Ngay từ đầu năm học, Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã xây dựng kế hoạch đọc sách thư viện cho cả năm học, kế hoạch dạy học cho từng tiết học. Cùng với thư viện nhà trường, được sự ủng hộ của phụ huynh học sinh, giáo viên đã lựa chọn và lên danh mục truyện đọc phù hợp với học sinh lớp 3.
Không chỉ tổ chức cho học sinh đọc truyện, giáo viên còn hướng dẫn cách ghi chép, viết nhật kí đọc sách. Nhờ vậy, học sinh được rèn kĩ năng đọc sách, đồng thời phát triển năng lực, tư duy sáng tạo. Học sinh không chỉ viết nhật kí đọc bằng kênh chữ, mà còn biết tóm tắt nội dung truyện bằng sơ đồ tư duy, bằng những tranh vẽ đẹp mắt. Cùng với đó, thư viện Trường Tiểu học Nguyễn Du đã tổ chức Ngày hội văn hóa đọc, đem những sản phẩm sáng tạo trong giờ học thư viện để trưng bày và giới thiệu tới mọi người.
Cô Bùi Thị Diệu Ngọc - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du cho biết: Hoạt động thư viện của nhà trường ngày càng được đẩy mạnh bởi những hình thức tổ chức và phương pháp dạy học sáng tạo, hiệu quả. Niềm đam mê đọc sách không chỉ lan tỏa tới giáo viên và học sinh trong nhà trường, mà còn được nhân rộng đến mọi người.
Tiết học thư viện Trường Tiểu học Đồng Tâm (huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình), học sinh được đọc nhiều quyển sách hay, phù hợp lứa tuổi, được bổ sung kiến thức mới và đặc biệt hình thành thói quen đọc sách. Trong phòng học còn được bố trí các góc, giá sách theo lứa tuổi, khối lớp.
Cô Nguyễn Thị Nga - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tiết học thư viện được sắp xếp trong chương trình học chính thức 1 tiết/tháng. Giáo viên tổ chức hoạt động dạy học theo các hình thức: Đọc to nghe chung; Đọc cá nhân; Cùng đọc; Đọc theo sở thích…
Thông qua tiết học thư viện, HS không chỉ tiếp cận được nhiều đầu sách hay, mà còn được khơi gợi niềm đam mê đọc sách. Nhờ vậy, HS chủ động trong việc tìm đọc sách, phát triển vốn từ, được giáo dục đạo đức, kỹ năng sống khi hiểu được ý nghĩa câu chuyện.Từ phong trào đọc này, chất lượng các môn học, nhất là môn Tiếng Việt, Mỹ thuật… được cải thiện rõ rệt.