Việc tự bồi dưỡng cũng đòi hỏi giáo viên linh hoạt, phù hợp với thực tế yêu cầu của nhà trường, địa phương.
Mở rộng kiến thức
Đối với thầy giáo Lê Văn Vỹ, dạy môn Địa lý Trường TH&THCS Đinh Núp, thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk), việc tự bồi dưỡng không chỉ giúp cải thiện, nâng cao kiến thức, đổi mới phương pháp giảng dạy cho trò, mà còn đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đặc biệt trong giai đoạn triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới.
Thầy Vỹ chia sẻ: Với môn Lịch sử và Địa lý, giáo viên hai phân môn cùng đảm nhận các chủ đề theo chương trình. Để thực hiện giảng dạy theo chương trình mới, tôi chủ động tham gia các khóa tập huấn, bồi dưỡng giáo viên theo các mô-đun của sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT. Bên cạnh đó còn tự bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực sư phạm.
Thầy Vỹ bộc bạch, thời gian đầu khi làm quen với chương trình mới, bản thân cảm thấy có chút khó khăn do hai giáo viên dạy cùng một môn nên đòi hỏi sự liên kết giữa kiến thức lịch sử và địa lý. Nếu giáo viên dạy khác nhau thì bài học mất đi tính liền mạch, giảm hứng thú cho học sinh.
“Tôi không còn khó khăn khi dạy học theo chương trình mới. Về phía học sinh, nhất là học sinh dân tộc đã trở nên tự tin, hào hứng và chủ động tiếp cận bài học”, thầy Lê Văn Vỹ nói và cho hay đạt được kết quả này một phần nhờ vào quá trình tự bồi dưỡng.
Tuy nhiên, nhờ việc bồi dưỡng và tự bồi dưỡng, thầy Vỹ đã tìm ra hướng giải quyết các khó khăn trên và phát huy sức sáng tạo trong dạy học theo chương trình mới. Quá trình tự bồi dưỡng của thầy Vỹ gồm những nội dung như nâng cao kỹ năng giảng dạy môn Địa lý theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh; trau dồi kiến thức môn Lịch sử...
Từ tài liệu tập huấn các mô-đun, thầy Vỹ thường xuyên xem lại các phương pháp, ứng dụng vào thực hành. Bên cạnh đó, thầy Vỹ tham gia các nhóm tập huấn của trường, địa phương để trao đổi, tháo gỡ vướng mắc với đồng nghiệp, giáo viên cốt cán. Mặt khác, thầy tích cực dự các tiết dự giờ của giáo viên môn Địa lý hoặc các môn trong chương trình mới do ban giám hiệu tổ chức để học hỏi phương pháp hay, cách làm sáng tạo từ đồng nghiệp, tổ chuyên môn.
Với việc trau dồi kiến thức Lịch sử, thầy Vỹ thường mượn đọc tài liệu của đồng nghiệp dạy môn này. Khi xây dựng kế hoạch bài giảng, thầy Vỹ trao đổi với giáo viên Lịch sử để thống nhất nội dung giảng dạy, và đưa ra những nội dung Lịch sử dự định lồng ghép trong bài học nhờ đồng nghiệp đánh giá, góp ý.
Thầy Lê Văn Vỹ thường xuyên tìm tòi công nghệ mới ứng dụng vào giảng dạy môn Địa lý. Ảnh: NVCC |
Tự bồi dưỡng phù hợp thực tế
Là một trong những giáo viên đầu tiên triển khai chương trình mới tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, huyện Cư Jút (Đắk Nông), cô Trương Thị Hoa cho biết bản thân luôn cố gắng học tập, tìm hiểu các phương pháp giảng dạy, đánh giá mới nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.
Cô Hoa chia sẻ, trường có nhiều học sinh dân tộc nên việc truyền thụ kiến thức cũng khác biệt so với giảng dạy một lớp đều là học sinh người Kinh. Bởi lẽ học sinh còn hạn chế trong việc giao tiếp tiếng phổ thông và tính cách nhút nhát, rụt rè so với bạn bè đồng trang lứa. Do đó, giáo viên phải linh hoạt vận dụng các phương pháp khác nhau với từng đối tượng học sinh.
Để làm được điều này, ngoài tập huấn theo chương trình mới, giáo viên phải chủ động tự bồi dưỡng qua nhiều hình thức như Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến LMS, tài liệu trên Internet, học hỏi từ đồng nghiệp gặp chung vấn đề. Từ đó, giáo viên cần chắt lọc kiến thức tự bồi dưỡng kỹ càng để ứng dụng vào thực tế.
Ngoài ra, việc tự bồi dưỡng cần diễn ra thường xuyên, liên tục nên giáo viên phải sắp xếp thời gian tự học khoa học. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ đồng nghiệp tại trường và trên địa bàn huyện trong thời gian tập huấn, giảng dạy có thể giúp giáo viên nắm chắc chương trình tổng thể, liên tục mài giũa kiến thức để không đi vào lối mòn.
Cô Hoa nhìn nhận giáo viên phải nâng cao trách nhiệm, ý thức kỷ luật với việc tự bồi dưỡng để hoạt động này đạt hiệu quả, sâu sát, thiết thực. Việc tự học cũng gắn liền với chia sẻ, trao đổi thông tin với ban giám hiệu, tổ chuyên môn, đồng nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc hoặc học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên cô Phạm Thị Thanh Thảo, Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Ân Thi, Hưng Yên) được phân công dạy môn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Ban đầu, cô Thảo không khỏi cảm thấy bỡ ngỡ. Để giảng dạy môn học mới, bên cạnh tham gia các chương trình tập huấn do ngành Giáo dục tổ chức, cô đã tích cực tự học, tự bồi dưỡng.
Với lợi thế sử dụng thành thạo Internet, cô Thảo thu thập video dạy thử nghiệm môn giáo dục trải nghiệm, hướng nghiệp, tài liệu giảng dạy để nghiên cứu và hỗ trợ giảng dạy. Ngoài ra, cô còn chủ động tìm hiểu và lồng ghép thông tin về các làng nghề, văn hóa truyền thống của địa phương để học sinh cảm thấy gần gũi, gắn bó với nội dung bài học.
Góp ý cho hoạt động tự bồi dưỡng, cô Thảo nhắc đến việc ban giám hiệu, tổ chuyên môn, giáo viên cốt cán và giảng viên các trường sư phạm cần tiếp tục quan tâm, đồng hành và kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho giáo viên dạy học chương trình mới. Về phía giáo viên cần nắm vững nội dung Chương trình, sách giáo khoa mới; chủ động tìm tòi, cập nhật khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và phương tiện dạy học.
Trong quá trình tập huấn, thầy Lê Văn Vỹ tâm đắc với nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Ở giai đoạn dịch Covid-19, thầy giáo đã mày mò công nghệ mới để dạy học trực tuyến nên đến nay, không gặp nhiều khó khăn khi giảng dạy. Thầy thường tổ chức các trò chơi nhỏ trước giờ dạy như xác định vị trí đối tượng địa lý trên bản đồ, phân biệt các biểu đồ địa lý... bằng nhiều phần mềm công nghệ.