầu sách, ở phố Hoàng Liên (phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), dần trở thành “địa chỉ đỏ” của bạn đọc giữa thời đại công nghệ 4.0. Thư viện như “bức tường lửa” góp phần giảm thiểu việc sử dụng thiết bị điện tử, mạng xã hội sau thời gian tới trường của các em học sinh.

Chị Ngô Quỳnh Liên, Quản lý Thư viện yêu thương: Điểm đến ngày hè của bạn trẻ mê sách

Thay vì sử dụng điện thoại hay chơi điện tử dịp nghỉ lễ, nghỉ hè, Thư viện yêu thương cũng là địa chỉ để học sinh, sinh viên có thể lựa chọn đến đọc sách thư giãn sau một năm học vất vả. Với những học sinh chuẩn bị bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT vào cuối tháng 6 thì đây còn là nơi lý tưởng để các em có không gian yên tĩnh ôn tập, củng cố kiến thức.

Để thu hút bạn đọc đến với Thư viện yêu thương, nhất là trong dịp nghỉ hè, những ngày qua thư viện đã sưu tầm và bổ sung hàng nghìn bản sách mới, tài liệu sách báo phục vụ bạn đọc ở lứa tuổi thiếu nhi và nhất là tài liệu phục vụ ôn thi tốt nghiệp THPT.

Thư viện yêu thương sẽ tiếp tục tổ chức nhiều buổi chia sẻ, giới thiệu sách, tài liệu, các tác phẩm nổi tiếng, tiêu biểu đến bạn đọc. Ngày cuối tuần, thư viện đón hàng trăm lượt độc giả, tăng gấp nhiều lần so với ngày thường. Để duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động, thời gian tới, Thư viện yêu thương sẽ tiếp tục bổ sung nhiều sách mới đa dạng về nội dung trên các lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học, nông nghiệp, sách thiếu nhi...

Khám phá những câu chuyện kỳ thú, tìm hiểu về thế giới muôn màu thông qua những trang sách hay, có không gian để học tập, ôn luyện củng cố kiến thức tạo cho các bạn học sinh, sinh viên thêm nhiều niềm hứng thú. Vì vậy, Thư viện yêu thương hứa hẹn sẽ là địa chỉ tin cậy và yêu thích của các bậc phụ huynh và con em mình, nhất là vào mỗi dịp hè về.

Chị Quỳnh Liên (thứ 2 từ phải sang) và các bạn đọc.

Chị Quỳnh Liên (thứ 2 từ phải sang) và các bạn đọc.

Ông Nguyễn Hữu Sự, Bí thư Đảng ủy phường Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội): Xây dựng văn hóa đọc cho lớp trẻ

Phường Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) ở vùng ven sát ngoại thành, điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn. Người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề làm nông, nhưng luôn quan tâm, chăm lo cho con đi học đầy đủ.

Đây cũng là địa phương có bề dày truyền thống văn hóa với nhiều di tích lịch sử, trong đó, 6 di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia: Đình Đại Cát, chùa Đại Cát, đình Yên Nội, chùa Yên Nội, đình Hoàng Xá, đình Hoàng Liên và 2 di tích lịch sử được xếp hạng cấp thành phố là đền Bà Chúa Túc Trình (Yên Nội) và chùa Già Lê (Hoàng Liên).

Nhiều năm nay, phường Liên Mạc gìn giữ, phát huy truyền thống cách mạng địa phương qua xây dựng văn hóa đọc cho lớp trẻ. Tại địa bàn, thiết chế văn hóa có đủ 10/10 nhà văn hóa khu dân cư. Trong đó, bố trí các tủ sách để phục vụ nhân dân, đặc biệt vào mỗi dịp hè phục vụ cho học sinh. Hằng năm, cán bộ văn hóa sưu tầm các cuốn sách, báo về lịch sử cách mạng của phường, quận, đất nước để bổ sung vào góc đọc nhỏ của nhà văn hóa.

Bên cạnh tủ sách, địa phương còn có nhà truyền thống trưng bày các kỉ vật, sách và báo thời cách mạng. Qua đó, học sinh vừa được đọc vừa quan sát thực tiễn giúp ghi nhớ, thấm sâu truyền thống cách mạng quê hương, đất nước.

Mới đây, tại các tổ dân phố Hoàng Liên 1, 2, 3 có Thư viện yêu thương, đây là thư viện miễn phí, phục vụ nhu cầu đọc của nhân dân và học sinh địa phương. Thư viện dù mới đưa vào hoạt động, nhưng được phường, các hội đoàn thể, người dân quan tâm, ủng hộ. Cũng bởi sự quan tâm đó mà lượng sách của Thư viện yêu thương ngày càng phong phú, đa dạng.

Thời gian tới, địa phương sẽ nhân rộng thêm thư viện miễn phí tại các tổ dân phố. Phường Liên Mạc coi đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng và giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước, nâng cao ý thức tự học cho học sinh hiện nay.

Ông Nguyễn Hữu Sự, Bí thư Đảng ủy phường Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Ông Nguyễn Hữu Sự, Bí thư Đảng ủy phường Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Ông Nguyễn Hữu Hải, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội): Nhân rộng mô trong cộng đồng

Muốn có nhiều người đọc sách không chỉ mở các hiệu sách mà còn cần nhân rộng thư viện, đặc biệt thư viện miễn phí. Ngành Giáo dục quận Bắc Từ Liêm tạo điều kiện, hướng dẫn, hỗ trợ để các phường trong địa bàn quận triển khai, mở rộng các thư viện sách trong cộng đồng.

Thư viện sách miễn phí phố Hoàng Liên (phường Liên Mạc) là một mô hình hay góp phần lan tỏa văn hóa đọc cho học sinh địa phương và cần được nhân rộng. Với số lượng bạn đọc đến Thư viện yêu thương ngày một đông, đọc sách dần trở thành thói quen của người dân ở đây, xóa tan nỗi lo về tủ sách “thất bại”. Tuy nhiên, thư viện cần không ngừng bổ sung đầu sách, phong phú về thể loại để trở thành “địa chỉ đỏ” đón mọi người đến khai thác thông tin, kiến thức.

Ông Trần Trung Tuyển, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội): Phải thân thiện với bạn đọc

Ông Trần Trung Tuyển.

Ông Trần Trung Tuyển.

Một số thư viện truyền thống đang gặp khó khăn bởi sự cạnh tranh của các loại hình công nghệ. Tại quận Bắc Từ Liêm, có một thư viện với 22 nghìn đầu sách phong phú, nhưng đang “vắng bóng” bạn đọc. Để thu hút bạn đọc, hoạt động quản lý thư viện cần đổi mới, thân thiện với bạn đọc hơn.

Những mô hình thư viện miễn phí tại các cụm dân cư đang là xu hướng phù hợp với học sinh, người dân địa phương và các vùng lân cận. Hiện nay, các thư viện miễn phí được trang trí không gian mở, thân thiện với môi trường, thu hút đông đảo bạn đọc đến tham quan và cùng đọc sách. Thư viện yêu thương tại phố Hoàng Liên (phường Liên Mạc) bước đầu thu hút được bạn đọc. Đây là những mô hình đáng quý, cần được khuyến khích và nhân rộng.

Nhà báo Phạm Hồng Tuyến - Tác giả cuốn sách “Bài hát lớn lên cùng con”: Cần những hoạt động mang tính lâu dài

Nhà báo Phạm Hồng Tuyến.

Nhà báo Phạm Hồng Tuyến.

Đối với học sinh hiện nay, đọc sách không phải việc bắt buộc, nhưng là điều kiện cần và đủ để các em phát triển tri thức, nuôi dưỡng tâm hồn. Bởi đôi khi, đọc sách không dừng lại ở việc đọc mà còn chia sẻ, chữa lành cho những tâm hồn đang tổn thương.

Để gìn giữ và phát huy văn hóa đọc, trước hết xuất phát từ gia đình rồi lan tỏa ra cộng đồng. Ở nhà, bố mẹ có thể hướng dẫn và đọc sách cùng con để rèn thói quen, nếp đọc sách. Đọc sách là hành trình dài, mỗi ngày tích lũy một chút, học sinh mới dần thích và yêu sách hơn.

Từ năm 2021, ngày 21/4 trở thành Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Những ngày này hoạt động đọc và bán sách được tổ chức rầm rộ. Nhưng đây là hoạt động hiệu quả trong thời gian ngắn, còn mang tính hình thức.

Để “giữ lửa” văn hóa đọc cần những hoạt động định hướng mang tính lâu dài hơn, như xây dựng thư viện sách miễn phí, câu lạc bộ đọc sách, tổ chức đọc sách theo kế hoạch hàng tuần, hàng tháng...

Mô hình thư viện sách miễn phí là ví dụ điển hình. Ngay tại phố Hoàng Liên (quận Bắc Từ Liêm) thay vì sử dụng thiết bị điện tử, trẻ em tìm đến Thư viện yêu thương để đọc sách. Cái hay ở đây, thư viện dành cho mọi đối tượng bạn đọc, những người đọc sách cũng chính là người góp sách tạo thư viện. Nếu ở đâu cũng có một thư viện miễn phí như thế sẽ khuyến khích mọi người tham gia nhiều hơn, lan tỏa văn hóa đọc sâu rộng.

Ngược lại, để có người đọc sách, nội dung sách cũng phải chất lượng. Hiện nay, có một số sách kém chất lượng, biên soạn cẩu thả, kiến thức và ngôn từ đã lạc hậu... trà trộn vào thị trường gây bào mòn văn hóa đọc. Các nhà xuất bản nên chú trọng hơn trong việc kiểm chứng thông tin, nội dung sách trước khi xuất bản, thúc đẩy phong trào đọc sách, từ đó hình thành cộng đồng có văn hóa.

TS Nguyễn Thị Hồng - Nguyên Phó Trưởng khoa Tuyên truyền (Học viện Báo chí và Tuyên truyền): Giữ lửa văn hóa đọc trong thời đại số

TS Nguyễn Thị Hồng.

TS Nguyễn Thị Hồng.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, văn hóa đọc của Việt Nam đang có nguy cơ suy thoái. Hiện nay, học sinh, sinh viên có xu hướng thích sử dụng thiết bị điện tử để vào mạng, chơi game hơn là đọc sách.

Điều này gây nhiều hệ lụy cho học sinh như: Tâm hồn của trẻ sẽ bị thô cứng, bị tác động bởi những con số khô khan, thiếu đi sự linh hoạt, yếu tố trữ tình và những nguồn mạch tinh khiết để nuôi dưỡng sự lớn lên của tâm hồn.

Việc cho trẻ ham đọc sách và khám phá tri thức để thả tâm hồn bay bổng vào trong trang sách là điều rất nên và cần thiết. Hiện nay, để khuyến khích trẻ em đọc sách, tại nhiều địa phương đã dựng những tủ sách, thư viện miễn phí, thư viện sách lưu động.

Thậm chí, có cả những mạnh thường quân tự bỏ kinh phí ra xây dựng các tủ sách lớn trong cộng đồng phục vụ mọi đối tượng học sinh, nhân dân. Những việc làm này có ý nghĩa thiết thực, góp phần lan tỏa giá trị tinh thần, khơi dậy lòng ham mê khám phá, ham mê đọc sách để xây dựng nhân cách của con người theo hướng tích cực.

Nguyễn Như Quỳnh - Lớp 4, Trường Tiểu học Liên Mạc: Thêm yêu gia đình và biết quý trọng thời gian

Em Nguyễn Như Quỳnh.

Em Nguyễn Như Quỳnh.

Ngoài thời gian rảnh, đều đặn cuối tuần, em cùng với các bạn trong lớp đến Thư viện yêu thương mượn và đọc sách. Em tìm đọc những cuốn sách về chủ đề như: Văn học, cách làm toán, lịch sử, sách nấu ăn…

Ở đây với không gian yên tĩnh, tư liệu sách phong phú tạo cơ hội cho em tiếp cận với những cuốn sách hay, bổ ích. Đến không gian này, em không những được khám phá kiến thức mà đôi khi còn là nơi ôn tập chính bài học trên lớp, giúp em biết quý trọng thời gian và thêm yêu gia đình.

Trước đây, vào thời gian rảnh, em thường sử dụng điện thoại để giải trí dù biết nó không tốt, gây hại cho sức khỏe. Từ khi Thư viện yêu thương mở cửa, em rèn luyện được thói quen đọc sách, không còn nghĩ đến việc sử dụng thiết bị điện tử. Bố mẹ và thầy cô cũng nhắc nhở chúng em đọc sách là việc vô cùng quan trọng để trang bị kiến thức trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin.

Trần Thị Khánh Chi - Lớp 5, Trường Tiểu học Liên Mạc: Học kỹ năng sống qua đọc sách báo

Em Trần Thị Khánh Chi.

Em Trần Thị Khánh Chi.

Thay vì đòi đi chơi vào mỗi dịp cuối tuần, em xin phép bố mẹ lên Thư viện yêu thương lựa chọn cho mình những cuốn sách hay về văn hóa, lịch sử, khoa học nhằm củng cố kiến thức cho bản thân. Từ khi đọc sách ở thư viện, em nhận ra kiến thức là vô tận, ngoài việc học tập trên lớp cũng cần đọc nhiều sách để rèn luyện kỹ năng tự học cũng như tăng khả năng tư duy, khám phá. Nhờ đọc được những kiến thức từ cuốn sách nấu ăn ở thư viện, em có thể phụ giúp mẹ lựa chọn và chế biến thực phẩm dịp cuối tuần.

Thư viện yêu thương nằm trong Dự án “Xây dựng thư viện yêu thương tuyên truyền, vận động lan tỏa văn hóa sách kết nối tình yêu mỹ thuật qua từng trang sách” mà chị Ngô Quỳnh Liên ấp ủ thực hiện trong suốt 5 năm qua. Thư viện phục vụ đọc tại chỗ và mang về được mở cửa từ 9 đến 16 giờ các ngày trong tuần, riêng cuối tuần mở cửa đến 18 giờ. Hiện nay, quản lý thư viện đang kêu gọi tình nguyện viên để có thể mở đến 21 giờ vào cuối tuần. Mỗi tháng, thư viện tổ chức 2 buổi sinh hoạt miễn phí để bạn đọc có thể giao lưu, kết nối và mời chuyên gia tâm lý chia sẻ với phụ huynh về tâm lý lứa tuổi, cách chăm sóc trẻ, đọc sách và cách vận dụng kiến thức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ