Chủ động các phương án bồi dưỡng giáo viên

GD&TĐ - Chuẩn bị cho năm học mới, các địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai tổ chức bồi dưỡng giáo viên, đặc biệt theo Chương trình mới...

Một khóa tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non do Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) tổ chức. Ảnh: TG
Một khóa tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non do Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) tổ chức. Ảnh: TG

Vận dụng mô hình và kinh nghiệm

Theo kế hoạch, trong tháng 6 – 7/2023, Sở GD&ĐT Hải Dương triển khai tổ chức tập huấn, sử dụng sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới và thực hiện chương trình nội dung giáo dục của địa phương.

Ông Đỗ Duy Hưng - Phó Giám đốc Sở cho hay, Sở đã có công văn hướng dẫn triển khai công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Theo đó, các lớp tập huấn, bồi dưỡng được áp dụng theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Các lớp này sẽ do Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT và các cơ sở giáo dục tổ chức.

Sở GD&ĐT Hải Dương cũng chú trọng bồi dưỡng theo hình thức sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn của trường, liên trường, hội thảo, hội thi, tham quan học tập thực tế… Đặc biệt khuyến khích giáo viên tự bồi dưỡng, tự học, tự nghiên cứu.

Ngoài ra, Hải Dương tăng cường ứng dụng hệ thống học tập trực tuyến trên LMS. Hình thức này có nhiều ưu điểm hơn so với các lớp bồi dưỡng truyền thống; kết nối với các trường sư phạm để các trường cử giảng viên hỗ trợ công tác tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên địa phương.

Dù các lớp tập huấn, bồi dưỡng chưa diễn ra nhưng Sở GD&ĐT Quảng Nam đã có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên trong dịp hè. Ông Thái Viết Tường – Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, địa phương sẽ vận dụng mô hình và kinh nghiệm tập huấn, bồi dưỡng của Chương trình ETEP trong những năm vừa qua. Dự kiến trong tháng 7 sẽ triển khai bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên cốt cán. Tháng 8 sẽ bồi dưỡng giáo viên đại trà trên toàn tỉnh.

Đối với khóa bồi dưỡng cốt cán, giáo viên sẽ có thời gian tự nghiên cứu tài liệu qua mạng trước khi bồi dưỡng trực tiếp. Khi bồi dưỡng trực tiếp, giáo viên sẽ tập trung thời gian để tương tác và thực hiện những nội dung liên quan, cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Với cách làm này, vừa tiết kiệm được thời gian, chi phí nhưng vẫn đảm bảo sự tương tác, hướng dẫn của báo cáo viên cho đội ngũ cốt cán và tạo ra cộng đồng học tập cùng chia sẻ kinh nghiệm.

Đối với khóa bồi dưỡng đại trà cho giáo viên, dự kiến sẽ áp dụng theo hình thức bồi dưỡng thường xuyên, liên tục thông qua hệ thống học tập trực tuyến LMS. Theo đó, học viên có thể học mọi lúc, mọi nơi và tự nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Ngoài ra, tuỳ theo điều kiện thực tiễn, các địa phương, cơ sở giáo dục có thể tổ chức tập huấn, bồi dưỡng bổ sung theo hình thức trực tiếp với các nội dung, kiến thức chuyên sâu, sát với yêu cầu thực tế.

Sở GD&ĐT Tuyên Quang tổ chức tập huấn sử dụng sách giáo khoa mới cho giáo viên. Ảnh: Internet

Sở GD&ĐT Tuyên Quang tổ chức tập huấn sử dụng sách giáo khoa mới cho giáo viên. Ảnh: Internet

Xây dựng đội ngũ “chân rết”

“Chúng tôi xác định, công tác bồi dưỡng giáo viên phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Tức là bồi dưỡng những thứ giáo viên cần chứ không tập huấn những gì đã có. Trên tinh thần đó, chúng tôi hướng dẫn các địa phương xây dựng đội ngũ “chân rết” trong việc hỗ trợ đồng nghiệp. Họ là những giáo viên cốt cán ở cơ sở giáo dục. Thực tế, hình thức đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua và tiếp tục được lan tỏa thời gian tới” – bà Mai nhấn mạnh.

Trà Vinh có hơn 6.700 giáo viên. Bà Tăng Thị Ngọc Mai - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, địa phương đang tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cốt cán về Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Năm học 2023 – 2024, lần đầu tiên triển khai Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Do đó, Sở GD&ĐT chú trọng khâu tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên những lớp này.

Để công tác bồi dưỡng thực sự hiệu quả, Sở GD&ĐT Trà Vinh thực hiện phương thức bồi dưỡng trực tiếp kết hợp trực tuyến, bảo đảm phù hợp với nhiều đối tượng giáo viên. Bà Mai cho hay, Sở GD&ĐT chủ động tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị..., đầu tư kinh phí và cơ chế, chính sách cho giáo viên tham gia tập huấn, bồi dưỡng, nhất là với giáo viên cốt cán được Sở triệu tập làm báo cáo viên trong các khóa bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên đại trà.

“Đối với các huyện, thành phố, thị xã, chúng tôi khuyến khích triển khai công tác bồi dưỡng theo phương châm: Đa dạng về hình thức, linh hoạt về phương pháp và phong phú về nội dung. Các cơ sở giáo dục có thể tổ chức bồi dưỡng theo nhóm tổ chuyên môn, nhóm trường hoặc cụm thi đua nhằm mang lại hiệu quả thiết thực” – bà Mai trao đổi.

Theo ông Lại Trọng Hiếu - Trưởng phòng GD&ĐT Nghĩa Hưng (Nam Định) hoạt động bồi dưỡng giáo viên các cấp triển khai đúng kế hoạch, tiến độ của Sở và Bộ GD&ĐT theo hai hình thức trực tuyến các mô-đun do Bộ triển khai trên hệ thống LMS và trực tiếp các hoạt động sinh hoạt chuyên môn các môn học.

Giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định) sinh hoạt chuyên môn. Ảnh: NTCC

Giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định) sinh hoạt chuyên môn. Ảnh: NTCC

Phòng tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thành lập đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán triển khai Chương trình GDPT 2018; phân công đội ngũ cốt cán phụ trách và hỗ trợ các trường kịp thời và hiệu quả. Đồng thời, duy trì, tổ chức thường xuyên sinh hoạt chuyên môn, hỗ trợ giáo viên dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục. “Trong năm học, chúng tôi sẽ lồng ghép các chuyên đề, sinh hoạt chuyên đề để bổ sung kiến thức, kỹ năng cho giáo viên yên tâm đứng lớp” – ông Hiếu cho hay.

Theo ông Hiếu, tất cả các nội dung học tập, tập huấn, giáo viên được nghiên cứu chương trình môn học, các mạch nội dung, kiến thức, chủ đề học tập và nội dung trong sách giáo khoa để xây dựng các chủ đề dạy học trên cơ sở tích hợp một số nội dung và yêu cầu cần đạt. Đối với những đơn vị còn khó khăn về đội ngũ, Phòng GD&ĐT thành phố thường xuyên kiểm tra nền nếp chuyên môn, nắm bắt việc giảng dạy của giáo viên, có sự nhận xét, hỗ trợ cho giáo viên khắc phục hạn chế để thích ứng tốt hơn với yêu cầu đổi mới.

Thông qua các khóa tập huấn, bồi dưỡng giáo viên nắm bắt các yêu cầu đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; từ đó vận dụng phù hợp vào thực tế dạy học… Hiện, 100% cán bộ quản lý, giáo viên đã hoàn thành tham gia bồi dưỡng, tập huấn các mô-đun của Chương trình GDPT 2018.

Cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông tham gia khóa bồi dưỡng với tinh thần tích cực, chủ động nghiên cứu, trao đổi với đồng nghiệp về các nội dung còn vướng mắc trong quá trình bồi dưỡng. Các cơ sở giáo dục và đội ngũ giáo viên của thành phố xác định rõ tầm quan trọng trong công tác bồi dưỡng và tự bồi dưỡng chuyên môn, có tâm thế tốt để thực hiện nhiệm vụ năm học mới.

Một lớp tập huấn cho giáo viên phổ thông ở Đà Nẵng và các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: Internet

Một lớp tập huấn cho giáo viên phổ thông ở Đà Nẵng và các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: Internet

Mùa Hè 2023, Phòng GD&ĐT huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) cử 40 giáo viên cốt cán tham gia các lớp tập huấn do Sở GD&ĐT tổ chức trong tháng 7. Trưởng phòng GD&ĐT Đặng Hữu Dương thông tin, đến tháng 8 và đầu năm học 2023 – 2024, Phòng sẽ triển khai tập huấn cho giáo viên đại trà.

Theo đó, một trong những giải pháp hữu hiệu trong công tác bồi dưỡng là đẩy mạnh sinh hoạt chuyên môn. Khuyến khích giáo viên tự bồi dưỡng cho nhau theo hướng: Trường giúp trường, đồng nghiệp giúp đồng nghiệp để cùng tiến bộ, tiến tới thành lập cộng đồng giáo viên cùng chia sẻ, học tập kinh nghiệm.

Ngoài ra, các trường cũng có thể tự quay video những bài giảng mẫu, tình huống sư phạm điển hình gửi lên nhóm Zalo, Facebook để giáo viên cùng nghiên cứu và tự rút kinh nghiệm. “Chúng tôi cũng hướng dẫn các trường xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ; trên hết là tạo thế và lực để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2023 – 2024” – ông Dương nhấn mạnh.

Theo ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), những năm qua, Bộ đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trong việc chuẩn bị, bố trí, sắp xếp và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Đến nay, về cơ bản đội ngũ giáo viên đáp ứng được yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình, sách giáo khoa mới. Tuy nhiên, một số bất cập, khó khăn, vướng mắc được nhận diện như: Tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, thiếu nguồn tuyển dụng giáo viên một số môn học đặc thù; công tác đào tạo và đặt hàng đào tạo theo Nghị định 116; công tác xác định nhu cầu và tổ chức bồi dưỡng giáo viên…

Từ thực tế trên, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục nhấn mạnh, cần làm rõ thực trạng và giải pháp về công tác tuyển sinh đáp ứng yêu cầu về đội ngũ giáo viên; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định tầm quan trọng của đào tạo và bồi dưỡng giáo viên. Thứ trưởng cho rằng, hai công tác này gắn bó chặt chẽ và cần hướng tới chuẩn kiến thức, kỹ năng.

Đây là trách nhiệm chung của các chủ thể bao gồm Bộ GD&ĐT, cơ sở đào tạo và cơ quan sử dụng giáo viên. Do đó, trước tiên, các chủ thể cần tiếp tục có nhận thức sâu sắc về hai công tác này; từ đó, làm rõ vai trò, trách nhiệm từng khâu. Về phía địa phương, Sở GD&ĐT cần tiếp tục tham mưu tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các văn bản, chỉ đạo của Bộ; kịp thời phản ánh những phát sinh, bất cập đến đơn vị có thẩm quyền.

Theo bà Tăng Thị Ngọc Mai, việc xây dựng các chương trình bồi dưỡng được xuất phát từ thực tiễn, nhu cầu của giáo viên. Tất nhiên, cần có đối chiếu với đánh giá chuẩn nghề nghiệp để xác định rõ năng lực còn thiếu và yếu của giáo viên; từ đó mới có thể tổ chức bồi dưỡng đúng và trúng, nhằm lấp đầy khoảng trống cho giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.