Để giáo viên làm chủ kiến thức đổi mới
Nhà giáo Nguyễn Đức Hải – nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội), người có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy và tham gia vào quá trình quản lý nhà trường cho rằng: Một giáo viên để không bị tụt hậu và phát triển thì tất yếu phải tự học, tự bồi dưỡng kiến thức và nâng cấp bản thân mình liên tục.
Chỉ có sự chăm chỉ đào luyện kiến thức từ những người thầy mới có thể đào tạo nên những học trò giỏi và thổi lên trong học trò niềm đam mê học tập, tìm tòi kiến thức. Chất lượng của đội ngũ nhà giáo đóng vai trò quyết định vào quá trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.
Xu thế đổi mới phương pháp giảng dạy hiện nay là nhằm phát huy tối đa khả năng của học sinh, giúp học sinh tự khám phá và chiếm lĩnh tri thức. Vì vậy, người thầy với vai trò tổ chức, hướng dẫn quá trình sư phạm phải là tấm gương tự học, tự bồi dưỡng, thành thạo trong các kỹ năng tự học. Người thầy có tự học, tự bồi dưỡng mới làm chủ được tri thức, chuyên môn và đáp ứng tốt nhất việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Bồi dưỡng phải đi vào thực chất
Để đạt hiệu quả cao trong công tác bồi dưỡng giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và giảng dạy tốt chương trình phổ thông mới… thì các nội dung bồi dưỡng cần được các địa phương, nhà trường xây dựng đổi mới, thiết thực và bổ ích.
Giáo dục đang trong quá trình đổi mới căn bản toàn diện, nếu chỉ với những tri thức khoa học và phương pháp sư phạm được đào tạo trên ghế nhà trường cách đây nhiều năm thì không thể thỏa mãn và đáp ứng với yêu cầu. Mặt khác, yêu cầu từ xã hội đặt ra cho GD-ĐT, ngày càng lớn thì không thể chỉ đào tạo một lần là thỏa mãn mà phải đào tạo nâng cao và phải bồi dưỡng thường thường xuyên.
Mặt khác, hình thức bồi dưỡng thường xuyên cần mềm dẻo và linh hoạt, thời gian tổ chức phải phù hợp, tránh chồng chéo. Việc bồi dưỡng giáo viên phải đáp ứng được mục tiêu chung là giúp giáo viên đảm nhiệm tốt việc giảng dạy theo chương trình mới và luôn đổi mới phương pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học...
Về phía các Sở GD&ĐT, để hoạt động bồi dưỡng đạt hiệu quả thực sự cần xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng trong ngành theo từng giai đoạn. Có chỉ tiêu phấn đấu nâng dần tỷ lệ giáo viên có trình độ về chuyên môn đối với từng loại trường. Công tác bồi dưỡng giáo viên cần được kiểm tra thường xuyên, có sự khen thưởng động viên những đơn vị, cá nhân làm tốt…
Để đảm bảo chất lượng giáo dục trong công cuộc đổi mới, vấn đề bồi dưỡng giáo viên thường xuyên vô cùng quan trọng. Bản thân ngành Giáo dục mỗi địa phương cần đổi mới, chủ động, sáng tạo, linh hoạt và thiết thực trong nội dung bồi dưỡng. Làm tốt công tác bồi dưỡng giáo viên góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục của từng địa phương và toàn ngành Giáo dục.