Bông hoa miền biên viễn

Bông hoa miền biên viễn

(GD&TĐ) - Dù nơi biên giới xa xôi còn lắm những bộn bề gian khó, nhưng bằng tình thương yêu học trò vô bờ bến, bầu nhiệt huyết cháy bỏng của tuổi trẻ, cô đã âm thầm vượt lên trên tất cả để cống hiến cho quê hương. Giờ đây, tiếng nói cười, đánh vần ê a của lũ trẻ ngân vang giữa núi rừng sâu thẳm như vầng trăng toả sáng hứa hẹn một ngày mới vươn xa.

Không đầu hàng số phận

Cô giáo, Hiệu trưởng ZơRâm Kiên
Cô giáo, Hiệu trưởng ZơRâm Kiên
 

Cô giáo ZơRâm Kiên (SN 1978), người dân tộc Tà Riềng (thuộc nhóm dân tộc Giẻ Triêng) sinh ra và lớn lên tại La Dêê, một xã nghèo, đất đai cằn cỗi bạc màu thuộc vùng biên giới của huyện Nam Giang (Quảng Nam) giáp với huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông của nước bạn Lào. Năm cô vừa tròn 13 tuổi thì bố mẹ đều bị bệnh sốt rét rừng ác tính, lần lượt qua đời. Là chị cả trong gia đình, cô phải một tay lo cho cuộc sống của sáu người em. Hơn ai hết, cô thấu hiểu cuộc sống túng bấn cùng cực. Phong tục tập quán bản địa nơi đây còn quá lạc hậu, hủ tục, mê tín dị đoan. Muốn thoát nghèo, có công ăn việc làm, cuộc sống ổn định thì đồng bào dân tộc phải biết chữ. Ý thức được điều đó, những năm bậc tiểu học, cô phải băng rừng, vượt suối trèo đèo gần 12 km mới đến điểm trường lẻ để học cái chữ.

Để trang trải nhu cầu cuộc sống, một buổi cô đến trường, một buổi vào rừng kiếm củi, bẻ măng, bắt ốc. Cô bùi ngùi nhớ lại: “Lên cấp 2, tôi được xét chọn vào học Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện, cách nhà hơn 90 cây số. Những ngày đầu nhập học, nỗi nhớ nhà, nhớ em không sao chịu được, cộng với cái bụng cồn cào vì đói, run cầm cập vào mùa đông vì chỉ có độc nhất một manh áo mỏng mỗi khi đến lớp, tôi tưởng chừng như gục ngã nhưng rồi tự nhủ với lòng phải thật kiên trì, không được bỏ học giữa chừng”.

Trong điều kiện, hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhưng bằng niềm đam mê, ý chí và nghị lực, cô đã phấn đấu không mệt mỏi để có được thành quả như ngày hôm nay.

Hạnh phúc nở hoa

Học xong phổ thông, cô ZơRâm Kiên quyết định theo học ngành Sư phạm để đem cái chữ về buôn làng. Năm 1999, cô tốt nghiệp loại giỏi hệ trung cấp sư phạm mầm non và được Phòng GD&ĐT huyện Nam Giang phân công về giảng dạy tại địa phương. Sau nhiều năm làm giáo viên “cắm bản”, cô đã được đề bạt làm Chủ tịch công đoàn, tổ trưởng rồi Hiệu phó chuyên môn. Hiện tại cô làm Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Liên xã La Dêê – Đắc Tôi.

“Có cứng mới đứng đầu gió”, câu nói ấy quả thực đúng với những gì mà cô đã  làm được và cống hiến cho quê hương. Với cương vị Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường, cô đã không ngừng bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như nâng cao phẩm chất đạo đức, uy tín nhà giáo. Hiện tại, cô đã hoàn thành xong chương trình đại học và dự tính học lên cao học. Bằng sự yêu nghề, mến trẻ và đặc biệt được sự tín nhiệm của các cấp lãnh đạo, đồng nghiệp cũng như sự tin tưởng của Hội  phụ huynh học sinh nhà trường.

Cô cùng đội ngũ đã vận động 100% các em trong độ tuổi đến trường. Trong năm học 2012 – 2013 này, toàn trường có 125 trẻ ở các độ tuổi 3, 4, 5. Mặc dù các điểm trường lẻ cách nhau khá xa do địa hình núi non hiểm trở, vách đá cheo leo nhưng bằng trách nhiệm của một người “cầm lái”, cô thường xuyên tổ chức tốt các tiết thao giảng, dự giờ thăm lớp… Ngoài ra, cô còn có sáng kiến tổ chức các hội thi như: “Bé khéo tay”, “Bé kể chuyện, đọc thơ”, “Bé với trò chơi dân gian”, “Tiếng Việt của bé”… nhằm tạo không khí sôi nổi, để trẻ thêm hào hứng, phấn khởi trong học tập. Từ đó, việc bỏ học theo bố mẹ lên nương rẫy cũng không còn nữa. Đồng thời năng lực giảng dạy và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên cũng từng bước được cải thiện, nâng cao.

Có được kết quả đó là nhờ sự đoàn kết, chung sức đồng lòng của tập thể sư phạm nhà trường và vận dụng linh hoạt 3 phương châm (mạnh về tư tưởng, vững về chuyên môn, giỏi về vận động quần chúng) và 5 biện pháp (trung thực trong thông tin, kỷ cương trong quản lý, tận tụy trong chuyên môn, dân chủ trong trường học và khoa học trong công việc). “Ngoài thực hiện đầy đủ các chính sách ưu tiên, hỗ trợ đối với học sinh, giáo viên dân tộc thiểu số, Phòng GD&ĐT huyện đã tham mưu UBND huyện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, cấp phát trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và trao nhiều suất học bổng, phần quà có giá trị cho các em. Nhờ đó, tỷ lệ HS dân tộc thiểu số lên lớp, hoàn thành chương trình mầm non đạt 100%”  - Cô chia sẻ.

Không chỉ hết lòng vì đàn em thân yêu, cô còn luôn trăn trở với cuộc sống của người dân trong xã. Cô đã phối hợp với chính quyền địa phương, Đồn Biên phòng 657 đứng ra mở lớp học xóa mù chữ ban đêm nhằm giúp bà con dân bản biết đọc, biết viết. Bận rộn là vậy, nhưng dường như lúc nào người ta cũng thấy nụ cười tươi tắn nở bừng trên khuôn mặt tận tụy của người con dân tộc Tà Riềng.

Quả thật, ai đã từng đặt chân lên miền biên viễn này mới thấu hiểu hết sự vất vả, khó nhọc, tinh thần “thép” và sự hi sinh thầm lặng của những người “thắp đuốc” gieo chữ nơi nắng cháy mưa ngàn. 

Hy vọng cô giáo Hiệu trưởng ZơRâm Kiên luôn đi tìm giải pháp để cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp trồng người trên mảnh đất kiên trung anh hùng, đáp lại niềm tin yêu của người dân thôn bản đối với người cán bộ quản lý tài đức vẹn toàn.

Đặng Thị Thiên Thu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ