Đồng hành cùng nhà giáo nâng cao năng lực, kỹ năng

GD&TĐ - Các địa phương đã có bước chuẩn bị sớm, chủ động các giải pháp nâng cao năng lực, kỹ năng giáo viên để đáp ứng yêu cầu cơ bản chương trình mới.

Một tiết dạy của giáo viên môn ngoại ngữ tại trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, TP Cần Thơ.
Một tiết dạy của giáo viên môn ngoại ngữ tại trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, TP Cần Thơ.

Bảo đảm kỹ năng

Những năm qua, ngành Giáo dục các địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác bồi dưỡng, bảo đảm 100% giáo viên dạy các khối lớp chương trình mới được bồi dưỡng về chuyên môn, kỹ năng sử dụng sách giáo khoa mới.

Tại quận Bình Thuỷ (TP Cần Thơ), ngành Giáo dục quận yêu cầu tất cả giáo viên tham gia tập huấn. Bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thuỷ cho biết: Việc tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ đại trà giúp các thầy cô nắm chắc mục tiêu Chương trình GDPT 2018 ngay khi triển khai, biết cách tổ chức thực hiện, hiểu về quyền và trách nhiệm được giao trong triển khai chương trình mới. Từ đó, giáo viên sớm chủ động, chuẩn bị về chuyên môn.

Cũng sẵn sàng trong công tác bồi dưỡng giáo viên triển khai lớp 4, lớp 8, ông Phan Văn Nhớ - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vị Thanh (Hậu Giang) trao đổi: Toàn huyện có 143 giáo viên tiểu học tham gia tập huấn giảng dạy lớp 4 mới (trong đó 48 giáo viên chủ nhiệm). Riêng cấp THCS, có 25 giáo viên tiếng Anh được tập huấn trực tiếp, còn lại tất cả giáo viên bộ môn được đề cử tập huấn thay sách giáo khoa lớp 8 mới.

Tương tự như mọi năm, sau khi đợt tập huấn đại trà triển khai chương trình lớp 4, lớp 8 mới, Phòng GD&ĐT huyện Vị Thanh sẽ phối hợp cùng giáo viên cốt cán khảo sát, đánh giá lại năng lực, kỹ năng giáo viên tham gia giảng dạy, từ đó có giải pháp bồi dưỡng nâng cao năng lực, hỗ trợ giáo viên đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện dạy học Chương trình GDPT 2018.

Cô Trịnh Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Thủy, quận Bình Thuỷ (TP Cần Thơ) cho biết: Năm học vừa qua, nhà trường đã chủ động sắp xếp đủ giáo viên giảng dạy lớp 4 dạy năm học mới. Đội ngũ giáo viên phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn, trình độ năng lực so với mục đích, yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.

Trước khi tập huấn, trường tổ chức cho các tổ chuyên môn đọc và nghiên cứu các bản mẫu chương trình, cấu trúc bài học trong sách giáo khoa để nắm bắt mạch kiến thức lớp 4, định hướng những nội dung cốt lõi… để có hướng xây dựng kế hoạch bài dạy sát, phù hợp với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Các tổ trưởng, nhóm trưởng chuyên môn rà soát chặt chẽ đội ngũ tham gia tập huấn đổi mới kiểm tra đánh giá, nghiên cứu cấu trúc chương trình sách giáo khoa…

Giáo viên Cần Thơ tham gia tập huấn đại trà và tự nghiên cứu, học tập.

Giáo viên Cần Thơ tham gia tập huấn đại trà và tự nghiên cứu, học tập.

Kịp thời tháo gỡ vướng mắc

Bà Nguyễn Kiều Phương cho rằng: Ngoài việc tổ chức tập huấn đại trà, một trong những giải pháp giúp giáo viên có đủ năng lực, kỹ năng đứng lớp dạy học, đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018 là tăng cường công tác quản lý của hiệu trưởng.

Khi giao nhiệm vụ cho giáo viên, ban lãnh đạo phải theo dõi thường xuyên để nắm bắt và kịp thời tháo gỡ vướng mắc, hạn chế trong thực tế giảng dạy. Đồng thời, Phòng cũng lưu ý các đơn vị trường học tăng cường dự giờ thăm lớp, tổ chức các chuyên đề hội thảo trong từng giai đoạn, phân kỳ, năm học… Giáo viên cũng có những trao đổi và rút ra kinh nghiệm hay, chia sẻ trong tập thể, trong đó tập trung vào các phương pháp và chọn dữ liệu triển khai chương trình mới.

Sau một năm học tham gia giảng dạy môn Mỹ thuật cấp học THCS và THPT của Chương trình GDPT 2018, cô Hồ Như Thủy, Trường THCS & THPT Đông Thành (Vĩnh Long) nhận định: Để có đủ kiến thức, kỹ năng đứng lớp giảng dạy môn học mới, ngoài tham gia tập huấn, bồi dưỡng chương trình mới do Bộ, Sở tổ chức thì giáo viên phải tự nghiên cứu sách và tự học thêm trên các diễn đàn, trang mạng xã hội uy tín… Cùng đó, tham gia chia sẻ kinh nghiệm giữa giáo viên trong trường với thành viên trong nhóm để cùng giải quyết, tháo gỡ khó khăn ban đầu khi giảng dạy chương trình mới.

“Dù Hội đồng bộ môn, đồng nghiệp nhiệt tình hỗ trợ, nhưng vì nhiều năm qua bản thân chỉ dạy cấp THCS, chưa có kinh nghiệm nhiều trong giảng dạy THPT nên bước đầu khá bỡ ngỡ… Sau một năm nhà trường tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng và thực dạy, dự giờ các tiết học, chia sẻ với đồng nghiệp, hội đồng bộ môn, tôi đã tự tin hơn khi triển khai chương trình, môn học mới ở lớp 11”, cô Thuỷ chia sẻ.

Theo cô Trịnh Thị Nhung, với giáo viên, quan trọng nhất là năng lực giảng dạy, truyền thụ kiến thức. Muốn có năng lực dạy học tốt, thầy cô phải nắm vững kiến thức, kỹ năng môn học được phân công giảng dạy; biết lập các loại kế hoạch dạy học; sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học; ứng dụng công nghệ để có những bài giảng lý thú, cuốn hút; đặc biệt có thể vận dụng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học hợp lý theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, phát triển kỹ năng cho học sinh.

Ngoài ra, triển khai chương trình mới, để đánh giá chính xác học sinh, giáo viên cần có kỹ năng thiết kế công cụ đánh giá kết quả giáo dục thể hiện ở mức độ đạt được các năng lực cần hình thành và phát triển; biết sử dụng các phần mềm hỗ trợ đánh giá; có kiến thức, kỹ năng về kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh.

Để đáp ứng yêu cầu giảng dạy lớp 11, giáo viên nhất thiết phải tham gia tập huấn đầy đủ 9 mô-đun trên hệ thống LMS; tổ chuyên môn lựa chọn bộ sách giáo khoa đáp ứng yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT 2018; giáo viên cần tham gia tập huấn đại trà trực tiếp và tự học tự nghiên cứu để lựa chọn các phương pháp, kỹ thuật dạy học sinh động. - Cô Đỗ Thị Xuân (Trường THCS & THPT Trần Ngọc Hoằng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ