Bồi dưỡng giáo viên cần chương trình đào tạo tiếp nối

GD&TĐ - Để thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018, công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý hết sức cần thiết.

Giáo viên Trường Tiểu học Phú Thọ, Quận 11, TPHCM trong giờ lên lớp.
Giáo viên Trường Tiểu học Phú Thọ, Quận 11, TPHCM trong giờ lên lớp.

Chương trình bồi dưỡng theo các mô-đun của ETEP đóng một vai trò rất lớn trong tiến trình đổi mới và triển khai.

Trên 96% giáo viên hài lòng

Nhằm triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018, từ năm 2019 đến nay, Chương trình Phát triển các trường Sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (chương trình ETEP) đã bồi dưỡng trên 29 nghìn giáo viên cốt cán và 4 nghìn cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán trong toàn quốc theo mô hình 5-3-7 hoặc 7-2-7.

GS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho biết: Chương trình mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp người học tích lũy kiến thức phổ thông vững chắc; biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời.

Vì vậy, mục tiêu của chương trình ETEP là giúp đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông nâng cao năng lực, phẩm chất đáp ứng các yêu cầu đổi mới, đặc biệt đáp ứng những đổi mới của chương trình, sách giáo khoa.

Bộ GD&ĐT đã xây dựng tới 54 mô-đun tài liệu bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý. Trường ĐH Sư phạm TPHCM tham gia bồi dưỡng giáo viên cho 19 tỉnh thành phía Nam đã hoàn thành 6 mô-đun quan trọng như: Hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018; Sử dụng phương pháp dạy học, giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; Kiểm tra, đánh giá theo phát triển phẩm chất, năng lực; Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục nhằm phát triển phẩm chất, năng lực; Ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học và giáo dục học sinh THCS/THPT…

Với giáo viên đại trà, trường bồi dưỡng 5 mô-đun chính (từ 1 - 5) cho hơn 571 nghìn lượt giáo viên. Quá đó, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh về phương pháp học còn học sinh biết tự học, huy động tổng thể kiến thức, kỹ năng, tiềm lực của mình để thực hiện mục tiêu giáo dục.

“Trong năm 2022, Chương trình ETEP kết thúc, việc tổ chức bồi dưỡng được chuyển giao về đầu mối là các Sở GD&ĐT. Trường đã phối hợp với các Sở GD&ĐT tổ chức bồi dưỡng mô-đun 6, 7, 8 cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán.

Để có cơ sở đánh giá việc thực hiện chương trình bồi dưỡng đảm bảo tính linh hoạt và đáp ứng nhu cầu, quan tâm của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông, từ năm 2020, trường tiến hành khảo sát lấy ý kiến đánh giá người học về chương trình bồi dưỡng được tham gia. Trung bình 3 năm (từ 2020 đến 2022), tỉ lệ học viên hài lòng với khóa bồi dưỡng đạt 96%...”, GS Huỳnh Văn Sơn cho biết.

Thống kê của Trường ĐH Sư phạm TPHCM về hoạt động bồi dưỡng giáo viên theo chương trình ETEP.

Thống kê của Trường ĐH Sư phạm TPHCM về hoạt động bồi dưỡng giáo viên theo chương trình ETEP.

Cần đào tạo tiếp nối

“Khóa bồi dưỡng cung cấp nhiều phương pháp, kỹ năng phù hợp với đặc thù môn học để giáo viên kiểm tra, đánh giá học sinh một cách khoa học, hiệu quả, chính xác.

Quá trình áp dụng nội dung bồi dưỡng vào thực tế dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh, tôi không gặp khó khăn gì bởi luôn nhận được sự hỗ trợ của giáo viên cốt cán trên địa bàn quận. Không chỉ trao đổi, giải đáp trên hệ thống các phần mềm trực tuyến, giáo viên cốt cán luôn dành nhiều thời gian để hướng dẫn trực tiếp, kỹ lưỡng, kịp thời các nội dung giáo viên đại trà còn thắc mắc…”, cô Trang nói.

Là người được tham gia tập huấn và đào tạo theo chương trình ETEP hệ đại trà, cô Nguyễn Thái Thu Trang, Trường Tiểu học Phú Thọ (Quận 11, TPHCM) cho biết: Sau khi được tập huấn về 5 phẩm chất chủ chốt và 10 năng lực cốt lõi của học sinh trong Chương trình GDPT mới, việc kiểm tra đánh giá học sinh thuận lợi hơn rất nhiều.

Dù chương trình ETEP “đóng” lại từ năm 2022 nhưng hiệu quả nó mang lại cho công tác bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao phương pháp sư phạm cho giáo viên rất rõ ràng. Theo ông Lê Thanh Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Linh Trung, TP Thủ Đức (TPHCM), sự chuyển biến của cán bộ quản lý, giáo viên sau khi tham gia khóa bồi dưỡng đầy tích cực.

“Sự tích cực ấy đến từ tư duy quản trị, phương pháp giảng dạy, cách tiếp cận lớp học và cả sự tương tác trong quá trình dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh. Cá nhân tôi thấy sau quá trình học tập, đơn vị đã triển khai các nhóm cộng đồng học tập, liên kết nhóm giáo viên trong nội bộ quận và TP Thủ Đức tốt hơn. Từ đó các đơn vị, giáo viên tương tác với nhau cùng chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, thắc mắc khi triển khai tới những giáo viên đại trà, giúp hoạt động dạy học chuyển biến rõ nét”, ông Hiếu chia sẻ.

Thực tế, khảo sát ngẫu nhiên của Trường ĐH Sư phạm TPHCM trên gần 200 giáo viên cốt cán và đại trà cho thấy đa số học viên đánh giá tốt về nội dung chuyên đề bồi dưỡng, giảng viên giảng dạy cũng như một phần về công tác tổ chức bồi dưỡng. Tỉ lệ học viên cảm thấy hài lòng với khoá học đạt trên 96%.

Tuy kết quả bồi dưỡng đạt được sự hài lòng cao nhưng theo GS Huỳnh Văn Sơn, trong tương lai gần vẫn cần có các dự án bồi dưỡng tương tự được triển khai nhằm duy trì hiệu quả đã đạt được. Để làm được việc đó, Bộ GD&ĐT cần xây dựng một đề án tổng thể hoặc chiến lược về phát triển đội ngũ giáo viên dựa trên các kết quả nghiên cứu thực trạng, nhất là kết quả dự báo để đảm bảo sự phát triển bền vững. Đặc biệt, các dữ liệu nên được số hóa để quản lý dài lâu cũng như đảm bảo tính kết nối và nhất quán khi đầu tư cho cả công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Việc cải tiến, nâng cao chất lượng đội ngũ cần dựa trên cơ sở lựa chọn nội dung, hình thức bồi dưỡng thường xuyên phù hợp và chú ý đến tính phát triển bền vững. Hiện nay, hoạt động bồi dưỡng cần đảm bảo tính dài lâu, sự tự chủ và năng lực phát triển nghề nghiệp của giáo viên. Các dấu ấn về mô hình, quan điểm giáo dục hay kỹ năng nghề cũng cần quan tâm để đồng hành và phát triển đúng nghĩa thông qua hoạt động này.

Khi triển khai chương trình cần có chế độ chính sách thỏa đáng cho các thành phần tham gia vào hoạt động bồi dưỡng thường xuyên giữ vai trò trung tâm, hạt nhân như giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán. Đây là vấn đề không chỉ góp phần giữ đội ngũ mà còn lan tỏa sức mạnh đích thực của các nhân sự có tầm ảnh hưởng, có hình ảnh góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ và chất lượng giáo dục. - GS Huỳnh Văn Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ