“Bông hoa đẹp” trong “vườn hoa giáo dục”

GD&TĐ - Dù ở bất cứ cương vị nào, những nhà giáo Thủ đô luôn tâm huyết, sáng tạo và hết lòng vì sự nghiệp GD-ĐT. Các cô chính là những bông hoa đẹp trong "vườn hoa giáo dục".

“Bông hoa đẹp” trong “vườn hoa giáo dục”

Không sáng tạo không thể có kết quả trong dạy chữ, dạy người

Là giáo viên dạy Ngữ văn của Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa) - ngôi trường công lập tự chủ tài chính toàn phần, cô Nguyễn Kim Anh đã cùng các đồng nghiệp của mình góp phần xây dựng “thương hiệu” của nhà trường.

Với cương vị là giáo viên, cô đã có nhiều đổi mới hiệu quả trong dạy học môn Ngữ văn, luôn có ý thức chủ động, sáng tạo để những bài giảng không bị sa vào lối mòn. Cô Kim Anh cho biết, được sự phân công của Ban giám hiệu, cô đã xây dựng khung giáo án Kỹ năng sống. Đây là tài liệu khung để các giáo viên chủ nhiệm tiếp tục sáng tạo nhằm tổ chức dạy học thành công các bài kỹ năng sống trong giờ sinh hoạt.

Sau 5 năm tham gia vào Hội đồng biên soạn, phát triển chương trình nhà trường, với nhiệm vụ xây dựng và liên tục bổ sung điều chỉnh qua từng năm học để chương trình không ngừng hoàn thiện, cô đã cùng hai đồng nghiệp của mình xây dựng chương trình dạy học bộ môn Ngữ văn cho cả 3 khối: Lớp 10, 11 và 12 hữu hiệu. Theo đó, nhà trường đã tổ chức được nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo đặc sắc, có những đợt học tập trải nghiệm liên môn đặc biệt để đổi mới dạy học và giáo dục học sinh hiệu quả.

Cô giáo Nguyễn Kim Anh

Cô Kim Anh tâm niệm: Thầy, cô giáo không sáng tạo thì không thể có kết quả tốt trong dạy chữ và cũng không thể thành công trong vai trò dạy người. Cô thường xuyên tham gia trong các đợt chia sẻ, trao đổi, tập huấn cùng các đồng nghiệp ở trong và ngoài nhà trường, tại Hà Nội cũng như một số tỉnh, thành khác. Cô cũng chính là người đã “nhận lửa” và “truyền lửa” cùng thắp sáng hành trình sáng tạo.

Năm 2002, cô gái trẻ Vũ Thị Tám tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm và bước chân vào nghề dạy học. Với 16 năm trong nghề nhà giáo là 16 năm cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp “trồng người”.

Hiện cô là giáo viên Trường THCS Phùng Hưng (thị xã Sơn Tây). Cô Tám quan niệm: Lòng tâm huyết là chiều kích của sáng tạo, còn sự sáng tạo chính là sức vươn từ lòng tâm huyết. Hai yếu tố này đã giúp cô thành công trong công tác dạy học và giáo dục học sinh.

Ngoài các giờ học văn hóa, cô Tám còn chú trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức, kĩ năng sống nhằm phát triển toàn diện cho học sinh. Cô giáo thường xuyên đổi mới tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể, sinh hoạt lớp cô chỉ đạo không theo lối mòn mà lôi cuốn các em bằng sự hăng hái, sáng tạo, say mê qua từng chủ điểm sinh hoạt với hình thức phong phú, linh hoạt như: Những tiết mục văn nghệ tự biên, tự diễn của các lớp, những hoạt cảnh, những buổi giao lưu bằng tiếng Việt xen tiếng Anh, hay cách trao và nhận phần thưởng… rất phù hợp tâm lý lứa tuổi.

Sáng tạo vì học trò

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống là nhà giáo, vì thế tuổi thơ của cô giáo Lê Thùy Minh - giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Diệu (Ba Đình, Hà Nội) gắn liền với những trang giáo án của bố, mẹ. Ước mơ được làm cô giáo đứng trên bục giảng dạy học trò xuất phát từ những ngày tháng êm đềm như thế.

Thời gian thoi đưa, mới đó mà đã 28 năm cô gắn bó với sự nghiệp trồng người, ngày ngày lên lớp làm bạn với "phấn trắng, bảng đen". 28 năm lao động miệt mài, không ngơi nghỉ, cô đã chắp cánh cho biết bao thế hệ học trò bay cao và bay xa trên con đường tri thức.

Là người có ý tưởng và tư duy sáng tạo, vì thế cô Minh luôn tìm tòi, nghiên cứu để thiết kế nhiều đồ dùng dạy học được ứng dụng rộng rãi trong và ngoài nhà trường. Đơn cử như bộ đồ dùng dạy học đa năng mang tên “Trò chơi Ô cửa kì diệu” (gồm 1 bộ đồ dùng truyền thống kết hợp với 5 đĩa DVD môn học) do cô thiết kế đã đoạt giải Nhì trong Hội thi đồ dùng dạy học sáng tạo cấp thành phố.

Từ kinh nghiệm thiết kế, cô mày mò nghiên cứu, hướng dẫn học sinh làm các sản phẩm từ nguyên liệu tái chế phục vụ việc học tập và giảng dạy. Sản phẩm “Mái trường - Cánh diều ước mơ” từ nguyên liệu tái chế do học sinh lớp cô làm tham dự Cuộc thi “Sáng tạo xanh” đoạt giải Nhất cấp trường, giải Khuyến khích cấp thành phố và được đăng bài trên Báo Khoa học. Điểm nhấn của sản phẩm chính là mái trường hình cánh diều làm từ nhiều que kem tái sử dụng đẹp như chính ước mơ bay bổng của các em.

Đến nay, cô đã có 6 sáng kiến kinh nghiệm đoạt giải B, C cấp ngành. Các sáng kiến của cô luôn xoay quanh các vấn đề thiết thực trong dạy và học như xây dựng trò chơi, thiết kế đồ dùng, tư liệu dạy học áp dụng rộng rãi trong trường học giúp giáo viên giảm thiểu thời gian chuẩn bị bài dạy, đổi mới phương pháp dạy học đem lại niềm vui và hưng phấn học tập cho cả thầy và trò.

Sau khi tốt nghiệp THPT, cô giáo Đỗ Thị Thanh Huyền - giáo viên Trường Mầm non Tây Mỗ A (Nam Từ Liêm, Hà Nội) có nhiều lựa chọn cho nghề nghiệp của mình nhưng cô vẫn quyết tâm thực hiện ước mơ của mình là một cô giáo.

Cô Huyền quan niệm, nghề nào cũng cần tâm huyết và luôn dồn tâm sức vào công việc. Ý thức được điều đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chăm sóc và giáo dục trẻ, cô luôn phấn đấu, nỗ lực không ngừng rèn luyện, tu dưỡng, học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn cho bản thân, để có thể thiết kế những bài giảng, những giờ học thật phù hợp và thú vị cho các con.

Xuất phát từ đặc điểm “Trẻ học bằng chơi, chơi mà học”, cô Huyền đã lựa chọn những trò chơi dân gian và những khúc hát dân ca làm phương pháp chủ đạo để chăm sóc, giáo dục trẻ. Khi tìm hiểu về đồng dao và những trò chơi dân gian cô biết rằng đây là một phương pháp giáo dục tuyệt vời. Đồng dao có thể giúp các con phát triển tất cả các lĩnh vực: Ngôn ngữ, nhận thức, thể chất, thẩm mỹ, quan hệ tình cảm xã hội...

"Trong chương trình chăm sóc giáo dục trẻ mầm non có rất ít những bài đồng dao vì vậy, tôi đã sáng tác nhiều bài thơ, nhiều câu chuyện, viết lời mới cho một số bài đồng dao và trò chơi dân gian để dạy các con. Cô cũng đã huy động được sự vào cuộc của các bậc phụ huynh. Những bài đồng dao và những trò chơi dân gian đã tạo được cho các con sự hào hứng trong các hoạt động" - cô giáo Đỗ Thị Thanh Huyền chia sẻ.

“Một trong những yếu tố có thể khơi dậy hứng thú học tập cho học sinh, giúp các em phát huy cao nhất tính tích cực, sáng tạo đó chính là sự đổi mới, sáng tạo của người thầy trong các hoạt động giáo dục”.
Cô giáo Vũ Thị Tám

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ