Vị tướng không tổ chức sinh nhật riêng

GD&TĐ - Nhiều lần, những vị sĩ quan quân đội, những người lính và thân hữu muốn tổ chức sinh nhật riêng cho Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu (Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng), nhưng ông đều từ chối, với lý do ngày sinh của ông trùng với ngày 27/7 (là ngày Thương binh liệt sỹ), nên ông thường bận với chuyến đi tri ân đồng đội. Với ông, được sống khỏe mạnh và tiếp tục cống hiến cho đến ngày nay đã là hạnh phúc.

Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và tướng Hiệu bàn bạc về ý tưởng thực hiện tượng đài Hoài niệm và kêu gọi gây quỹ xây tượng đài.
Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và tướng Hiệu bàn bạc về ý tưởng thực hiện tượng đài Hoài niệm và kêu gọi gây quỹ xây tượng đài.

Kể từ năm 1980, khi tướng Hiệu làm Sư trưởng Sư đoàn Đồng Bằng (Thanh Hóa), ông bắt đầu thực hiện một hành trình đặc biệt vào đúng ngày sinh nhật của mình (27/7). Đó là hành trình hàng năm tri ân đồng đội đã hy sinh, ngã xuống trên các trận địa trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Vị tướng thường chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến hành trình đặc biệt, mang ý nghĩa sâu xa với ông. Ông kết hợp vừa công tác, vừa dâng hương tri ân đồng đội đã hy sinh, và thăm lại đồng đội cũ, tặng quà tình nghĩa những gia đình đồng đội. Đồng hành với ông thường có những đồng đội thân thiết, như Đại tá Nguyễn Huy Phụ, nhà văn (cũng là cựu binh) Lê Hoài Nam… Sau này, kể từ năm 2010, khi vợ ông là nữ bác sĩ Lại Thị Xuân được nghỉ hưu, cũng tham gia chuyến đi cùng ông và chiến hữu.

Khánh thành tượng đài Hoài niệm bên sông Thạch Hãn (Quảng Trị)
Khánh thành tượng đài Hoài niệm bên sông Thạch Hãn (Quảng Trị) 

Những chuyến đi ấy từ Hà Nội, qua Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và vào đến Quảng Trị, tiếp đó tới Huế, Đà Nẵng, thường kéo dài từ 7-10 ngày, cũng có chuyến đi cá biệt, dài tới 22 ngày do kết hợp làm phim tài liệu về vị tướng và đồng đội, nơi chiến trường ác liệt, cùng những hoạt động tri ân. Đoàn của tướng Hiệu thường đi theo đường bộ, cứ đi tới nơi nào có chiến trường, hoặc nơi đồng đội được chôn cất, nơi có đồng đội hoặc gia đình họ đang sinh sống là đoàn dừng lại viếng, thăm hỏi, tặng quà.

Kể với tôi về hành trình đặc biệt, thay cho lễ sinh nhật riêng của mình, tướng Hiệu trầm ngâm khi nhớ đến Đại tá Cao Uy, người đã ngã xuống nơi chiến trường và giờ mộ phần ở nghĩa trang Diễn Châu (Nghệ An). Mỗi lần qua Diễn Châu, tướng Hiệu đều ghé thăm gia đình Đại tá Cao Uy, thăm Ban liên lạc cựu chiến binh của Trung đoàn tại Diễn Châu. Tới thăm Nam Anh, Nam Đàn, nơi thành lập trung đoàn 27, ông cũng từng dựng bia kỷ niệm ở đó cùng Ban liên lạc. Tới Hà Tĩnh, ông thăm nguyên Chính ủy trung đoàn 27 Võ Hiển, nay đã già lắm rồi. Thăm ông Đoàn Sáu, Chính ủy đầu tiên của Trung đoàn, thăm ông Hà Tiềm, Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn 27…

Tướng Hiệu trong những chuyến đi tri ân đồng đội
Tướng Hiệu trong những chuyến đi tri ân đồng đội 

Tới Quảng Trị, tướng Hiệu thăm và tặng quà các đối tượng chính sách tại Do An, Do Mỹ (huyện Triệu Hải) và địa danh chiến đấu. Thăm nghĩa trang Hải Lăng, tượng đài Hoài Niệm ở bến sông Thạch Hãn, thả hoa tưởng nhớ đồng đội nằm lại dưới lòng sông… Tượng đài Hoài Niệm này được xây dựng nhờ ý tưởng của tướng Hiệu cùng Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình để tưởng nhớ những liệt sĩ không thể quy tập về nghĩa trang. Dù đã có tới 72 nghĩa trang được xây, nhưng vị tướng thường rưng rưng khi nghĩ về những anh em, đồng đội còn nằm dưới lòng sông, nơi bìa rừng, khe suối… chưa thể tìm thấy để quy tập về.

Đã là việc nghĩa, thì thường thấm sâu và sẽ còn lại mãi. Tướng Hiệu chia sẻ, rằng từ nay cho đến khi “về với Bác Hồ”, thì ông sẽ lại tiếp tục cuộc hành trình tri ân hàng năm, thay cho lễ sinh nhật mình, để được gặp gỡ đồng đội. Những chuyến đi mang đến cho tướng Hiệu cùng đồng đội niềm sống lớn lao, một khoảng lặng cần thiết để tưởng nhớ đồng đội với kỷ niệm chiến trường, có thêm nguồn năng lượng để tiếp tục dấn bước trên đường đời và cống hiến cho công tác nghiên cứu khoa học về nghệ thuật chiến tranh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tamiflu là thuốc kê đơn và cần phải có đơn thuốc từ bác sĩ trước khi sử dụng. Ảnh: INT

Không lạm dụng Tamiflu

GD&TĐ - Trong một số hội nhóm trên mạng xã hội, nhiều cha mẹ cũng 'mách nhau' tự mua thuốc Tamiflu về cho con uống trong trường hợp trẻ mắc cúm.