Bồi dưỡng giáo viên - nhiệm vụ trọng tâm của trường Sư phạm

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trường sư phạm, đặc biệt các trường chủ chốt đóng vai trò quan trọng trong bồi dưỡng giáo viên triển khai Chương trình GDPT 2028.

Các giảng viên của Trường ĐHSP Hà Nội thuộc nhóm biên soạn tài liệu mô-đun 5 bồi dưỡng giáo viên phổ thông tham gia tập huấn và chuyển giao tài liệu.
Các giảng viên của Trường ĐHSP Hà Nội thuộc nhóm biên soạn tài liệu mô-đun 5 bồi dưỡng giáo viên phổ thông tham gia tập huấn và chuyển giao tài liệu.

Dù Chương trình ETEP đã kết thúc, nhưng các trường vẫn đẩy mạnh công tác bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên phổ thông nhằm thực hiện hiệu quả chương trình mới.

Đẩy mạnh bồi dưỡng dạy học môn mới

Bồi dưỡng giáo viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Chia sẻ điều này, PGS.TS Nguyễn Văn Hiền - Phó Hiệu trưởng - cho biết, nhà trường tiếp tục duy trì mô hình bồi dưỡng kết hợp giữa qua mạng và trực tiếp của Chương trình ETEP. Trong đó, với mô-đun 6, 7, 8, Trường phối hợp với các địa phương để bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán; đồng thời hỗ trợ địa phương triển khai bồi dưỡng đại trà theo cả hình thức trực tiếp, trực tuyến, tùy theo nhu cầu.

“Là đơn vị xây dựng chương trình bồi dưỡng để hỗ trợ đội ngũ giáo viên thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đẩy mạnh bồi dưỡng các nội dung dạy học môn mới theo hướng tích hợp liên môn như: Bồi dưỡng giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý (cấp THCS), Tin học - Công nghệ (cấp Tiểu học)”, PGS.TS Nguyễn Văn Hiền cho hay.

Đối với nội dung bồi dưỡng, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đang triển khai đồng thời cả hai nhóm nhiệm vụ: Xây dựng mới nội dung; rà soát, cập nhật nội dung bồi dưỡng theo các mô-đun trong khuôn khổ Chương trình ETEP.

Để kịp thời đáp ứng nguồn lực dạy các môn học mới trong Chương trình GDPT 2018, PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, thông tin, nhà trường đã và đang tích cực triển khai bồi dưỡng giáo viên dạy các môn Tin học và Công nghệ, Lịch sử - Địa lý, Khoa học tự nhiên cho các tỉnh/thành phố theo chương trình do Bộ GD&ĐT ban hành.

Đặc biệt, theo đặt hàng của một số sở GD&ĐT, Trường đã xây dựng và ban hành chương trình bồi dưỡng (ngoài chương trình do Bộ GD&ĐT ban hành). Trong đó có chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên ở 2 mô-đun: Mạch kiến thức và phương pháp dạy học các chủ đề tích hợp trong môn Khoa học tự nhiên; Xây dựng hệ thống câu hỏi, bài tập gắn với thực tế kiểm tra, đánh giá môn Khoa học tự nhiên.

Cùng đó là chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật. Nhà trường còn xây dựng và tập huấn giáo viên cho các tỉnh về dạy học STEM/STEAM, trường học hạnh phúc, tư vấn tâm lý học đường…

Sau khi kết thúc Chương trình ETEP (tháng 12/2021), Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế cũng vẫn tiếp tục triển khai bồi dưỡng các mô-đun trong Chương trình ETEP cho giáo viên, cán bộ quản lý các cấp. Theo TS Trần Văn Giang - Trưởng khoa Sinh học, Thư ký Chương trình ETEP Trường, đối với giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở GDPT cốt cán sẽ tiếp tục bồi dưỡng các mô-đun 6, 7, 8 mà trong Chương trình chưa được bồi dưỡng.

Với đội ngũ đại trà, tiếp tục bồi dưỡng các mô-đun chưa được tiếp cận trong Chương trình, trọng tâm là mô-đun 2, 3, 4 và 9. Hình thức bồi dưỡng vẫn thực hiện trên hệ thống LMS và trực tiếp hoặc trực tuyến tùy theo nhu cầu của giáo viên, cán bộ quản lý và Sở GD&ĐT. Cùng đó, nhà trường còn bồi dưỡng và đào tạo giáo viên các môn tích hợp, liên môn như Tin học và Công nghệ, Khoa học tự nhiên.

“Có thể nói, dù Chương trình ETEP kết thúc, nhưng Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế luôn quan tâm đến bồi dưỡng thường xuyên, liên tục cho giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở GDPT. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường nhằm mục tiêu thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT năm 2018”, TS Trần Văn Giang chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Văn Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội phát biểu trong đợt tập huấn tại Trường. Ảnh: website nhà trường

PGS.TS Nguyễn Văn Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội phát biểu trong đợt tập huấn tại Trường. Ảnh: website nhà trường

Phát huy hiệu quả

Để bảo đảm hiệu quả công tác bồi dưỡng, PGS.TS Nguyễn Văn Hiền khẳng định: Nhận thức được ưu điểm mô hình bồi dưỡng của Chương trình ETEP, nhà trường tiếp tục xây dựng học liệu mới, phát triển hạ tầng CNTT để có thể chủ động đảm bảo được hình thức bồi dưỡng kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp. Phát triển các nội dung bồi dưỡng mới đáp ứng nhu cầu của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trong điều kiện thực hiện Chương trình GDPT 2018 cũng tiếp tục được đẩy mạnh.

Trong đó, quan tâm khảo sát, đánh giá nhu cầu của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý. Song song đó, việc phân tích nhu cầu bồi dưỡng trên dữ liệu của hệ thống TEMIS cũng là nguồn thông tin giá trị đối với nhà trường để có thể phát triển được nội dung bồi dưỡng phù hợp yêu cầu thực tiễn.

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng tích cực làm việc với các sở GD&ĐT nhằm vừa nắm bắt kịp thời nhu cầu, vừa giới thiệu nội dung mới, cũng như lập kế hoạch phối hợp bồi dưỡng hiệu quả. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, những quy định về thủ tục tài chính cũng gây lúng túng nhất định đối với cả địa phương và nhà trường. Như cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ hay đấu thầu cần có những hướng dẫn cụ thể hơn, nhất là khi giáo dục là một loại hàng hóa dịch vụ đặc biệt.

Cũng chia sẻ giải pháp, TS Trần Văn Giang nhấn mạnh đầu tiên đến sự phối hợp chặt chẽ giữa trường và các sở GD&ĐT; từ thống nhất chủ trương, đến xây dựng kế hoạch, phối hợp triển khai, giám sát quá trình, kiểm tra đánh giá và báo cáo kết quả ngay sau khi kết thúc đợt bồi dưỡng. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ giữa trường, sở GD&ĐT với Tập đoàn Viettel hoặc VNPT để hỗ trợ giáo viên trên nền tảng LMS.

Đầu mỗi năm học, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế hỗ trợ các sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch chi tiết các hoạt động bồi dưỡng (mô-đun, số lượng giáo viên, cấp học, thời lượng, hình thức...). Từ đó, sở GD&ĐT xây dựng kinh phí trình UBND tỉnh phê duyệt.

Ban tổ chức bồi dưỡng của nhà trường và đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật phải là những giảng viên có kinh nghiệm trong triển khai Chương trình ETEP, luôn tích cực, hỗ trợ cho giáo viên trước, trong và sau quá trình bồi dưỡng. Bên cạnh đó, tổ Giám sát hoạt động bồi dưỡng cũng thực hiện thường xuyên và có báo cáo kịp thời đối với Ban Giám hiệu cũng như lãnh đạo sở GD&ĐT về các vấn đề cần khắc phục, điều chỉnh.

Ban tổ chức bồi dưỡng yêu cầu giảng viên thường xuyên chủ động cập nhật tài liệu, thực hiện hội thảo chuyển giao tài liệu, làm việc nhóm và xây dựng kịch bản cũng như các yêu cầu cần đạt chung đối với từng nhóm. Ngay sau khi kết thúc từng đợt bồi dưỡng, Ban tổ chức báo cáo kết quả về chất, số lượng, ưu, nhược điểm... gửi đến sở GD&ĐT. Sau từng mô-đun bồi dưỡng, có tổng kết và rút kinh nghiệm.

Việc luôn lắng nghe và lấy ý kiến giáo viên về hình thức tổ chức, nội dung bồi dưỡng, thời lượng, thời gian để có điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của giáo viên, cán bộ quản lý góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả bồi dưỡng. - TS Trần Văn Giang (Trưởng khoa Sinh học, Thư ký Chương trình ETEP Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ